Mới đây Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chính thức được thành lập (ngày 8/11) gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Ông Lê Văn Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam được biết đến với biệt danh là "Hiệp toilet". Ông Hiệp là một doanh nhân ở Bình Dương cũng đồng thời là trưởng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức World Toilet, có trụ sở chính ở Singapore.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hiệp cho biết, Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, sản xuất, chế tạo nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh, cải tạo và nâng cao chất lượng nhà vệ sinh. "Hiệp hội Nhà vệ sinh VN được thành lập nhằm đánh thức ý thức tự giác của cộng đồng trong việc quan tâm đến chất lượng và lên phương án cải tạo xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn nhà vệ sinh thế giới và đạt tiêu chuẩn tổ chức ASEAN", ông Hiệp nhấn mạnh.
Nỗi "sợ" mang tên nhà vệ sinh công cộng
Nhiều người nghe qua tên Hiệp hội cảm thấy buồn cười vì cho rằng hơi thiếu tế nhị. Tuy nhiên cũng có những người ủng hộ vì theo họ, cái tên Hiệp hội NVS chỉ là hình thức, còn quan trọng vẫn là sự hy vọng tổ chức này sẽ cải thiện được tình hình nhiều NVS tại những nơi công cộng ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn sạch sẽ, tiện nghi và hiện đại hơn, không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Lê Văn Tám được ngân hàng tài trợ nhưng hoạt động cũng theo giờ hành chính.
Là thành phố đông dân nhất cả nước với hơn khoảng 10 triệu người, nhưng TP. HCM vẫn đang thiếu NVS công cộng trầm trọng, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân mỗi khi ra đường.
Hiện nay, ở một số nơi công cộng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên, bệnh viện và một số tuyến đường có NVS nhưng những NVS này đều có mùi hôi, rất có hại cho sức khoẻ.
Một bác xe ôm sau khi sử dụng NVS ở Công viên Lê Văn Tám cho hay, ở Sài Gòn rất hiếm có NVS công cộng dọc đường.
"Ở Sài Gòn thiếu rất nhiều NVS, tất cả các quận huyện hầu như đều không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Có những lần tôi chạy xe vào quận 10 thì muốn đi toilet, đi lòng vòng kiếm NVS để "giải quyết" nhưng không có, đành phải nín cố chạy qua quận khác", bác xe ôm than thở.
Một người dân đứng chờ vì NVS đã không còn chỗ trống.
Có người trông coi, dọn dẹp nên NVS này khá sạch sẽ, người vào phải thay dép.
Cũng theo bác xe ôm này, tại NVS ở dưới hầm phố đi bộ Nguyễn Huệ mặc dù rất sạch sẽ, lịch sự, có người bảo vệ nhưng vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân.
"Buổi sáng khoảng 9h tôi ghé vào, muốn đi toilet tại NVS ở phố đi bộ nhưng phải chờ mất 30 phút mới đi được", bác xe ôm kể.
Còn anh Tăng Thu Cường (28 tuổi, quận 5, TP. HCM) chia sẻ: "Nhìn chung vấn đề NVS hiện nay đảm bảo hay không vẫn là do ý thức của con người. Ví dụ NVS tại Công viên 23/9, hôm bữa tôi đi vào đó thì thấy những nhu cầu thiết yếu như giấy vệ sinh, giày để mang vào, nước rửa tay đều đầy đủ nhưng vẫn chưa được sạch sẽ và có mùi hôi vì nhiều người sau khi sử dụng không chịu dội nước".
Bác xe ôm chia sẻ về thực trạng NVS ở Sài Gòn và ý thức của người dùng.
Theo anh Cường, còn ở những nơi công cộng khác như bệnh viện thì vẫn còn thiếu xà phòng, chỗ rửa tay sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt hơn, nhu cầu thiết yếu nhất của NVS là vòi nước hoặc giấy vệ sinh bên cạnh khi muốn đi toilet nhưng một số bệnh viện ở Sài Gòn lại thiếu hoặc bị hỏng, dẫn đến NVS những nơi này thường xuyên bị bẩn.
Đối với NVS ở trường học, bạn Trần Thị Mai Linh (18 tuổi, SV Trường Cao đẳng Cao Thắng TP. HCM) chia sẻ: "Về NVS ở các trường học, em thấy hầu hết đều là NVS bình thường nhưng cũng khá sạch sẽ. Mặc dù vậy, NVS ở trường học vẫn chưa tiện nghi và hiện đại cho lắm".
