Cú rạn nứt từ khởi đầu bình yên
Sinh ra trong 1 gia đình lao động bình thường, Giang theo học một trường ĐH chuyên ngành kỹ thuật vì mong muốn của cha mẹ, đồng thời cô cũng quyết định học thêm 1 trường đại học nữa về ngôn ngữ theo ước mơ từ nhỏ của mình. Bởi vậy, khi biến cố xảy đến Giang từng suy sụp yếu đuối và khóc lóc rất nhiều, nhưng nội lực mạnh mẽ bên trong luôn ẩn giấu đã giúp Giang vực dậy.
Học hành giỏi giang, hình thức ưa nhìn lại nhanh nhẹn, tháo vát, Giang từng là niềm tự hào lớn của cha mẹ. Rồi cũng bình yên như “con nhà người ta”, sau khi ra trường cô có 1 công việc ổn định với mức thu nhập khá cao. Giang lấy chồng, cuộc hôn nhân xuất phát vì tình yêu với một người đàn ông cũng thuộc gia đình có địa vị, có điều kiện.
Giang sau này chưa từng oán trách khi nhà chồng giàu, nhưng phần lớn gánh nặng kinh tế trong gia đình cô là người gánh vác. Cô vẫn tin mình lấy đúng người. Tuy nhiên, cú sốc đầu tiên đã xảy đến là khi sinh đứa con đầu lòng, nhà chồng chỉ quan tâm đứa trẻ là trai hay gái mà quên mất cô đã khó khăn thế nào để giữ con và sinh con. Mẹ chồng buông thõng 1 câu: “Cái mặt mày chỉ đẻ được hai con đàn bà”. Lúc đó Giang đã có cảm giác rơi từ thiên đường xuống địa ngục rồi.
Cuộc sống lại tiếp tục trôi đi bằng sự chịu đựng của Giang, sinh 1 đứa là con gái, đứa sau vẫn có hy vọng thực hiện được kỳ vọng của nhà chồng. Nhưng đời đâu ai học được chữ ngờ. Bấy nhiêu đau khổ làm sao đã đủ, số phận bắt cô phải rèn luyện vững vàng hơn bằng cách giao cho cô thêm nhiều thử thách...
Số phận thử thách
Giang phát hiện tin sốc mình mắc bệnh ung thư, cùng ngay lúc này chồng và nhà chồng thay đổi thái độ hoàn toàn. Nhà chồng ép 2 mẹ con cô ra khỏi nhà, chồng bỏ đi kèm tin nhắn: “Anh không thể cưỡng lại bố mẹ” và để lại lá đơn ly hôn.
Thế nhưng, nhiều người vẫn khuyên cô cố gắng níu kéo để con không phải khổ. Nhận tin ung thư chỉ có một mình, mổ xong nằm viện một mình, khi ra viện người thu dọn đồ đạc giúp cô là những bệnh nhân nằm viện cùng, không một ai đưa đón đoái hoài. Về đến nhà cô không có chìa khóa vào cửa phải đứng chờ bên ngoài vài tiếng.
Ngày thứ 2 sau khi ra viện, vết mổ chưa lành, con không thể bế, chồng thì mất hút, lúc Giang liên lạc thì được nhắn lại chiếc tin đang đi tiếp khách, bỡn cợt mà không một lời hỏi han. Quá cay đắng nên cô có nhắn tin nặng lời, chồng mang “bằng chứng” đến để tố với người nhà mình và cô phải nghe lại những lời lẽ khủng khiếp hơn thế.
Tất cả những việc cô làm đều thành cái gai trong mắt họ và điều duy nhất người ta muốn ở cô là “biến mất” khỏi nhà họ như chưa từng xuất hiện, như 1 thứ tội nợ cần đẩy đi ngay lập tức.
Đỉnh điểm là nhà chồng bán luôn ngôi nhà đang ở và ép mẹ con cô phải rời khỏi ngay nếu không bên bất động sản sẽ đập nát sau 10 ngày.
Bệnh tật, nhà chồng và chồng quay lưng, nhiều người nghĩ rằng vẫn còn nơi bám víu là cha mẹ mình, nhưng Giang thì không. Mẹ cô ngọt nhạt gọi về vì sợ mang tiếng với xóm giềng khi con đẻ bệnh tật, không có nơi để nương tựa mà không giang tay ra đón. Mẹ con cô quay trở lại “ngôi nhà mình”, nhưng vẫn không hề có cảm giác... điểm tựa.
Cha mẹ vẫn muốn cô cố gắng bám víu vào nhà chồng và dường như họ không chấp nhận được thực tại về cô con gái giỏi giang, xinh đẹp, lấy chồng giàu giờ trở thành kẻ thất bại: bệnh tật, bị nhà chồng đuổi khỏi nhà và lại thêm con nhỏ yếu ớt như thế.
Giai đoạn này có lúc cô đã chỉ còn có 37kg, tuyệt vọng và sống cùng nước mắt, không ăn, không ngủ được. Có lúc ôm con ngồi trên hiên nhà người ta, nước mắt Giang rơi không ngừng với ý nghĩ hay là thôi để con lại cho nhà nội nuôi, còn mình chết luôn đi cho nhẹ nợ. Nhưng cô cũng biết rõ, con gái cần mình…
Giang sống trong sự giằng xé của việc níu kéo hay buông tay. Có người chị đã nói với cô như thế này: “Thôi em đã khổ như thế, đừng cố níu thêm nữa. Em sống trong sự đau khổ rồi lỡ em có chết em nghĩ ảnh mình có được lên bàn thờ nhà người ta hay không, con em có được thắp hương cho mẹ không…”.
