Đó là câu chuyện của Phan Hoài Nam (ở TP.HCM) về cuộc ly hôn với chồng mình. Buông tay một cuộc hôn nhân rất đơn giản, nhưng chị lại làm mọi cách để con vẫn luôn có tình cảm ba con quấn quýt yêu thương. Chính chị là người đã chủ động tạo dựng một mối quan hệ để con vẫn được "thụ hưởng" bố một cách tốt nhất.
Vợ chồng chia tay nhẹ nhàng nhưng nhất quyết "giữ" bố cho con mình: Hai người chia tay nhưng vẫn cùng nắm tay một người
Chị Nam ly hôn chồng khi con mới được 6 tháng tuổi. Chồng chị không phạm vào các tội mọi người hay nhắc về đàn ông như cờ bạc, nhậu nhẹt, gái gú, vũ phu... Chỉ là do cả hai không còn tình cảm, không còn sự nâng niu, trân trọng nhau. Cả hai sốc khi chưa chuẩn bị tâm lý làm cha mẹ, chuyển từ cuộc sống tự do sang ràng buộc với con cái. Nam kể: "Thời gian đầu cũng đôi co, khủng hoảng. Chồng mình từng hỏi: "Có cách nào tốt cho tất cả chúng ta không?". Khi đó mình đáp: "Có, có cách là biến mất khỏi cuộc đời nhau đi" và thế là chúng mình chia tay". Chuyện nghe có vẻ như đùa, nhưng lại thực sự nghiêm túc khi hai bên đã chấm dứt cuộc hôn nhân như thế. Sau đó cả hai thống nhất với nhau, hai người không nắm tay nhau nữa nhưng vẫn sẽ luôn nắm tay con mình, điều duy nhất kết nối họ với nhau bây giờ là đứa con.
Nam đã chọn cách buông một cuộc hôn nhân thật nhẹ nhàng khi không còn hạnh phúc, nhưng nhất quyết không buông bố cho con mình. Ly hôn Nam chọn thuê nhà, sau đó là mua nhà ở gần nhà cũ để hai ba con tiện đi lại chăm sóc nhau. "Quan điểm của mình, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào, con mình phải được "thụ hưởng" ba nó một cách tốt nhất", Nam nói.
Có nhiều cặp đôi sau khi tan vỡ thì hoặc là bố ít quan tâm đến con khi xây dựng gia đình mới hoặc là mẹ vì hận bố mà không muốn cho con tiếp xúc với bố. Cũng không ít trường hợp nhiều phụ nữ vì hận chồng còn 'nói xấu' bố với con. Nam thì không làm thế, cô trân trọng mối quan hệ cha con, và để con "xài" ba một cách triệt để tối đa.
10 nguyên tắc ly hôn cực kỳ văn minh
Khi ly hôn chị Nam cùng chồng soạn ra bản Nguyên tắc ly hôn với 10 điều đôi bên cùng nhất trí. Ra riêng ổn định một thời gian, chị bắt đầu đưa vào nề nếp cuộc sống cha mẹ ly hôn để giúp con hiểu về mô hình gia đình mình. Thỏa thuận miệng nhiều lúc có thể quên, nhưng khi thiết lập ra quy tắc ai cũng có cơ sở để bám vào mà thực hiện.
10 nguyên tắc ly hôn của Nam đã từng khiến nhiều người phải tâm phục, khẩu phục.
1. Không giấu con về việc ly hôn của ba mẹ. Trong cuộc sống hàng ngày chị luôn nói để con hiểu lựa chọn của ba mẹ. Ba mẹ không sống chung với nhau vì ba mẹ hay gây lộn, hay cãi nhau, cả hai đều không vui, còn con sẽ buồn.
2. Con cái là để yêu thương, chăm sóc; tuyệt đối không bao giờ đưa con ra để mặc cả, đôi co; không đưa con vào chuyện tranh chấp hay toan tính của hai người.
3. Không bao giờ nói xấu ba/mẹ của con trước mặt con. Thậm chí không quên khen những điểm tốt của đối phương để con tự hào, học tập.
