Bà Jessica Kwok, giám đốc của Dịch vụ Động vật và Thú y NParks (AVS), cho biết kể từ 2020, mỗi năm, Ủy ban Công viên Quốc gia (NParks) lại nhận được hơn 1.000 báo cáo về tình trạng gà thả rông ở Singapore. Báo cáo cho biết có khoảng 50 con gà đang “sinh hoạt tự do” tại Công viên Pasir Ris và số lượng vẫn đang gia tăng từng ngày.

Bên cạnh công viên Pasir Ris ở Singapore, gà hoang cũng xuất hiện ở một số khu vực khác. Tình trạng gia tăng “dân số” diễn ra nhanh đến mức lãnh đạo công viên phải kêu gọi người dân không cho gà rừng ăn, bởi sẽ dẫn đến mất kiểm soát. 

Quản lý “dân số” gia cầm

Vấn đề liên quan đến xử lý gà hoang tại công viên Pasir Ris, Singapore nổi lên từ năm 2017. Thời điểm đó, khi nhận được 20 báo cáo khiếu nại từ cư dân (chủ yếu là báo cáo về tiếng ồn), Cơ quan Nông sản thực phẩm và Thú y Singapore đã tiêu hủy 24 con gà ở khu vực thành phố. Sự kiện dấy lên làn sóng phản đối gay gắt, khiến AVA phải thông báo rằng hành động tiêu hủy là để ngăn dịch cúm gia cầm. 

Sau vụ việc, một đội đặc nhiệm đã được thành lập để giải quyết đàn gà ở Sin Ming. Một trong những vấn đề đầu tiên là tiếng ồn. Báo cáo từ khu chung cư gần công viên Pasir Ris, đã có ít nhất hai người dân lắp đặt cửa sổ chống ồn. Theo ông Goh Sim Cik, người đứng đầu đội nhóm, người dân ở khu chung cư chia làm 3 “phe”. Nhóm đầu tiên, cũng là nhóm đa số, không quan tâm đến đàn gà xung quanh khu vực công cộng. Nhóm thứ hai thì rất mến đàn gà và không nỡ đuổi chúng, nhóm còn lại thì muốn tống tất cả lũ gà đi. 

Người Singapore: Hàng xóm của chúng tôi là… gà hoang - Ảnh 1.

Một gà mái mẹ đang dẫn đàn con kiếm ăn.

Các đàn gà ở đây khi tập trung có thể lên đến 30 con một lúc. Hồi cuối năm ngoái, số lượng đạt đỉnh khoảng 100 con. Sau khi nhóm quản lý thực thi chính sách, số lượng mới giảm xuống 50 con như hiện tại. 

Tình trạng cho gà ăn vẫn diễn ra thường xuyên tại khu vực công viên, bởi vậy số lượng "hội gia cầm” vẫn tăng lên nhanh chóng. Việc cho ăn không kiểm soát được cho là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều xung đột về môi trường sống của con người và động vật.

Ông Noel Tan, quản lý một hội nuôi gà trên Facebook, nói rằng phần lớn mọi người cho gà ăn “đồ ăn vặt”. Đây là nguồn dinh dưỡng có hại bởi chúng gây khó tiêu. Gà cần protein chất lượng để đẻ trứng. Nếu chỉ thu nạp carbohydrate, chúng sẽ thiếu lượng protein cần thiết. 

Ông nói thêm, không chỉ gà, bạn không nên cho bất kỳ động vật hoang dã nào ăn. Thức ăn thừa có thể thu hút các loài sinh vật gây hại như chuột, gián, chúng gieo rắc mầm bệnh và gây nguy hiểm cho cộng đồng. 

Người Singapore: Hàng xóm của chúng tôi là… gà hoang - Ảnh 2.

Đồ ăn vặt gây hại cho cả gà và môi trường sinh thái.

Để nỗ lực khắc phục, nhóm bảo vệ đã cấm hành động cho gà ăn. Họ cũng bắt đầu thu gom trứng, lắp đặt lưới và cắt tỉa cây để gà không đậu trên đó.

Bà Jessica Kwok giải thích về cách tiếp cận khoa học mà NParks đang thực hiện để quản lý đàn gà: “Chúng ta cần có sự hiểu biết về đặc điểm sinh thái của loại gia cầm này, chẳng hạn như cách thức di chuyển, tập tính sinh hoạt, dịch bệnh chúng có thể mang và rủi ro về sức khỏe cộng đồng, đồng thời điều chỉnh môi trường sống, loại bỏ các nguồn thức ăn do người dân cung cấp, không cho phép người dân thả gà tự do”.

Bà kết luận, không thể áp dụng duy nhất một phương pháp cho toàn bộ các vấn đề.

