Bác sĩ Dương Khải Địch, khoa ngoại, bệnh viện Mennonite Christian Hospital, mới đây chia sẻ trường hợp một phụ nữ (30 tuổi) sống tại Đài Loan, đảm nhận chức vụ nhân viên lễ tân của quầy cửa hàng bách hóa.
Do tính chất công việc đứng lâu nên bắp chân của bệnh nhân bắt đầu xuất hiện "mạng nhện xanh" khiến cô không dám mặc váy ngắn. Dạo gần đây, tình trạng phù nề chi dưới trở nên nghiêm trọng, chân của bệnh nhân đau nhức, xuất hiện nhiều mạch máu nên cô đã đến bệnh viện Mennonite Christian Hospital kiểm tra và được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Bác sĩ Dương cho biết, suy giãn tĩnh mạch là một trong những bệnh lý mạch máu phổ biến ở chân, phụ nữ thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Do mạch máu lưu thông kém nên xuất hiện các đường mạch máu giống như mạng nhện.
Một số người nghĩ rằng căn bệnh này chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng đây thực sự là biểu hiện ban đầu của bệnh tĩnh mạch mạn tính. Nếu người bệnh xem nhẹ và không tích cực điều trị sẽ gây ra tình trạng phù nề chi dưới, trương phồng giãn mạch máu, đau nhức chân. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây nám da, vết thương không lành, lở loét, thậm chí là viêm tĩnh mạch.
Do mạch máu ở chân chảy ngược về tim theo tĩnh mạch, một khi bệnh tĩnh mạch mạn tính xảy ra sẽ khiến lưu lượng máu dồn xuống chi dưới, khiến tĩnh mạch trương phồng và biến dạng, dẫn đến xuất hiện giãn tĩnh mạch hoặc phù nề.
Căn bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới thường xuất hiện ở nhóm người ngồi nhiều đứng lâu, thiếu vận động. Bác sĩ Dương chỉ ra, đối với chứng giãn tĩnh mạch nhẹ hoặc sưng đau ở chi dưới, bệnh nhân thường được khuyên nên mang vớ (tất) y khoa điều trị giãn tĩnh mạch nhằm sử dụng áp lực vật lý để thúc đẩy mạch máu lưu thông và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Bác sĩ nhấn mạnh, trong trường hợp bạn phải đứng hoặc ngồi lâu khi làm việc, bạn có thể mang vớ có tính đàn hồi để phòng ngừa bệnh. Tại nơi làm việc, bạn cần dành thời gian để đứng dậy, di chuyển hoặc thực hiện các bài tập thư giãn chân. Sau khi tan sở, bạn nên kê chân cao trên tấm đệm, điều này giúp thúc đẩy lưu thông máu, có hiệu quả giảm chứng giãn tĩnh mạch.
Bác sĩ Dương nhắc nhở, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới trường hợp nặng và bệnh xơ vữa động mạch chi dưới có triệu chứng tương tự và dễ bị nhầm lẫn. Nếu bạn có các triệu chứng liên quan hoặc vết thương ở chi dưới không lành, bạn hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt để khám và điều trị.
Theo Ettoday