4. Dạy con yêu thương và tôn trọng ba/mẹ.
5. Tạo mọi điều kiện, cơ hội để hai ba con tương tác, chăm sóc lẫn nhau.
6. Mỗi tuần, ba xếp lịch sang thăm con ít nhất một buổi vào ngày cuối tuần. Đưa đón con đi học tuần 2 lần. Còn lại tùy nhu cầu và lịch phát sinh.
7. Khi ba sang chơi với con tuyệt đối không sử dụng điện thoại.
8. Cả ba người duy trì bữa ăn chung ít nhất tuần một lần.
9. Ba và mẹ chỉ trao đổi những gì liên quan đến con, tuyệt đối không ai được phép can thiệp vào chuyện đời tư, đời sống riêng của nhau.
10. Nguyên tắc bắt buộc: Trước khi con 10 tuổi, ba muốn đưa con đi đâu buộc phải dẫn mẹ theo cùng. Thế nên, họ vẫn đi chơi chung, du lịch chung, thậm chí cùng về thăm hai bên nội ngoại...
Đến nay cặp đôi này đã ly hôn được 4 năm, nhưng các nguyên tắc đặt ra vẫn được tôn trọng và thực hiện. Biết ba của con rất thích chơi với con nên Nam để ý khai thác vào điểm này và tạo điều kiện tối đa để 2 ba con gặp nhau, không bao giờ có chuyện ngăn cấm việc 2 ba con gặp nhau cả.
Trong cuộc sống hàng ngày Nam luôn dạy con nói những lời yêu ba, khi tạm biệt biết hôn chia tay ba... vì thế nên ba đứa trẻ hiểu được niềm hạnh phúc làm cha, cũng chẳng nề hà bất cứ việc gì liên quan đến con. Cứ cuối tuần là ba bé sẽ chủ động hỏi hôm nay đi đâu. Và họ thường để cuối tuần dành đưa con đi chơi, hàng ngày xếp lịch nhờ ba đón. Bất cứ việc lớn, việc nhỏ mà biết ba của con mình làm được là Nam đưa qua tay ba con mình làm để tăng sự gần gũi, thương yêu. Đi chơi, mọi sinh hoạt, câu nói, phát triển của con Nam đều nói lại, chụp hình gửi cho ba của con mình xem. Thứ 1 để ba bé cũng biết quan tâm đến con mỗi ngày. Thứ 2 để ba bé nắm được tình hình phát triển của bé và cùng nhau phối hợp dạy cho tốt.
Khi đã thân thuộc với nhau thì như thói quen, ba của con sẽ quan tâm đến con mỗi ngày, một cách tự nhiên nhất và biết "nghiện" con đến mức rồi Nam chẳng thấy cần cố gắng gì quá để thúc đẩy họ lại gần nhau hơn nữa cả.
Dù không còn nắm tay nhau nhưng họ vẫn cùng nắm tay một người, là đứa con thân yêu của mình.
Hiện tại, dù ba của con Nam cũng đã có bạn gái, nhưng vì cả hai thực sự không còn tình cảm với nhau. Thứ họ còn gắn kết vì người là cha, người là mẹ của con mình mà thôi nên Nam biết ba bé sẽ nói để bạn gái hiểu.
Người phụ nữ biết tìm đến hạnh phúc sâu bên trong con người mình để con được hạnh phúc "lây"
"Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc ai đó phải thương hộ các bé có bố mẹ ly hôn vì mình là một người mẹ sống vì bản thân mình. Mình luôn hiểu rõ trước hết điều mình cần là mình phải sống hạnh phúc. Thực tế là mình không quan tâm mọi người nghĩ gì đâu. Mình cũng không dám nói là bé hạnh phúc, bởi mình không phải là bé. Nhưng mình dám nói là mình hạnh phúc với lựa chọn đó. Mẹ phải hạnh phúc trước nhất, rồi mới có thể nói đến chuyện con hạnh phúc", quan điểm của Nam rất tiến bộ như thế.
