Các tỷ phú trên toàn thế giới đang tích lũy khối tài sản ngày càng đồ sộ. CEO của Tesla Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới, ước tính có giá trị tài sản là 222 tỷ USD.

Françoise Bettencourt Meyers, người thừa kế đế chế L'Oreal, là người phụ nữ giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ước tính là 86 tỷ USD - theo danh sách tỷ phú Billionaires Index của Bloomberg.

Tuy nhiên, họ sẽ trở nên mờ nhạt khi so sánh với Võ Tắc Thiên - người phụ nữ duy nhất từng trị vì Trung Hoa, dưới triều đại nhà Đường.

Theo SCMP, khối tài sản của Trung Hoa vào thời điểm đó chiếm khoảng 23% GDP toàn cầu, giúp Võ Tắc Thiên trở thành người phụ nữ giàu có nhất trong lịch sử nhân loại với tài sản do bà kiểm soát được ước tính lên đến 16.000 tỷ USD.

Để dễ hình dung, GDP của Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân trong năm 2023 được công bố là 126,06 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 17.000 tỷ USD.

Trung Quốc đã chứng kiến một số phụ nữ siêu giàu trong 5.000 năm lịch sử của mình, trong đó SCMP nêu ra ba nhân vật nổi trội nhất.

Võ Tắc Thiên (624-705)

Người phụ nữ sở hữu khối tài sản tương đương GDP Trung Quốc, làm lu mờ các tỷ phú hàng đầu- Ảnh 1.

Võ Tắc Thiên là một nhân vật lịch sử hấp dẫn không chỉ vì bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc mà còn vì những bí ẩn bao trùm di sản của bà (Ảnh: Getty Images)

Sự nghiệp chính trị của Võ Tắc Thiên bắt đầu khi bà trở thành một phi tần của vua Đường Cao Tông (trị vì 649-683). Sau khi gia nhập hậu cung, bà đã thanh trừng các đối thủ của mình, bao gồm Hoàng hậu họ Vương và một phi tần được sủng ái khác.

Hầu hết tài liệu đều cho rằng bà đã kiểm soát Trung Hoa từ sau hậu trường trong 23 năm dưới thời cai trị của Cao Tông. Bà nắm quyền chính thức vào năm 690, bảy năm sau khi Cao Tông qua đời, bằng cách đổi tên nước từ Đường thành Chu. Bà là Nữ hoàng chính thức của Trung Quốc từ năm 690 đến 705.

Quốc hiệu Đường được khôi phục khi con trai của Võ Tắc Thiên trở lại ngai vàng vào năm 705.

Một số tài liệu cho rằng sau nỗ lực bất thành nhằm loại bỏ quyền lực của Võ Tắc Thiên vào năm 684, bà đã hạ bệ 12 nhánh của dòng dõi hoàng gia nhà Đường có bất kỳ yêu sách nào đối với ngai vàng.

Võ Tắc Thiên được mô tả là một nhà lãnh đạo quyết đoán, người đã khởi xướng cuộc mở rộng lãnh thổ tới vùng Trung Á và tham gia vào một loạt các cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Võ Tắc Thiên có quyền kiểm soát to lớn đối với của cải của Trung Hoa trong thời gian trị vì của mình, do đó bà thường được coi là người phụ nữ giàu nhất trong lịch sử.

Tống Ái Linh (1889-1973)

Người phụ nữ sở hữu khối tài sản tương đương GDP Trung Quốc, làm lu mờ các tỷ phú hàng đầu- Ảnh 2.

Từ trái qua: Tống Mỹ Linh, Tống Ái Linh, Tưởng Giới Thạch, Tống Khánh Linh (Ảnh: Getty Images)

Tống Ái Linh là chị cả thuộc một trong những gia đình nổi tiếng nhất Trung Quốc vào thế kỷ 20. Người chị thứ Tống Khánh Linh, kết hôn với Tôn Trung Sơn và người em út Tống Mỹ Linh kết hôn với Tưởng Giới Thạch.

Tống Ái Linh kết hôn với H.H. Kung (Khổng Tường Hy), hậu duệ đời thứ 75 của Khổng Tử và là người đàn ông giàu nhất Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949) thời điểm đó. Khổng là Thủ tướng của Trung Hoa Dân Quốc trong giai đoạn 1938-1939.

Sau khi kết hôn với Khổng, Tống Ái Linh làm giáo viên và tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội trước khi thành lập Công ty Sandai. Doanh nghiệp vô cùng thành công và giúp Tống Ái Linh trở nên giàu có một cách đáng kinh ngạc.

Trong chiến tranh, chị em họ Tống đã thành lập tổ chức Indusco với mục đích bảo vệ các lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong điều kiện thời chiến.Tống Ái Linh là người hoạt động tích cực nhất trong việc quản lý cơ quan này. Tuy nhiên, bà cũng bị cáo buộc là đầu cơ chiến tranh trong Thế chiến II.

Fu Hao (mất khoảng năm 1.200 TCN)

Người phụ nữ sở hữu khối tài sản tương đương GDP Trung Quốc, làm lu mờ các tỷ phú hàng đầu- Ảnh 3.

Bức tượng Fu Hao nằm trong quần thể di tích ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Fu Hao (Phụ Hảo) được ghi nhận là nữ tướng, nữ chính trị gia đầu tiên lưu lại bằng văn khắc trên đồng xanh của Trung Quốc. Fu là vợ của một vị vua triều Thương (1600-1046 TCN). Theo SCMP, lăng mộ của bà chứa đầy của cải.

Giống như Võ Tắc Thiên, Fu củng cố quyền lực to lớn trong vai trò phi tần của vua, bao gồm cả việc phát động các chiến dịch quân sự thành công và giám sát các nghi lễ hiến tế quan trọng.

Mối liên hệ của bà với nghi lễ hiến tế được thể hiện từ việc Fu Hao được chôn cất cùng với 16 người đã bị hiến tế để theo bà sang thế giới bên kia. Sáu con chó cũng được hiến tế trong tang lễ của Fu.

Lăng mộ của Fu Hao bao gồm 755 hiện vật bằng ngọc, 564 đồ vật bằng xương (như trâm cài tóc), 468 đồ vật bằng đồng (bao gồm cả bình và vũ khí), 63 đồ vật bằng đá, 11 mẫu đồ gốm, 5 tác phẩm chạm khắc bằng ngà voi và 6.900 vỏ ốc xà cừ, được sử dụng làm tiền tệ trong thời nhà Thương.

Một số lượng lớn Giáp cốt văn cũng được phát hiện trong ngôi mộ của bà, chỉ ra rằng bà sở hữu những vùng đất rộng lớn và có thể tiến cống cho nhà vua những món quà xa hoa. Fu hao cũng thường được giao nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ trọng đại nhất trong thời kỳ trị vì của chồng bà.

Trong lịch sử Trung Quốc, Fu Hao là một nhân vật quan trọng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về triều đại nhà Thương, thời đại lịch sử lâu đời nhất được biết đến ở Trung Hoa với bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của nó.