Người Phụ Nữ tôi yêu quý và thần tượng

Nguyễn Hồng Hạnh,
Chia sẻ

Câu chuyện về cuộc đời buồn và cơ cực của Ngoại tôi!

Khi tôi viết những dòng này thì Người đã ở cái tuổi "bát thập cổ lai hy", nhưng hình tượng của Người trong tôi chưa bao giờ là cũ.

Có thể, để tuyên dương một phụ nữ, mỗi người có riêng cho mình một chuẩn khác nhau. Tôi cũng chưa từng nghĩ mình lấy chuẩn nào khi nghĩ về Người, chỉ biết rằng ngay từ khi biết hiểu chuyện, tôi đã tự xem Người là thần tượng của mình.

Người ấy không phải ai xa lạ, chính là bà Ngoại tôi. Ngoại không phải một chính trị gia, một nhà khoa học hay thậm chí là một thương nhân thành đạt... Nhưng ngoại được sinh ra, lớn lên trong cái nghèo, cái đói của chiến tranh, loạn lạc, và được tôi luyện trong cái khắc nghiệt của tình người, tình yêu, để rồi tôi luôn thấy ở ngoại có một sức mạnh tiềm ẩn phi thường, để vượt qua mọi hoàn cảnh.

Đã làm mẹ, nên tôi hiểu hạnh phúc của một người phụ nữ không chỉ gắn với cơm ngon, áo đẹp, vật chất đủ đầy, mà phải được vun vén bằng tình yêu thương, nhất là tình cảm của người chồng. Mà nếu nói như thế, chắc hẳn cuộc đời ngoại không biết được bao ngày Hạnh Phúc thật sự.

Ngoại gặp và yêu ông ngoại khi không hề biết ông ở bên kia chiến tuyến, bởi ngoại được sinh ra trên dải đất miền Trung nghèo khổ nhưng giàu truyền thống cách mạng. Rồi ngoại cũng về làm vợ ông, khăn gói theo ông vào mảnh đất Sài Thành hoa lệ. Những ngày được làm vợ là những ngày ngoại xa chồng biền biệt, và sau những lần ít ỏi ông về thăm nhà là ngoại lại mang trong mình một mầm sống mới, gánh rau hằng ngày ngoại mang ra chợ mỗi sáng mưu sinh cũng vì thế mà nặng oằn thêm. Vất vả là thế nhưng có lẽ đó là chuỗi ngày hạnh phúc nhất của ngoại, vì còn có người cho ngoại tựa nương.

Sau giải phóng, ông bị buộc đi học tập cải tạo, để lại cho ngoại bốn người con gái, mà lớn nhất còn chưa đi học, người nhỏ nhất còn ẵm ngửa, vì ông bảo - đẻ cho tới khi nào có con trai thì thôi...

Đùm bọc, dắt díu mãi ngoại cũng đợi được ngày ông về, nhưng đến lúc đó thì tài sản chỉ còn lại đôi tay... Ngoại bàn với ông trở về quê, nơi có bà con dòng họ, để khi con cái đói có chỗ mà nương.

Mảnh đất sỏi đá hiền lành đón ngoại về, mái nhà tranh cất vội trên nền đất bà cố tôi chia cho cũng tạm cho sáu con người tránh mưa nắng. Sau đó là những tháng ngày cày cuốc kiếm từng hạt gạo, cơ cực cũng dần bào mòn ý chí của người đàn ông trụ cột vốn chỉ quen với sung sướng. Ông bàn với ngoại để cho ông trở lại Sài Gòn, kiếm tiền gửi về nuôi con, rồi một thời gian lại rước mọi người vào.

Yêu thương, mong muốn gắn bó với chồng xui ngoại không đồng ý. Thế rồi một ngày không đẹp trời, ông biến mất cùng số tiền ít ỏi thu được sau một mùa vụ dài canh tác.

Về nhà sau buổi làm đồng, người làng bảo ông gói ghém đi rồi, ngoại không nghe mà chống quang gánh ngồi đợi ông mãi đầu làng cho đến hết ngày.

Thất thểu trở về, ngoại gánh luôn vết thương lòng còn rỉ máu, nặng nề và đau đớn mà ngoại nói tưởng rằng gục ngã. Nhưng tiếng khóc của bốn người con thơ dại vực ngoại dậy, lúc ấy mẹ tôi - người lớn nhất vừa tròn mười ba, còn dì út lên sáu.