Theo Nam thì để hạnh phúc phụ nữ hay đàn ông, hay trong hoàn cảnh nào, ly hôn hay không ly hôn cũng sẽ đều cần cố gắng để có được hạnh phúc. Nhưng Nam chọn cố gắng để hạnh phúc, hơn là cố gắng để chịu đựng một mối quan hệ chỉ vì con. Nam biết tận hưởng hạnh phúc mỗi ngày bằng cách làm việc, chơi với con, dành nhiều thời gian cho con và sống tử tế.
Dù 2 vợ chồng chia tay nhưng Nam không bao giờ lo con phải thiệt thòi. Trong hoàn cảnh như Nam đã từng, thì bố mẹ ly hôn là giải pháp hạnh phúc nhất dành cho con Nam.
Có những lần ba bé qua, ba thường cho bé ngủ. Khi hai ba con vào phòng, bé hiểu rằng hôm nay sẽ không có mẹ ru. Bé nói đóng cửa và nói: "Mẹ không được vào nữa nha, ba với mẹ phải cách ly ra thì mới vui được". Bé đã biết đón nhận việc chia tay một cách bình thản như Nam đã từng. Nam nói rằng đã không thể ở bên nhau bằng tình cảm thì hãy cư xử với nhau bằng tình người. Thứ tình người đặc biệt giữ hai người có chung một tình yêu là những đứa con.
Cả vợ chồng Nam kể cả khi sống cùng nhau, giai đoạn ly hôn, và bây giờ đều dựa trên một tình thân chưa bao giờ có ý làm hại, chơi xấu đối phương. Ai cũng luôn muốn điều tốt đẹp đến với người kia vì chí ít người đó là bố, là mẹ của con mình. Bố, mẹ có hạnh phúc thì con mới có thể hạnh phúc.
Bố của con em cũng như thế, làm mọi điều tốt đẹp cho con dù hai vợ chồng chia tay từ lâu. Đón con đi học, đọc sách cho con, dạy tiếng Anh cho con, dẫn con đi chơi... Em hơi ngạc nhiên khi mọi người hỏi, sao ly hôn rồi mà bố nó vẫn trách nhiệm và yêu con đến như vậy. Em nghĩ đó là niềm hạnh phúc, đặc ân của họ chứ, yêu con đâu liên quan đến việc còn yêu vợ hay không yêu vợ. Có chị bạn hỏi con mình: Ba D. có cho Bin tiền không. - Chị không được hỏi trẻ con như vậy! - Lần đầu tiên trong đời mình nói thẳng vào mặt một người gay gắt đến thế. Bỏ nhau, mình bước ra khỏi nhà chồng không vương lại 1 cắc và cũng không cầm theo 1 xu không phải của mình.
Việc nuôi con, mình nói rõ là tự nguyện, tuyệt hai bên không được đưa ra tranh chấp. Với mình, kiếm tiền để lo cho con là quyền lợi, là tự trọng, là hạnh phúc, là đặc ân của người đàn ông. Chứ sao lại bắt hay dùng con để đi "xin". Thậm chí, khi nhà nội đưa tiền, mình từ chối, nói rõ: Không phải ai muốn cho con của con tiền cũng được. Không phải tiền ai đưa, con con cũng nhận. Quan điểm của mình, ông bà nội hay ngoại đều không có trách nhiệm phải nuôi hay cho tiền con nếu điều đó là miễn cưỡng hay là sự ban ơn. Ngoài mẹ, chỉ duy nhất ba là người có trách nhiệm đó. Đến nay, ngoài trách nhiệm và sự tự nguyện của ba Bin, Bin chưa từng cầm của nhà nội một đồng. Mình nghĩ, mọi người cũng không cần chép miệng thương thay cho những đứa trẻ bố mẹ ly hôn. Tin rằng các con đã được chuẩn bị tốt nhất về tâm lý để đối diện với những đổ vỡ của bố mẹ bằng ứng xử của bố mẹ. Không ai trải hoa hồng cho cuộc đời cả. Đầy rẫy những hoàn cảnh, bi kịch mà những bậc làm bố, làm mẹ và cả con trẻ cần học cách bước qua và lớn lên một cách tự trọng và tự tin.
- Chia sẻ của bà mẹ này về ứng xử với con cái của ba mẹ sau khi ly hôn -