Ngày 3/5, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị một trường hợp mắc hội chứng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì do độc tố (Lyell) rất nặng.
Bệnh nhân M.T.T.
Lở loét từ miệng lan ra toàn thân như... "xác ướp" sau khi dùng thuốc trôi nổi
Bệnh nhân M.T.T (80 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, toàn thân nổi đỏ, có những bóng nước rất rộng, nhiều chỗ vỡ ra và bị nhiễm trùng. Bệnh nhân bị lở loét vùng miệng nặng lan ra toàn thân, mắt viêm đỏ và chảy dịch.
Nhìn bề ngoài, cả người nạn nhân phồng rộp, da nổi đỏ và hoại tử rất ghê rợn.
Bệnh nhân thời điểm mới nhập viện nhìn như... "xác ướp".
Bà T. được đưa vào bệnh viện tuyến huyện điều trị 2 ngày trước khi chuyển tiếp lên tuyến trên vì tình trạng quá nặng.
Vùng da chân bệnh nhân sau 2 tuần điều trị vẫn còn bong tróc.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi làm các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, bà T. được xác định đã mắc hội chứng Lyell nghi do dị ứng thuốc. Tuy nhiên đến lúc này, vẫn chưa xác định được loại thuốc cụ thể đã gây ra cho bà tình trạng này.
Bệnh nhân được lên phác đồ điều trị, ngưng hẳn thuốc đã sử dụng, dùng thuốc chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm liều cao ngăn chặn phản ứng của cơ thể. Cụ bà cũng được dùng những loại băng gạc đặc biệt để hỗ trợ cho các vết thương liên tục lở loét.
Sau gần 2 tuần điều trị, vết thương da niêm mạc của bệnh nhân đã khô, hết chảy dịch, tổn thương da cải thiện tốt, khống chế nhiễm trùng. Dự kiến trong một tuần nữa, cụ bà sẽ xuất viện.
Da tay thời gian đầu cũng hoại tử, lở loét.
Theo bác sĩ Hùng, Hội chứng Lyell mà bà cụ mắc phải là một phản ứng nặng của da và niêm mạc. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là do thuốc.
"Hội chứng Stevens - Johnson và Lyell được coi là hai thể trong các giai đoạn diễn tiến của cùng một bệnh và được phân biệt dựa trên mức độ nặng, phần trăm diện tích cơ thể tổn thương.
Hội chứng Lyell nặng hơn Stevens Johnson khi có trên 30% da cơ thể bị hoại tử thượng bì. Tổn thương niêm mạc gặp ở hầu hết các bệnh nhân. Tỷ lệ mắc của hội chứng Lyell ước chung trên toàn thế giới khoảng 0,4-1,3/1.000.000 dân" - bác sĩ Hùng cho biết.
3 người mắc hội chứng Lyell có 1 người tử vong
Bác sĩ Hùng cho biết thêm, 80% bệnh nhân mắc hội chứng Lyell tại các nước đang phát triển có liên quan đến thuốc.
Có thể kể đến những trường hợp như bệnh nhân tự mua thuốc đông y cổ truyền về trị bệnh hay dùng mỹ phẩm làm trắng da tại các cơ sở trôi nổi. Nguy cơ gây bệnh trong khoảng 8 tuần từ khi dùng thuốc. Có tới 20-25% các trường hợp ở trẻ em không thể xác định rõ thuốc gây dị ứng.
Con trai bệnh nhân chăm sóc mẹ những ngày qua.
Ngoài thuốc, các nguyên nhân và yếu tố gây ra Hội chứng Lyell có thể kể ra như tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý (nắng nóng, tia cực tím, người mắc bệnh lý ung thư biểu hiện ra da...), liên quan gen.
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cho biết thêm:
Dù tỉ lệ mắc bệnh toàn thế giới không cao nhưng tại khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân mắc Hội chứng Stevens Johnson và Lyell đến điều trị khá phổ biến. Gần như tuần nào cũng có bệnh nhân.
Tiêm vắc xin cũng có thể khiến bệnh nhân mắc hội chứng này dù hiếm gặp.
Một số nguyên nhân hiếm gặp có thể gây ra Hội chứng Lyell bao gồm vắc-xin, chất cản quang, phơi nhiễm hóa chất bên ngoài, thức ăn...
Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn người khỏe mạnh 100 lần. Nguyên nhân có thể do tiếp xúc nhiều loại thuốc, bất thường điều hòa miễn dịch hay nhiễm trùng đi kèm.
Với người mắc Hội chứng Lyell, tỉ lệ tử vong lên đến hơn 30%.
Biểu hiện bệnh và cách ngăn ngừa tái phát
Người mắc Hội chứng Lyell thường sốt trên 39 độ C và xuất hiện các triệu chứng như cúm từ 1-3 ngày khi có tổn thương da, niêm mạc.
Bệnh nhân sợ ánh sáng và ngứa. Bỏng rát kết mạc hoặc nuốt đau có thể là triệu chứng sớm của tổn thương niêm mạc.
Bệnh nhân mệt mỏi, đau cơ, đau khớp. Ban đầu nổi các ban đỏ, nếu kèm theo sốt trên 38 độ C và xuất hiện bóng nước là dấu hiệu chỉ điểm phát triển thành Hội chứng Stevens Johnson hoặc Lyell.
Bác sĩ khuyên người bệnh nên chú ý thật kỹ các loại thuốc sử dụng trước khi mắc bệnh để tránh tái tiếp xúc.
Tiếp đến, bệnh nhân bị tổn thương da, xuất huyết da và tiến triển thành hoài tử, hình thành các mụn nước.
90% bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc miệng và môi. 80% tổn thương niêm mạc mắt, hầu hết là viêm kết mạc kèm tiết dịch mủ, loét giác mạc.
Tổn thương sinh dục, niệu đạo.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể biến chứng cấp tính suy thận, rối loạn chức năng đa cơ quan, nhiễm khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh, viêm phổi, suy hô hấp, tổn thương dạ dày...
Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện nếu bệnh nhân tiếp xúc lại với thuốc gây bệnh. Do đó, các bác sĩ khuyên người dân cần cung cấp thật cặn kẽ các loại thuốc đã sử dụng cho người điều trị.
Phải trang bị kiến thức để tránh tiếp xúc trong tương lai vì hậu quả có thể dẫn đến tử vong.