Bắt đầu một sở thích mới

Theo quy định của NParks, một cơ sở không được nuôi quá 10 con gà. Chủ sở hữu cũng phải tuân theo quy định của khu vực mình đang sống. Trước đây, khu chung cư HDB gần công viên còn không cho phép người thuê nuôi gà trong chuồng. 

Người Singapore: Hàng xóm của chúng tôi là… gà hoang - Ảnh 3.

Khu chung cư giăng hàng rào để ngăn gà tiến vào khu vực người dân.

Ở Singapore, gà dường như đang trở thành một vật nuôi yêu thích. Mọi người bắt đầu mua thức ăn, vitamin và chất dinh dưỡng bổ sung. Số lượng người nuôi tăng lên gấp 5 lần, trong đó có cả những người nổi tiếng. 

Chị Jayce Ho, một người nuôi gà, thường để “thú cưng” của mình lang thang trong vườn, cào đất, mổ giun, tự do tìm thức ăn. Cô cho biết, “nuôi gà rất khác nuôi chó mèo. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở tình trạng bệnh, khi chó mèo ốm, bạn dễ nhận ra. Nhưng gà thì sẽ che giấu vết thương hoặc các biểu hiện bệnh, đây là cơ chế phòng thủ thông thường của gà”.

Người Singapore: Hàng xóm của chúng tôi là… gà hoang - Ảnh 4.

Chị Jayce Ho có tình cảm đặc biệt bên cạnh "thú cưng" của mình.

Từ kinh nghiệm, Jayce Ho nhận thấy gà là loài động vật có tình cảm và khá thông minh, khác hẳn với cách mọi người vẫn nghĩ. “Khi mình đang bế một con gà, nếu một con gà khác cũng muốn được mình vuốt ve, nó sẽ đuổi con gà mình đang bế đi, thậm chí mổ. Tóm lại là tỏ thái độ tức giận, ghen tị ra mặt”.

Jayce Ho khuyên rằng, người nuôi gà phải nghiên cứu kỹ về giống gia cầm này. Không chỉ là về việc cho ăn, mà còn là cách chuẩn bị cho gà đẻ trứng. Ví dụ một ngày đẹp trời, có 30 chú gà con xuất hiện, bạn sẽ biết cách xử lý phù hợp.

Cô Ho đồng thời đang điều hành một trang web cung cấp thông tin và lời khuyên về chăm sóc gà. Mỗi tuần, website lại nhận được tin nhắn về những chú gà bị chủ bỏ rơi - một tin không vui với hội yêu gà. Đặc biệt, gà được nuôi dưỡng trong chuồng thường khá hiền, thậm chí không cố gắng chạy thoát nếu bạn muốn bắt chúng. Nếu bị bỏ rơi ngoài môi trường tự nhiên, gà rất dễ bị tấn công bởi các loài thú săn mồi.

Sống trong một thế giới khác

Sau sự kiện tiêu hủy gà vào năm 2017, nhà làm phim Jun Chong đã thực hiện New Resident, bộ phim ngắn kể về một người phụ nữ xây nơi ở cho gà hoang. Trong quá trình làm phim, anh bị người dân hiểu lầm là nhân viên của lực lượng kiểm soát nên họ cảnh báo anh không được bắt gà đi.

“Người dân bảo tôi: ‘Anh đừng có bắt gà đi nhé’, Cách họ bảo vệ và yêu thương lũ gà khiến tôi thấy cảm động và ấm áp”, Chong nhớ lại. “Khi đi bộ quanh khu nhà, tôi thấy có cha mẹ còn dẫn các em nhỏ đi xem lũ gà, các khách du lịch cũng thích thú với cảnh tượng đặc biệt này. Khu vực quanh công viên tự nhiên một ngày trở thành điểm thu hút khách du lịch”.

Năm 2020, bộ phim tài liệu của Chong được trình chiếu trực tuyến và giúp nâng cao nhận thức về loài gia cầm này. “Tôi nghĩ người dân đã nhận thức tốt hơn, khi những cuộc trò chuyện đầu tiên bắt đầu, sẽ càng có nhiều người biết về nó hơn. Điều quan trọng là ta cần nói về cách con người tương tác và ảnh hưởng đến đời sống hoang dã”.

Chong nhận thấy: “Điều này có lẽ liên quan đến văn hóa, hành vi của người Singapore. Chúng ta đã quá quen với việc phân định những quy tắc rất rõ ràng, nếu bạn muốn tìm về thiên nhiên, bạn đến công viên, nếu muốn ngắm động vật, bạn vào sở thú. Chúng ta không quen với việc ‘trộn lẫn’ những thế giới này vào với nhau”.

Người Singapore: Hàng xóm của chúng tôi là… gà hoang - Ảnh 5.

Một chú gà đang "vẫy tay ra hiệu" khi băng qua đường.

Nguồn: Channel News Asia