Sunni Israni là người sáng lập ứng dụng tài chính cá nhân Clasp. Tò mò về thói quen quản lý tiền bạc của thế hệ trẻ, anh đã lên đường phỏng vấn mọi người trên khắp nước Mỹ.
Cụ thể, Sunni Israni muốn biết điều gì làm nên sự khác biệt giữa những người trẻ tiêu tiền thông minh với những người còn lại.
Vì thế, cựu nhân viên giao dịch phố Wall này đã dành thời gian để đi phỏng vấn người trẻ trên khắp nước Mỹ về thói quen chi tiêu cũng như các mục tiêu tài chính giúp họ quản lý tiền tốt.
Anh phát hiện ra rằng yếu tố giúp người trẻ tiêu tiền thông minh không nằm ở thu nhập hay vị trí địa lý, mà là ở cách họ tư duy về tiền bạc.
Suốt quá trình nghiên cứu, Israni đã phát hiện ra 3 chướng ngại vật tâm lý khiến người trẻ gặp khó khăn trong việc quản lý tiền bạc.
Không biết tiền có ý nghĩa gì với mình
Israni cho biết, tư duy là thứ tác động nhiều nhất đến cách người trẻ tiêu tiền. "Khi nói chuyện với người trẻ, tôi có cảm giác họ đang miêu tả chính bản thân họ khi miêu tả thói quen quản lý tiền bạc. Giống như việc tiêu tiền có thể khẳng định được giá trị của bản thân vậy", Israni nói.
Những người trẻ quản lý chi tiêu giỏi thường biết bản thân muốn gì và xác định được mục tiêu của mình.
"Tôi đã nói chuyện với một người có ý thức tiết kiệm tiền từ rất sớm. Anh ấy nhận thức rõ tiền có ý nghĩa ra sao với mình. Những người không biết quản lý tiền bạc thường không hiểu tiền có vai trò gì trong cuộc đời mình".
Điều này khiến họ nảy sinh thêm nhiều thói quen chi tiêu xấu. "Những người mông lung về giá trị của tiền bạc thường chẳng mấy khi đưa ra được những quyết định khôn ngoan", anh nói.
Không đặt giới hạn cho việc chi tiêu xã giao
Một thói quen xấu khác mà người trẻ hay mắc là chi tiêu quá nhiều cho các tình huống giao tiếp xã hội. Chỉ những người khôn ngoan mới đặt ra giới hạn cho bản thân.
"Khi đi giao lưu với người khác, tâm lý mọi người thường chi tiêu mạnh tay hơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào những người biết quản lý tiền bạc khôn ngoan, tôi thấy họ hiểu rõ vòng tròn bạn bè của mình và biết tham gia những sự kiện hay hoạt động phù hợp", Israni nhận xét.
Việc bạn bỏ ra bao nhiêu tiền cho các hoạt động vui chơi, giao lưu xã hội không liên quan mấy đến niềm vui, niềm hạnh phúc mà bạn nhận được sau đó, Israni kết luận.
Trong khi đó, những người khác vẫn tiếp tục tiêu xài và không thành thực với bạn bè về khả năng chi tiêu của mình. Những người không giỏi quản lý tiền bạc ít khi nói với bạn bè về tình hình tài chính của mình.
Theo Israni, cắt giảm chi tiêu vui chơi, giao lưu xã hội không phải là giải pháp. Thay vào đó, bạn cần phải tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Bạn nên tạo danh sách những thứ có thể làm mà không khiến mình rỗng túi và tình bạn không cần phải quá đắt đỏ.
Suy nghĩ theo kiểu "mặc kệ tất cả" và ngừng cố gắng
Israni nhận thấy rằng những người trẻ quản lý tiền bạc kém thường không nghĩ bản thân họ có thể thay đổi điều gì. Sau đó, họ sẽ ngừng cố gắng.
"Sau khi trải qua một số chuyện, họ chuyển sang trạng thái tâm lý ‘mặc kệ tất cả’ và cảm giác như mình không thể gượng dậy nữa. Những người này cảm thấy thua kém bạn bè đồng trang lứa đến mức họ chỉ muốn buông bỏ mọi thứ".
Theo Israni, đây là một tư duy khá tiêu cực, đặc biệt với những người vốn đã có xuất phát điểm thấp. Chỉ khi thay đổi suy nghĩ thì họ mới có thể cải thiện tình hình tài chính của mình.
"Nếu vẫn duy trì tâm lý mặc kệ này, họ sẽ không bao giờ quản lý được tiền bạc của mình dù là bằng giấy tờ hay trên ứng dụng. Thậm chí họ còn chẳng đoái hoài đến tài khoản ngân hàng", anh cho biết. Israni chỉ ra rằng những người tiêu tiền khôn ngoan luôn có mong muốn cải thiện cuộc sống của mình. Họ không cho phép bi quan và khó khăn cản bước họ trên con đường hoàn thành các mục tiêu tài chính.
Theo wartaekonomi.co.id, hr-portal.ru