Một người bạn khác lại bảo: “Em muốn con mình sau này sẽ nói về mẹ như thế nào? Một người mẹ bệnh tật, yếu đuối, nghiện rượu không nuôi nổi con hay một người mẹ dù bệnh tật nhưng đã chiến đấu và sống kiên cường?
Không chạy được thì đi, không đi được thì bò, không bò được cũng phải lết, qua được ngày nào hay ngày đấy. Giai đoạn khó khăn nhất em vượt qua được thì sau này em sẽ chẳng sợ gì nữa cả”.
Tất cả những điều đó khiến Giang tỉnh lại, cô biết mình phải vực dậy, kiên cường mà chiến đấu, mà cãi lại số mệnh, mà cho con 1 cuộc sống bên cạnh 1 người mẹ phải thật ra trò.
Đức năng thắng số
Giang chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần. Giang biết mình phải kiếm tiền mua nhà riêng để tạo lập cuộc sống ổn định và làm chỗ dựa cho hai mẹ con sau này. Cùng lúc điều trị bệnh, cô cũng làm việc chăm chỉ.
Giữ cấp bậc quản lý ở một công ty nước ngoài, cô cùng lúc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Cũng có lúc Giang nghĩ đến việc kinh doanh thêm, tuy nhiên bản thân biết mình đang bị ốm, cô cần đầu tư nhất định vào việc chăm sóc sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi cũng như tập luyện… Hơn nữa, lại là mẹ đơn thân, nên cô cần đầu tư để bù đắp cho con nữa.
Xưa nay Giang vẫn là người chăm chỉ và quyết liệt trong công việc, nhưng giờ cô chăm chỉ hơn trước và làm việc có kế hoạch, khoa học hơn. Ngay cả việc quản lý tài chính cô cũng lên chi tiết rõ ràng. Cô cố gắng tập thêm một số môn thể thao nhẹ nhàng để bổ trợ điều trị bệnh.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh tật dường như đã phải nhường chỗ cho ý chí của cô. Hiện sức khỏe của Giang dần ổn định nhờ tinh thần chiến thắng nỗi sợ hãi, thăm khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ, tập luyện đều đặn.
Hơn 1 năm sau ngày rơi xuống đáy vực thẳm ấy cô đã tiết kiệm được tiền mua nhà, xây tổ ấm riêng cho 2 mẹ con. Dù không nhận được nhiều tình yêu thương như người khác nhưng bù lại cô có được sự động viên từ bạn bè, đồng nghiệp, từ những người chẳng phải máu mủ ruột rà. Dù sao đi nữa, cũng có ai hạnh phúc trọn vẹn đâu, cha mẹ vẫn mãi là cha mẹ, người thân vẫn mãi là người thân, cô từng nghĩ thế.
Cuối năm 2020, Giang viết: “Đến tận bây giờ có 5 việc bản thân chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Đó là: Học 2 trường Đại học/ Kết hôn/ Sinh con/ Ly hôn/ Luôn theo đuổi công việc. Năm mới, cần bổ sung quyết tâm mới, nhiệm vụ mới, tập luyện và chăm lo sức khỏe hai mẹ con, cả về tinh thần lẫn thể chất. Tạm biệt nhé, quá khứ…”. Cô biết biến cố xảy đến khiến cô can đảm hơn nhiều.
Giang thấy giờ mình may mắn vì có con như 1 người bạn để sẻ chia, để tâm sự và hạnh phúc mỗi ngày. Nói Giang mạnh mẽ thì tất nhiên là đúng, nhưng đủ mạnh mẽ đến mức bước vào 1 mối quan hệ mới thì cũng vẫn chưa hẳn. Con chim sợ cành cong, vết thương lòng về tình cảm khiến Giang nghĩ lúc nào thật bình tâm, thật đủ mới bước tiếp, giờ cô không cần vội vã…
Giờ nhắc lại chuyện cũ Giang vẫn khóc, không có ai là siêu nhân mà lúc nào cũng mạnh mẽ. Có lúc Giang cũng để mình rơi trong cảm xúc 1 chút để nuông chiều bản thân, để sống thật, để lùi rồi tiến lên.
“Luôn luôn phải có kế hoạch B, có người chỉ xây kế hoạch A là đã cẩn thận rồi, nhưng nếu có cả kế hoạch B thì dù có biến cố nào xảy đến thì mình cũng dễ vực dậy hơn. Cuộc hôn nhân lành lặn nhất nào cũng có thể tan vỡ, điều cần thiết cho phụ nữ là sự nghiệp và tài chính. Nhưng nó không thể đến trong 1 chốc 1 lát.
Có người cứ bảo mình may mắn vì có được 1 “công việc ổn” như thế. Nhưng có ai đổi lấy sự may mắn như của mình không? Bản thân mình cũng phải luôn trau dồi kinh nghiệm, học hỏi mỗi ngày không ngừng, nó không chỉ mang đến tiền bạc mà còn là nghị lực, là sự chữa lành.
Quan trọng nhất dù có biến cố nào xảy ra cũng phải sống tiếp đã, chết thì chẳng làm được gì nữa, nhưng đã sống được ngày nào phải vui ngày ấy. Và khi đã sống rồi phải sống cho rực rỡ”, Giang nói.