Sica là một nhà tư vấn dọn dẹp nhà cửa và di vật của người đã khuất, đã thành lập một thương hiệu đầu tiên ở Thượng Hải năm 2021, chuyên cung cấp dịch vụ dọn dẹp đầy “lạ lùng” này.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối giữa ranh giới sinh tử - Ảnh 1.

Sica

Trước đó, cô gái sinh năm 1990 đã có hơn 2 năm khám phá trong lĩnh vực dọn dẹp di vật. Ban đầu cô được mọi người chú ý vào thời điểm cô đến Vũ Hán vào mùa xuân năm 2020 để dọn dẹp di vật cho các gia đình đã mất người thân trong đại dịch. Trải nghiệm này đã được đạo diễn Chu Dật Quân quay thành phim tài liệu “Đoạn, khó chia ly” (tạm dịch).

"Di vật còn phải tiêu tiền dọn dẹp sao?", "Tại sao phải làm công việc xui xẻo này?"...

So với nghề sắp xếp và dọn dẹp nhà cửa dần được thấu hiểu và công nhận, thì nghề dọn dẹp di vật là công việc còn khá mới ở Trung Quốc và được gắn với cái mác “liên quan đến người chết ắt gặp xui xẻo”.

Khi có cơ hội lên tiếng, Sica muốn kêu gọi mọi người tôn trọng cái chết nhiều hơn. Có sự sống, sẽ có cái chết. Mọi người đều biết rằng sinh tử là chuyện thường tình, nhưng mọi người luôn giả vờ không đối diện, đối xử bất bình đẳng với cuộc sống và cái chết.

"Cái chết" là một điều cấm kỵ khó mở miệng. Mọi người tránh nói về nó, không muốn nhìn thấy nó, không muốn suy nghĩ về nó, không dám tưởng tượng ra nó. Một số gia đình của người quá cố ít chú trọng trong việc thu dọn di vật và hầu hết những thứ không có giá trị thường được xử lý qua loa. Do đó, Sica muốn thách thức điều cấm kỵ này. Cô muốn nói với mọi người rằng việc dọn dẹp di vật không đáng sợ như vậy.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối ranh giới sinh tử - Ảnh 2.

Sica cho biết nghề dọn dẹp di vật ở Trung Quốc rất khác với ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Sica muốn khám phá khía cạnh mới để phù hợp với người Trung Quốc, giúp mọi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng có sự ra đi trong tươi đẹp.

Dấn thân vào nghề vô danh và “xui xẻo”

Năm 2014, Sica Wang, tên thật Vương Trạch Vũ, 24 tuổi, mắc bệnh nặng, phẫu thuật và nghỉ ngơi ở nhà suốt một tháng. Đó là lần đầu tiên cô cảm thấy mình tách biệt với xã hội. Nằm trên giường, cô âm thầm ngẫm về cuộc sống: Nếu như rời đi, mình có thể để lại thứ gì trên đời này?

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Sica làm trong một công ty kế toán, sau đó chuyển sang làm quảng cáo ở công ty nước ngoài. Song guồng quay này khiến cô nhận ra: "Bản thân dường như không có gì để lưu lại… Tôi chưa thể làm chuyện có ích cho người khác".

Sau đó, Sica trở lại cuộc sống bận rộn, cứ thế cho đến năm 2018, sáu năm trôi qua. "Cảm thấy mình chỉ là một cái máy, một cái ốc vít không hơn không kém" là cảm nghĩ của Sica về cuộc đời mình lúc đó.

Sica ngã bệnh liên tục, chất lượng cuộc sống giảm sút. Lần này đã khiến Sica thực sự nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe và mạng sống.

Nhìn nhận lại mọi thứ, Sica cảm thán: “Tôi vẫn cảm giác hơi muộn, gần 30 tuổi mới biết mình muốn sống như thế nào. Khi còn trẻ, chúng ta thường chỉ biết kiếm tiền, làm thế nào để mua nhà, làm thế nào để kết hôn. Hai mươi mấy tuổi cứ như vậy trôi qua, thật sự quá đáng tiếc. Mọi người nên suy nghĩ để biết làm thế nào cuộc sống của mình trải qua đúng nghĩa hơn”.

Khi phẫu thuật mắt, sự khuyến khích và quan tâm của các bác sĩ đã khiến Sica rất xúc động. “Công việc của họ có ý nghĩa và có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi những thời điểm khó khăn nhất. Tôi hy vọng tôi cũng có thể làm được như họ. Tôi cảm thấy bản thân phải hành động ngay, không thể chần chừ được nữa”. Thế là Sica quyết định trở thành nhà tư vấn dọn dẹp.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối giữa ranh giới sinh tử - Ảnh 4.

