Phát hoảng với những bức ảnh rụng hết lông mi sau nối mi chia sẻ trên mạng xã hội
Mới đây, trên mạng xã hội facebook đang truyền tay nhau những bức ảnh của đôi mắt sau khi nối mi. Thay vì một đôi mắt mơ màng với hàng lông mi dài cong vút, người xem phải hoảng hồn bởi đám lông mi – cả mi thật lẫn mi giả - đều dính cả vào nhau thành một mớ hỗn độn, bị lột gần như toàn bộ ra khỏi đôi mắt.
Bờ mi bị viêm nhiễm sau khi rụng hết lông mi. (Ảnh: Facebook)
Đôi mắt của người được nối mi trong bức ảnh giờ đây đi cả chì lẫn chài khi chẳng thấy đẹp đẽ ở đâu, chỉ thấy việc nối mi sai kỹ thuật, sử dụng keo dán nối mi chưa đúng cách đã lấy đi hết cả mi thật vốn có. Đôi mắt không chỉ bị rụng mi, khiến gương mặt trở nên mất điểm nhấn mà còn sở hữu cửa sổ tâm hồn với ánh nhìn vô cảm.
Sau 11 giờ chia sẻ trên facebook, những hình ảnh này đã nhận được hàng nghìn lượt bày tỏ cảm xúc kèm những bình luận lo lắng khi nối mi. (Ảnh: Facebook)
Hơn thế nữa là những căn bệnh có thể đi kèm sau khi nối mi thất bại khi bờ mi của người được nối mi có dấu hiệu sưng tấy, ửng đỏ. Sau 11 giờ chia sẻ trên facebook, những hình ảnh này đã nhận được hàng nghìn lượt bày tỏ cảm xúc kèm những bình luận lo lắng khi nối mi.
Cả đám lông mi thật lẫn giả bị lột ra khỏi mắt.(Ảnh: Facebook)
Tháng 5 năm nay, chúng ta cũng từng một phen phát hoảng với câu chuyện 2 người phụ nữ sống tại bang Florida (Mỹ) đã phải nhập viện vì mí mắt đầy bọ ve sau khi thực hiện nối mi ở một salon. Vậy có nên nối mi hay không? Việc làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhất là đối với chị em phụ nữ, có lẽ nào từ nay trở đi không nên nối mi nữa? Theo giới chuyên gia, nối mi sai kỹ thuật sẽ để lại hậu quả khó lường nhưng nếu thực hiện đúng, bạn sẽ nhanh chóng sở hữu bờ mi cong, dày dặn, quyến rũ.
Nhiều chị em chắc chắn sẽ lo ngại việc có nên nối mi hay không? (Ảnh: Facebook)
Nối mi làm đẹp cũng cần phải tuân thủ đúng kỹ thuật, tránh hậu quả rụng mi, viêm mí mắt
Để nối mi, người ta phải sử dụng nhíp để gắn từng sợi tơ lụa hoặc sợi tổng hợp lên từng chiếc lông mi của bạn bằng một loại keo. Nhưng rất có thể bạn không biết có những loại keo được sử dụng để nối mi chứa hóa chất formaldehyde - loại hóa chất có thể gây dị ứng dẫn đến nhức, bỏng rát, sưng và phát ban khi tiếp xúc.
Theo BS Đặng Văn Quế (Giám đốc Bệnh viện mắt DND), người châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam nói riêng có đôi mắt nhỏ hơn so với người châu Âu. Do đó, chị em luôn không ngừng tìm đến những cách làm đẹp để đôi mắt trở nên to tròn, long lanh và quyến rũ hơn. Trong đó có nối mi. Nhưng chị em cần hết sức cân nhắc, tìm hiểu kỹ và lựa chọn nơi nối mi đảm bảo kỹ thuật, cùng những sản phẩm như sợi mi nối, keo nối uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Để nối mi, người ta phải sử dụng nhíp để gắn từng sợi tơ lụa hoặc sợi tổng hợp lên từng chiếc lông mi của bạn bằng một loại keo.
"Việc sử dụng keo nối kém chất lượng hay không rõ nguồn gốc có thể khiến nhiễm trùng mắt, viêm bờ mi, mi bị rộp, mẩn đỏ vì keo dán tiếp xúc sát viền mi, là chất xúc tác giúp mi giả gắn chặt, giúp hàng mi dày và đẹp tự nhiên. Nếu keo nối không đảm bảo chất lượng, bạn rất dễ bị ngứa mi, việc đưa tay lên gãi sẽ khiến vùng da mắt bị xây xát, tổn thương, lông mi sẽ rụng, bao gồm cả mi giả lẫn mi thật. Khi mi rụng rơi vào mắt thường xuyên sẽ gây tổn thương giác mạc", BS Quế cho hay.
Chưa hết, bạn còn rất dễ bị rụng lông mi tự nhiên vĩnh viễn vì việc nối mi làm hỏng lông nang hoặc do mi giả quá nặng đến mức làm mi thật bị căng và gãy. Kỹ thuật nối mi cũng đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của các kỹ thuật viên có tay nghề cao. Trong đó việc đầu tiên là vệ sinh cẩn thận đôi bàn tay và các dụng cụ nối mi trước khi kỹ thuật viên bắt tay vào thực hiện. Nếu không được làm cẩn thận, điều này rất dễ làm lan truyền nhiễm khuẩn.
Kỹ thuật nối mi đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của các kỹ thuật viên có tay nghề cao.
Chuyên gia khuyến cáo, để nối mi làm đẹp an toàn, cách tốt nhất là chị em nên tìm hiểu và lựa chọn những salon uy tín hàng đầu. Khi nối mi về cần phải thường xuyên theo dõi xem có bị đau, ngứa hay đỏ mắt không. Nếu tình trạng này ngày càng gia tăng thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám và điều trị, thay vì dụi, gãi hoặc giật mi nối ra, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.