Bạn quá bận rộn và luôn ước, một ngày dài hơn 24 giờ? Bạn mỏi mệt với những công việc, dự án ngập đầu và gần như đêm nào cũng phải thức khuya để làm cho xong việc?
Nói thật đi, nếu được tăng thêm 1 giờ, 2 giờ, thậm chí 6 giờ/ngày, bạn sẽ dùng thời gian đó làm gì? Nếu bạn định dùng đặc ân đó để làm việc tiếp, để xử lý nốt những công việc tồn đọng mà bạn cho-là-quan-trọng, bạn quá phí phạm! Nếu bạn định dùng thời gian "dôi" đó để nghỉ ngơi, để chăm sóc gia đình, con cái, để trò chuyện với chồng, để ngủ một giấc cho ra trò, nó có thể là một quyết định khôn ngoan; nhưng đặt vấn đề ngược lại, nếu thời gian "dôi" đó chẳng bao giờ có?
Nói thật đi, nếu được tăng thêm 1 giờ, 2 giờ, thậm chí 6 giờ/ngày, bạn sẽ dùng thời gian đó làm gì? Nếu bạn định dùng đặc ân đó để làm việc tiếp, để xử lý nốt những công việc tồn đọng mà bạn cho-là-quan-trọng, bạn quá phí phạm! Nếu bạn định dùng thời gian "dôi" đó để nghỉ ngơi, để chăm sóc gia đình, con cái, để trò chuyện với chồng, để ngủ một giấc cho ra trò, nó có thể là một quyết định khôn ngoan; nhưng đặt vấn đề ngược lại, nếu thời gian "dôi" đó chẳng bao giờ có?
Nếu một ngày khăng khăng chỉ có 24 giờ? Bạn sẽ chấp nhận hy sinh những niềm vui ấy, hạnh phúc ấy để giải quyết bằng xong đống công việc của bạn phải không, vì bạn quá bận rộn cho những điều phù phiếm? Nếu quả vậy, bạn ạ, bạn đang không "sống" đâu!
Bạn chưa quên kỷ niệm ngày cưới chứ?
Sống ư? Đó là một trạng thái tràn đầy năng lượng và hứng khởi. Sống ư? Đó là bạn thấy hạnh phúc vì mình được yêu ai đó, được hồi hộp đợi ngày mai, được cười rũ rượi vì một niềm vui nho nhỏ. Sống, đó là có thời gian để thở và tiêu tiền, thời gian để yêu thương, chứ không phải kiếm tiền bằng mọi giá.
Những người quá bận rộn hay người nghiện việc thường có đủ cớ để ngập đầu ngập cổ trong công việc, và với họ, những thứ khác: một ngày kỷ niệm, một bữa ăn, một câu chuyện không đầu không cuối của bọn trẻ, thậm chí, sự ra đời của bọn trẻ... có thể đợi. Họ có lý, nhưng đừng để những điều kia đợi lâu quá, bởi một ngày, nó sẽ đi quá xa tầm với.
Những người quá bận rộn hay người nghiện việc thường có đủ cớ để ngập đầu ngập cổ trong công việc, và với họ, những thứ khác: một ngày kỷ niệm, một bữa ăn, một câu chuyện không đầu không cuối của bọn trẻ, thậm chí, sự ra đời của bọn trẻ... có thể đợi. Họ có lý, nhưng đừng để những điều kia đợi lâu quá, bởi một ngày, nó sẽ đi quá xa tầm với.
Nhiều phụ nữ hiện đại bận bịu chẳng kém đàn ông, nhất là những phụ nữ có chức quyền, có địa vị. Với phụ nữ, rất lạ, khi có trong tay quyền lực, đôi khi nó như một men say khiến ta tin, những việc như nấu cơm, dọn nhà, chăm con... quá ư lặt vặt. Và hãy coi chừng, biết đâu, đến một ngày, sẽ có người đàn bà khác tình nguyện làm tất cả những việc lặt vặt ấy, vì cô ta yêu gia đình của bạn.