Sica bắt đầu tự học, tham gia đào tạo, tiếp xúc với các đồng nghiệp, làm nghiên cứu, tận dụng thời gian nghỉ cuối tuần, đến nhà dọn dẹp miễn phí cho khách hàng... Đầu năm 2019, cô sang Mỹ tham gia hội thảo tư vấn và làm sát hạch, trở thành chuyên gia tư vấn dọn dẹp thứ hai ở Trung Quốc có bằng cấp. Sau đó, Sica bắt đầu khởi nghiệp, thành lập đội ngũ dọn dẹp của riêng mình.

Trong quá trình này, Sica không nhận được nhiều sự ủng hộ. Nghề sắp xếp và dọn dẹp lúc đó không có ai biết, đôi khi bị hiểu là một loại công việc làm vệ sinh. Mẹ Sica cảm thấy khó hiểu nhưng đã khoan dung với con gái bằng sự im lặng. Song tất cả không thể khiến Sica nản lòng.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối giữa ranh giới sinh tử - Ảnh 5.

Di vật là cầu nối giữa người đã khuất và người sống

Khi còn chật vật trong bệnh tật, Sica đã suy nghĩ làm thế nào để "an nghỉ", cô cảm thấy rằng con người sống tốt, ra đi cũng phải sao cho đẹp nhất.

Sica nghĩ rằng ở một số nước, mọi người sẽ lập di chúc khi họ còn trẻ. Ở Nhật Bản, nơi dọn dẹp di vật phát triển thành một nghề nghiệp sớm nhất, nhiều người sẽ làm "dọn dẹp khi còn sống", sắp xếp trước nơi ở của họ để đối phó với tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, giảm hối tiếc, cũng bớt gánh nặng cho người thân... Ở Trung Quốc, hầu hết mọi người không quen với việc lên kế hoạch cho cái chết khi họ còn khỏe mạnh.

Sica cảm thấy đội ngũ của mình có thể giúp mọi người đối mặt với cái chết tốt hơn bằng công việc dọn dẹp của họ. Cô bắt đầu học luật có liên quan, tiếp xúc với các thành viên của ngành pháp lý, ngồi giữa một nhóm công chứng viên và luật sư để tham gia đào tạo giám hộ có ý định, đến thăm công ty tang lễ...

Đối với Sica, di vật là cầu nối giữa người đã khuất và người sống. Chúng chứa đựng thông điệp cuối cùng của họ: Tại sao một số bức ảnh cũ được giữ gìn đặc biệt cẩn thận? Tại sao vật dụng đời thường được đặt trong hộp sắt, bảo quản tốt như vậy? Tại sao có những người già bọc tất cả các vật dụng của bạn đời đã khuất của mình trong túi nhựa?...

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối ranh giới sinh tử - Ảnh 6.

Theo phong tục truyền thống Trung Quốc, hầu hết các di vật sẽ được vứt bỏ hoặc đốt đi, một số ít có thể được giữ lại để gửi nỗi buồn. Sica hy vọng mọi người sẽ nghiêm túc hơn về những vật không hề tầm thường này.

Quay trở lại đầu mùa xuân năm 2020, sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình, Sica quyết định đến Vũ Hán, tình nguyện đồng hành cùng ba gia đình mất người thân vì dịch bệnh để hoàn thành việc dọn dẹp di vật, nhóm của đạo diễn Chu Dật Quân ghi lại toàn bộ quá trình.

Đây là lần đầu tiên Sica biến ý tưởng sắp xếp di vật thành hiện thực. Di vật không biết nói, nhưng câu chuyện phía sau giúp người còn sống tìm lại chút hồi ức với nhiều cung bậc cảm xúc.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối ranh giới sinh tử - Ảnh 7.

"Vũ Hán bây giờ là quê hương thứ hai của tôi. Trước khi đến Vũ Hán, động lực để tôi làm nghề dọn dẹp này là tìm kiếm ý nghĩa sống của bản thân. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy bản thân không nên chỉ sống cho bản thân, tôi muốn thực sự hòa mình vào xã hội”, Sica nói.

Đưa nghề dọn dẹp di vật hòa lẫn vào đời thường

Trở về từ Vũ Hán, vấn đề này luôn ám ảnh trong đầu Sica. “Người Trung Quốc cần cách tiếp cận của người Trung Quốc. Điều kiện mỗi nước khác nhau, luật pháp và quy định khác nhau, khái niệm về sự sống và cái chết cũng khác nhau, sự nhìn nhận khác nhau. Do đó không thể máy móc sao chép nghề dọn dẹp của Nhật Bản hay Hàn Quốc vào Trung Quốc”.

