Mua bảo hiểm nhằm tích luỹ cho con trai
Bà Trương đến từ thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ở những năm tháng tuổi trẻ, bà đi khắp nơi để kiếm tiền. Đến năm 35 tuổi, người phụ nữ này trở về quê hương lập nghiệp và thành công.
Năm 2016, trong buổi gặp gỡ, người bạn đã kể cho bà nghe một công ty bảo hiểm địa phương đã triển khai chương trình tham gia bảo hiểm. Chỉ cần gửi tiền vào, mỗi năm bạn sẽ nhận được một khoản lãi đáng kể. Đồng thời, gói bảo hiểm này có thể xem như quỹ dự phòng dành cho con cái của bà nếu không may gặp rủi ro.
Ngay khi nghe xong điều này, bà Trương vô cùng hứng thú. Với sự giới thiệu của người bạn, bà đã có cuộc gặp gỡ với nhân viên của công ty bảo hiểm. “Bảo hiểm của công ty chúng tôi đưa ra sản phẩm có thời gian 15 năm với phí bảo hiểm hàng năm là 20.000 NDT/người (khoảng 70 triệu đồng)”, nhân viên giới thiệu.
Sau khi nghe được thông tin này, bà ước tính sẽ phải đóng đến 600.000 NDT (khoảng 2 tỷ đồng) nếu mua cho 2 con trai trong 15 năm. Ngay khi có chút băn khoăn về khoản tiền lớn như vậy, nhân viên bán bảo hiểm đã nhanh chóng giải thích thêm: “Bảo hiểm có thời hạn 15 năm nhưng chỉ cần bà đóng đủ 5 năm liên tục là có thể nhận tiền về”.
Nghe thấy vậy, bà Trương yên tâm hơn. Cộng thêm việc người bạn đi cùng ra sức thuyết minh về những lợi ích của gói bảo hiểm, không cần đọc kỹ hợp đồng, người phụ nữ đặt bút ký tên mua luôn 2 gói bảo hiểm.
Hàng năm, cứ đến 15/6, bà lại trả khoản phí bảo hiểm là 40.000 NDT (khoảng 140 triệu đồng) cho 2 người con trai của mình. Trong 5 năm, bà đã nộp tổng cộng 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng).
Cảnh sát cũng bó tay
Vào năm bà Trương 68 tuổi, 2 người con trai đều chuẩn bị lập gia đình. Bà mong muốn cho chúng một khoản tiền nhỏ xem như khoản vốn để xây dựng cuộc sống mới. Ngay lúc đó, bà nghĩ ngay đến khoản bảo hiểm đã đến thời hạn 5 năm. Người phụ nữ quyết định sẽ rút toàn bộ về để chia cho các con.
Ngày hôm đó, bà đã dậy sớm để lên công ty bảo hiểm nhằm rút tiền. Tuy nhiên khi gặp nhân viên và yêu cầu rút tiền, người này lại nói một điều mà khiến bà sững sờ: “Do không đủ điều kiện nên bây giờ cô không thể rút được toàn bộ khoản gốc và lãi”.
Ngay tại chỗ, bà Trương đã lật ngược lại vấn đề về việc vào thời điểm ký hợp đồng, nhân viên của công ty nói rằng sau 5 năm có thể rút tiền. Nhân viên công ty cũng giải thích thêm rằng với tư cách là người được hưởng gói bảo hiểm này, hai con trai của bà chỉ có thể rút tiền nếu trên 99 tuổi.
Ở thời điểm đó, con trai bà Trương mới ngoài 30 tuổi. Nếu đến năm 99 tuổi mới có thể rút toàn bộ số tiền, ước tính, con của bà phải đợi khoảng gần 70 năm nữa. Chưa kể, bà cũng chẳng biết con mình có thể sống đến tuổi đó hay không.
Vô cùng tức giận về điều này, người phụ nữ đã to tiếng với nhân viên công ty bảo hiểm. Đồng thời, bà cho rằng công ty đã lừa gạt mình.
Ngay khi ra về, bà đã đến cơ quan cảnh sát địa phương để trình bày về vụ việc nhằm tìm lại công lý. Bà đưa toàn bộ bản sao hợp đồng bảo hiểm cho viên cảnh sát. Sau khi đọc từng điều khoản trong hợp đồng, viên cảnh sát khẳng định công ty bảo hiểm không sai. Sai ở chỗ là bà đã không đọc và hiểu kỹ về các quy định trong hợp đồng.
Theo đó, trong hợp đồng có ghi rõ sau khi đóng bảo hiểm liên tục trong 4 năm, bắt đầu từ năm thứ 5, 2 người con trai chỉ có thể nhận được 30% số tiền bảo hiểm cơ bản hàng năm cho đến khi họ 99 tuổi. Sau 99 tuổi, con trai bà sẽ được nhận lại toàn bộ tiền của gói bảo hiểm. Viên cảnh sát cũng giải thích thêm quy định của hình thức bảo hiểm này không có gì sai. Các điều khoản của nó đều nằm trong phạm vi của pháp luật.
Khi nghe được điều này, cơn giận của bà dần nguôi ngoai. Tuy nhiên, bà vẫn khá bất bình và phàn nàn với viên cảnh sát. Bởi đây hoàn toàn không phải là điều mà bà nghĩ.
Có thể thấy, bà Trương đã hiểu sai khi cho rằng bảo hiểm như một hình thức tiết kiệm thông thường. Còn nhân viên bán hàng thiếu chuyên nghiệp khi không giải thích rõ ràng cho người mua.
Sau khi câu chuyện được đăng lên mạng xã hội, nhiều người cho biết họ cũng rơi vào trường hợp tương tự. Vì thế, chuyên gia đã đưa ra lời khuyên rằng: Bạn có thể mua bảo hiểm nhưng nên đọc kỹ các điều khoản trước khi đặt bút ký kết.
Theo 163