Rối loạn nhân cách ái kỷ hiểu đơn giản là hội chứng yêu bản thân một cách thái quá. Những người ái kỷ thường có xu hướng hạ thấp gia đình và bạn bè của họ bằng cách khoe khoang thành tích bản thân - điều vẫn được coi là triệu chứng lòng tự trọng bị đặt cao quá mức.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng trong một số trường hợp nhất định, người ái kỷ lại bất ngờ có lòng tự trọng khá thấp. Thực chất, thứ họ thực sự theo đuổi là việc tìm kiếm địa vị, chỗ đứng cho bản thân thay vì thể hiện lòng tự trọng.
Virgil Zeigler-Hill, giáo sư tâm lý học tại Đại học Oakland cho biết: “Họ quan tâm đến việc trở nên giỏi hơn người khác, muốn được người khác tôn trọng và ngưỡng mộ, đồng thời quan tâm đến những lợi ích nhận được khi địa vị bản thân cao hơn. Hầu hết mọi người đều ít nhiều quan tâm đến việc họ được người khác nhìn nhận thế nào. Đối với những người ái kỷ, việc nâng cao địa vị bản thân là một yếu tố rất quan trọng trong cách họ nhìn nhận chính bản thân mình”.
Zeigler-Hill cho rằng lòng tự trọng không phải là mối quan tâm chính của người ái kỷ. Thay vào đó, họ khao khát địa vị và lòng tự trọng quá cao chỉ là hệ quả của cảm giác được ngưỡng mộ. Để kiểm tra ý tưởng này, ông và đồng nghiệp đã tuyển dụng các sinh viên tâm lý học chưa tốt nghiệp để thực hiện cuộc khảo sát về mức độ tự ái của họ. Cuộc khảo sát yêu cầu người trả lời đồng tình hay không đồng tình với những câu hỏi như: “Tôi sẽ trở nên nổi tiếng” và “Tôi muốn các đối thủ của tôi thất bại”.
Zeigler-Hill chia sẻ, kết quả cho thấy rằng những người có sự ganh đua ái kỷ cao sẽ đố kỵ nếu người khác nhận được sự ngưỡng mộ, bởi họ nghĩ điều đó làm giảm địa vị và tầm quan trọng của họ trong mắt mọi người xung quanh, từ đó gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy rằng lòng tự ái cao vẫn có thể đi kèm với lòng tự trọng thấp. Tuy nhiên, dù lòng tự trọng cao hay thấp, người mắc chứng ái kỷ đều bị ảnh hưởng bởi địa vị và sự ngưỡng mộ mà họ cảm thấy người khác dành cho họ. Zeigler-Hill nói: “Đó là một bằng chứng cho thấy rằng cách mà những người ái kỷ đang trải nghiệm thế giới xã hội còn quan trọng hơn lòng tự trọng của họ”.