Còn NVS công cộng như tại bệnh viện ở Sài Gòn, nữ sinh viên Mai Linh cũng cho rằng không được sạch sẽ và rất bất tiện.
Một nam sinh cấp 3 tại trường THPT trên địa bàn quận Bình Thạnh thì cho biết muốn NVS sạch đẹp và không ám mùi hôi thì phải cần ý thức của chính người sử dụng. "Nếu ai đi học thì đều biết rằng có một nỗi sợ mang tên nhà vệ sinh trong trường. Nhiều trường học có trang thiết bị hiện đại, toilet sáng sủa nhưng vì lượng người dùng nhà vệ sinh quá nhiều và không phải ai cũng có ý thức giữ gìn, một số bạn còn ném giấy vào bồn cầu gây nghẹt, một số đi xong không dội nước, các cô lao công làm việc hết công sức cũng không thể giữ các nhà vệ sinh luôn sạch sẽ được", nam sinh cho biết.
Hy vọng Hiệp hội NVS sẽ làm thay đổi ý thức mỗi người
Theo nữ sinh viên Mai Linh, ở Việt Nam nói chung và TP. HCM rất ít NVS công cộng. Nhiều lúc đi dạo những nơi công cộng nhưng không tìm thấy NVS đâu. Mặc dù rất ít NVS công cộng nhưng ý thức sử dụng NVS của một số người cũng chưa được cao.
NVS ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Cuối tuần và những ngày lễ, NVS tại phố đi bộ luôn quá tải.
"Việc thành lập Hiệp hội NVS Việt Nam cũng có ý nghĩa nhất định vì có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân trong vấn đề sử dụng NVS công cộng sạch sẽ. Em hy vọng sau khi Hiệp hội NVS được thành lập sẽ giúp cải thiện và thiết kế những NVS hiện đại và tiện nghi hơn nữa", Linh chia sẻ thêm.
Hầu hết người dân cho rằng, tại một số nơi công cộng có NVS nhưng thường xuyên bị quá tải hoặc chỉ mở cửa giờ hành chính như NVS ở Công viên Lê Văn Tám (quận 1). Được biết, đến khoảng 11h thì NVS tại đây đóng cửa nghỉ trưa đến 1h chiều mới mở cửa, trong khoảng thời gian này có hàng chục người chờ đứng chờ mở cửa đi vệ sinh.
Anh Cường hy vọng Hiệp hội NVS sẽ cải thiện được tình trạng NVS hiện nay.
Nữ sinh viên Mai Linh chia sẻ Hiệp hội NVS Việt Nam vừa ra đời.
"Đối với du khách nước ngoài họ rất cần NVS công cộng để "giải quyết" nhu cầu khi ra đường đi chơi. Tuy nhiên có nhiều lúc, họ muốn đi vệ sinh nhưng đành phải "nhịn" cho đến chiều về khách sạn "xử lý" vì tìm mãi không thấy NVS công cộng", bác xe ôm ở Công viên Lê Văn Tám cho hay.
Nói về Hiệp hội NVS Việt Nam, từ bác xe ôm đến anh nhân viên văn phòng, học sinh sinh viên đều ủng hộ vì họ hy vọng cải thiện được NVS hiện nay đang khá tồi tệ.
Anh Tăng Thu Cường nêu ý kiến: "Việc ra đời Hiệp hội NVS có thể sẽ phát triển thêm nhiều NVS công cộng hơn, đồng thời cải thiện lại ý thức sử dụng NVS của mọi người. Hiện nay nhiều người vẫn còn đi vệ sinh bên đường khiến nếp sống văn minh không được đẹp".
Anh Cường cũng như những người dân mà chúng tôi phỏng vấn đều không biết đến Hiệp hội NVS Việt Nam, nhưng khi đọc qua những thông tin về ý nghĩa của Hội thì khá ủng hộ.
Bên cạnh đó, anh Cường cũng đề xuất giải pháp cá nhân, đối với những NVS công cộng nếu xây dựng ở các tuyến đường cần phải có đèn hoặc làm sao để mọi người dễ nhận biết nhất, như vậy tránh mới được tình trạng người dân "giải quyết" ngoài đường.