Ví dụ, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài việc dọn dẹp di vật, công việc của người làm nghề này thường là "thanh tẩy đặc biệt" sau cái chết của một người sống một mình. Người được ủy quyền để dọn dẹp di vật chuyên nghiệp cần phải làm sạch hiện trường, khử trùng và mùi hôi. Ở Trung Quốc, việc dọn dẹp này sẽ do cảnh sát hoặc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối giữa ranh giới sinh tử - Ảnh 8.

Hiện nay, nhu cầu của người dân Trung Quốc đối với người dọn dẹp di vật đa phần xuất phát từ cảm xúc. Giống như sau khi thân nhân qua đời, quá mức bi thương khó có thể một mình đối mặt với di vật, thế là họ tìm đến sự giúp đỡ của người dọn dẹp di vật và nghe tư vấn.

“Nhưng nhu cầu tình cảm này rất khó thương mại hóa. Là một doanh nghiệp, chúng tôi vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề thực chất hơn cho mọi người”, Sica nói.

Mùa hè năm 2021, Sica được ủy thác kiểm kê di vật của một cụ ông tên Tất Uyển Sinh. Ông là người có học vấn nhưng không có con cái, khi còn sống đã xác nhận để lại nhà cửa và các di sản khác cho người chăm sóc của mình. Việc kiểm kê các di vật đã được thực hiện trong 12 giờ và cuối cùng liệt kê một danh sách dài 54 trang.

Chỉ riêng mấy trăm quyển sách cụ ông để lại, Sica cùng đồng nghiệp phải ghi chép, đánh giá và tìm kiếm. Mỗi cuốn sách phải được kiểm tra kỹ lưỡng, vì nhiều người có thói quen kẹp một cái gì đó trong cuốn sách. Nhờ đó Sica đã tìm được vài bức thư và tấm hình.

Trong quá trình đối chiếu, Sica phát hiện cụ ông có tổng cộng 63 bức thư được gửi từ người em trai tên Tất Kiềm Sinh ở Bắc Kinh trong vòng 26 năm. Ngoài ra, cụ ông còn một người cháu gọi là Tiểu Minh mắc bệnh tự kỷ.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối giữa ranh giới sinh tử - Ảnh 9.

Năm 1988, Tất Kiềm Sinh 51 tuổi mới có Tiểu Minh. Tất Kiềm Sinh một mình nuôi con trai tự kỷ lớn lên, thường xuyên gửi thư tâm sự với anh trai về nỗi khổ của mình.

Năm 2011, Tất Kiềm Sinh qua đời tại nhà riêng, Tiểu Minh được đưa đến trại mồ côi. Nhờ vào lần dọn dẹp di vật này, chính quyền mới liên hệ với trại mồ côi, nhờ các tình nguyện viên thường xuyên đến thăm Tiểu Minh. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm có người hỏi thăm tình hình của Tiểu Minh.

"Cho nên tôi cảm thấy dọn dẹp di vật là một nghề cực kỳ ấm áp. Như cuộc trò chuyện giữa con người và linh hồn. Trong lúc dọn dẹp căn nhà của cụ ông Tất Uyển Sinh, tôi có thể tưởng tượng ra hình ảnh ông ngồi ở bàn trà viết thư cho em trai. Cũng cảm thấy ông có rất nhiều điều muốn nói. Vậy nên tôi phải thay ông làm một vài chuyện nên làm. Đó chính là tìm kiếm sự quan tâm dành cho chàng trai tự kỷ Tiểu Minh", Sica nói.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối giữa ranh giới sinh tử - Ảnh 10.

Sica sắp xếp những bức thư của cụ ông Tất Uyển Sinh

“Thời đại thực sự đang tiến bộ. Trong những năm qua, tôi thấy nhiều hy vọng hơn, tiếp xúc với nhiều người trẻ tuổi cởi mở hơn, cũng đã gặp phải những người thế hệ trước có tư tưởng tiên tiến, chủ động tìm tôi để thực hiện công việc dọn dẹp cho họ khi còn sống. Sau tất cả, cuộc sống có bao nhiêu cơ hội để tạo nên sức ảnh hưởng đến cách nhìn nhận thế giới của một người”, Sica nói với đôi mắt tràn đầy hy vọng.

Nguồn: Xinhuanet

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp di vật của người đã khuất: Tìm kiếm những món đồ chứa đựng hồi ức, trở thành cầu nối ranh giới sinh tử - Ảnh 11.