Những ngày Tết cận kề, vườn nhà chị Trần Thị Loan (39 tuổi, trú thôn 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thu hút sự chú ý của người dân bởi hàng trăm cây ngũ sắc đang thì ra hoa với đủ sắc màu rực rỡ.

Người phụ nữ đơn thân biến loài hoa "mọc dại" thành khu vườn rực rỡ - Ảnh 1.

Cúi khom người cắt tỉa từng nhánh tạo hình cho cây, chị Loan chia sẻ. Bản thân chị là phụ nữ đơn thân sống với một con trai đang học cấp 2. Cuộc sống của 2 mẹ con sống bằng nghề chăn nuôi và buôn bán gia cầm.

Cơ duyên trồng hoa ngũ sắc vào nửa năm trước, chị Loan có một người anh trai đang sinh sống và làm việc tại Gia Lai kinh doanh loại cây này nhiều năm nay. Qua những lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe, chị được người anh cho xem những cây ngũ sắc được chăm sóc rất chu đáo, tạo hình, ra hoa rất đẹp mắt. Cuộc sống của người anh trai cũng khá lên cũng nhờ loại cây này.

Người phụ nữ đơn thân biến loài hoa "mọc dại" thành khu vườn rực rỡ - Ảnh 2.

Người phụ nữ đơn thân biến loài hoa "mọc dại" thành khu vườn rực rỡ - Ảnh 4.

Hàng trăm gốc hoa ngũ sắc đang được chị Loan chăm sóc để bán Tết

"Quê tôi, loại hoa dại này mọc nhiều ở bờ bụi, trên rừng. Người dân trong làng chưa có ai trồng loại cây này làm cảnh cả. Cũng từ đó, tôi nảy sinh ý định đầu tư để "thuần hóa" nó.

Tháng 7/2022, người anh trai về quê giỗ mẹ, tôi đã cùng anh ấy "hợp tác" biến mảnh vườn trong nhà trồng hoa ngũ sắc", chị Loan kể lại.

Với số vốn 20 triệu đồng ít ỏi chỉ đủ để mua chậu, phân, lân, túi bóng, băng dán và mua một số gốc ngũ sắc từ miền Bắc về. Hàng ngày, chị Loan cùng anh trai phải dậy sớm, dạo khắp các đường làng, lên núi tìm, đào gốc ngũ sắc về trồng, cấy ghép.

Người phụ nữ đơn thân biến loài hoa "mọc dại" thành khu vườn rực rỡ - Ảnh 5.

Cả khu vườn được tô điểm với nhiều màu sắc

Người phụ nữ đơn thân biến loài hoa "mọc dại" thành khu vườn rực rỡ - Ảnh 7.

Chị Loan bên vườn hoa của mình

"Tôi chẳng có kỹ thuật hay kinh nghiệm gì từ việc trồng và chăm sóc loại hoa này nhưng vẫn mạnh dạn làm dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của anh trai. Công đoạn khó và lâu công nhất là ghép cành. Ghép xong phải trùm kín bao bóng và cột dây quanh mắt ghép thật cẩn thận. Khoảng 15 đến 20 ngày sau mầm mọc lại tháo bao bóng ra và chăm sóc như bón phân, tưới nước, cắt tỉa…", chị Loan chia sẻ tiếp.

Sau 5 tháng khởi nghiệp, giờ đây khu vườn nhà chị Loan đã có trên 500 cây ngũ sắc ra hoa rực rỡ. Mỗi cây được ghép từ 2 đến 3 cành với những màu sắc khác nhau.

Có những gốc lâu năm được đào từ trên rừng về, thân to, sần sùi, mọc nhiều "ung bướu" được chăm sóc rất chu đáo. Theo chị Loan, những cây ngũ sắc cổ thụ như thế này được bán với giá từ 400.000 đến 600.000 đồng.

"Dù chưa đến Tết nhưng có nhiều người đã tìm đến tận vườn đặt mua rất nhiều. Dự định gần Tết tôi sẽ bán ra thị trường khoảng hơn 300 cây ngũ sắc với giá dao động từ 200.000 đến 600.000 đồng/ cây. Hi vọng Tết năm nay cuộc sống của mẹ con tôi sẽ ổn hơn nhờ vườn hoa ngũ sắc này", chị Loan phấn khởi chia sẻ.