Quỹ sống của mỗi người có hạn thôi, vì thế, đừng giống một người nghiện việc, mê mệt chạy theo những dự án, những deadline công việc mà quên rằng, deadline của đời mình cũng đang đến gần. Mỗi ngày ta sống là một ngày ta gần hơn với cái chết, và nếu ta bỏ qua những mốc quan trọng như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, ngày lễ..., ta sẽ còn gì để ghi nhớ về đời mình chứ?
Bạn có để ý thấy, những đứa trẻ có bố mẹ bận rộn với công việc thường có xu hướng thích chơi với đồ công nghệ? Chúng có thể vuốt iPad, mở điện thoại nhoay ngoáy, ê a chơi trò "giao dịch" qua điện thoại, suỵt những ai làm ồn xung quanh khu vực chúng đang đứng như một "bản sao hoàn hảo" của bố mẹ. Và dù bố mẹ có "tranh thủ" chơi với con, ôm con vào lòng khi tiếp tục làm việc vào buổi tối, sẽ chẳng bao giờ là đủ yêu thương. Và thật tệ, nếu một ngày bạn nhận ra, mình đã bỏ lỡ tuổi thơ của con; đau đớn hơn, nhận ra, chúng không cần mình nữa.
Bạn có tin, có những người bận đến mức, họ biết mình không đủ thời gian để chăm sóc một đứa trẻ và quyết định không sinh nó ra? Việc trì hoãn này thường được cấp cho một cái cớ không-thể-hợp-lý-hơn: đợi thời gian thích hợp. Tức là đợi khi họ thăng tiến, khi có nhiều tiền, khi không trì hoãn được nữa. Nhưng hạnh phúc không phải là một ván cờ...
Hạnh phúc đến với chúng ta, nhiều khi chẳng báo trước và ta không sẵn sàng đón nhận. Nhưng lấy gì để đảm bảo, khi ta sẵn sàng, nó sẽ quay lại?
Khi đang ngập đầu với những công việc kiếm tiền, có thể bạn sẽ thấy phiền việc cha già mẹ yếu cứ gọi điện hoài chỉ vì mấy câu chuyện cũ rích kể đi kể lại, vì những câu hỏi chẳng có gì sáng tạo và không đem lại lợi ích gì. Nhưng hãy nghĩ xem, khi tất cả những thứ đó đột ngột dừng lại, bạn sẽ hạnh phúc chứ?
Đã lâu chưa bạn không có một buổi tụ tập với bạn mình, để ôn lại những niềm vui tuổi trẻ, để nghe họ kể chuyện nhà cửa, chồng con, hay chỉ đơn giản là có mặt khi họ cần bạn? Bận rộn luôn là một cái cớ tuyệt vời để né tránh những cuộc tụ tập mà với bạn, nó không cần thiết lắm. Công việc đang nhiều, bạn bè có thể đợi. Không gặp nhau hôm nay thì ngày mai, ngày kia, OK? Thế nhỡ ngày mai không bao giờ đến thì sao?
Sự bận rộn có thể khiến bạn bỏ lỡ nhiều điều, khiến bạn không còn thời gian cho gia đình, bạn bè, cho những người bạn yêu thương và yêu thương bạn. Nhưng điều đáng sợ nhất là nó có thể khiến bạn bỏ lỡ chính mình, lờ đi những nhu cầu của mình, hạnh phúc của mình.
Lần gần đây nhất bạn đọc một cuốn sách là khi nào? Lần gần đây nhất bạn xem trọn vẹn một bộ phim hay là khi nào? Lần gần đây nhất bạn ôm hôn chồng, nghe câu chuyện con bi bô kể mà không hề phân tâm là khi nào? Hãy trả lời câu hỏi đó với chính bạn, nhé, và nếu bạn không thể tìm ra đáp án, hay nó đã quá xa xôi rồi, hãy khởi động lại cuộc sống của mình, và đừng để lý do "quá bận rộn" ngăn cản bạn sống thực sự. Trong trường hợp xấu nhất, hãy gạt bỏ tất cả, chỉ giữ lại điều mà bạn tin rằng, đó là hạnh phúc.