Ngày ông đi, của cải có giá trị nhất trong nhà là một thúng khoai mì khô sót lại sau khi ông bán sạch nông sản trong nhà và bốn người con đang cần cái ăn, cái mặc và cần cả cái chữ.

Đói khổ, ngoại có thể bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cả ngày đêm, nhưng nhất định cho mẹ và các dì đến trường, ngoại mong các con ngoại vững vàng, tự lập và khôn ngoan để có thể tự chọn lựa cuộc đời và hạnh phúc cho bản thân.

Nhưng đôi lúc hoàn cảnh cũng quật ngã con người, dù có kiên cường đến đâu đi nữa. Bốn người con, dù học giỏi có tiếng nhưng thiếu thốn cứ lần lượt kéo họ ra khỏi trường lớp. Ngoại kể, ngày dì Ba - người học giỏi và hiểu chuyện nhất đòi nghỉ học ra đồng kiếm công điểm, nước mắt ngoại rơi đầy bất lực. Ngoại bảo rằng ai làm mẹ mà thấy con mình ngồi nhà nhìn chúng bạn đến trường mà nhớ, mà quẹt vội hai hàng nước mắt để theo mẹ ra đồng - thì sẽ biết muối xát vào ruột đau đớn thế nào...

Sau này tôi có hỏi - ngoại đẹp thế không lẽ không ai thương cho ngoại chỗ dựa sao... ngoại cười cười - thôi, ngoại sợ đàn ông thì ít mà sợ con mình làm con ghẻ khổ thì nhiều...

Mẹ kể nhà dột cột xiêu ngoại tự lợp, tự sửa, cũng có nhiều người đàn ông ngỏ ý "giúp đỡ" nhưng đành chùn chân vì lòng ngoại quá sắt đá.

Bốn người con cũng lớn dần trong sự dạy bảo nghiêm khắc của ngoại và có cho mình những hạnh phúc riêng. Nghe kể, mẹ tôi có dò la ra địa chỉ của ông, khi ấy đã có một gia đình mới. Ngày cưới của mẹ, cánh thư thông báo gửi đi cùng ý nguyện có ông ngoại trong ngày trọng đại cho đủ đầy, nhưng mãi không thấy hồi âm...

Nhiều năm sau này, ông ngoại mang theo tuổi già cơ cực và cô đơn trở về bằng chữ Hiếu với đấng sinh thành mà mẹ và các dì muốn báo đáp. Không ai biết ngoại nghĩ gì, chỉ thấy hễ ông ở nhà dì này thì ngoại khăn gói đến nhà dì khác. Vài lần như thế, ông ngoại dọn vào chùa ở hẳn, ông bảo cho tiện làm công quả. Không ít lần tôi thấy ngoại ngồi buồn nhìn xa xăm lắm, có cố tình ghẹo thì ngoại nói - ngoại sống cả đời không có chồng rồi, bây giờ già cả mà tự dưng có chồng người ta cười...

Ngoại tôi, dù đến tận bây giờ, khi cơ thể phải gánh chịu thêm nhiều đau đớn của bệnh tật, di chứng của những vất vả năm xưa, nhưng chưa một lần thôi lo lắng cho con, cho cháu. Dù là đứa cháu gái cách xa hàng ngàn cây số, mà một lần chồng của cháu bị tai nạn thôi là y như rằng ngoại đứng ngồi không yên, hoặc người con gái xa xứ dăm bữa nửa tháng không hay tin là ngoại lại lộc cộc mắt mờ tay run, kiếm mọi cách để nghe thấy một câu "con vẫn khoẻ" thì giấc ngủ mới tạm yên...
 
Cuộc đời ngoại tôi, một phụ nữ truyền thống đúng nghĩa, hy sinh, chịu đựng nhiều hơn mưu cầu riêng. Ngoại không phải làm nên một thành tựu to tát nào, nhưng chưa bao giờ tôi thôi yêu quý và trân trọng. Từ tận đáy lòng, tôi luôn cầu mong cho ngoại thật nhiều sức khoẻ, và sống lâu với con cháu.
 
Tp HCM 01/2014

 
 
 
 
 

Chia sẻ