Bộ người ta không còn chuyện gì để hỏi nữa sao?
Trước Tết, trên Facebook tràn ngập các bức ảnh chế, về nỗi bức xúc của những người độc thân trước những câu hỏi nghìn năm như một, chỉ xoáy quanh chuyện tại sao chưa kết hôn khi bạn bè đã con cái đề huề. Rằng chắc kén cá chọn canh quá nên giờ này vẫn đơn thân lẻ bóng. Rằng giờ này mà chưa lấy chồng lấy vợ, chưa sinh cháu cho cha mẹ bế bồng là bất hiếu. Bảo sao nhiều người trẻ muốn trốn Tết, thay vì về nhà gặp gỡ họ hàng làng xóm đoàn tụ vui vẻ thì phải kiếm cớ lên đường du lịch, cốt sao không phải đối mặt với những câu hỏi dồn dập của người thân, những tiếng thở dài chép miệng của bố mẹ.
Đã xác định sẵn tư tưởng là mỉm cười cho qua, sẽ tìm cách ậm ờ đánh trống lảng nếu bị hỏi, nhưng sự đời đâu có dễ dàng. Phe "tra hỏi" quân số đã đông mà càng ngày càng "bạo động", lấn tới không ngừng nên cố nín mãi cũng chẳng giữ nổi bầu hòa khí thân mật. Đỉnh điểm là một buổi chiều, tôi cảm giác như mình là con thú yếu ớt bị dồn vào chân tường, tưởng như bị dí dao vào cổ kèm câu hỏi "Cưới hay là chết", thì mới thấy thấm thía nỗi bức xúc của hàng nghìn người trẻ cô đơn khác.
Tết về là câu hỏi chuyện lấy vợ lấy chồng tấn công dồn dập.
Nói đi cũng phải nói lại, bên "tấn công dồn dập" cũng có lý do của họ. Trước khi nổi khùng, thì bạn chịu khó đặt mình vào vị trí của người ta, xem vì lý do gì mà họ có thể hỏi một câu dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, đặc biệt càng nở rộ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Sau cả cái Tết hồi quan sát, nhìn lại, suy nghĩ lung lắm, tôi cũng rút ra một vài nguyên nhân cơ bản.
Người thành phố bây giờ lịch sự hiện đại rồi, không còn hỏi thẳng nói thật chuyện vợ chồng nhà người khác nữa. Chỉ còn người dân quê tính thiệt thà, nhiệt tình, dễ mến, thích quan tâm và luôn nghĩ cho người khác mà thôi. Hiềm một nỗi, họ suy nghĩ vô cùng đơn giản, luôn muốn cả xã hội sống theo một quy chuẩn chung, luôn cho rằng mình thích cái gì thì người khác cũng sẽ thích y chang như vậy. Nên họ hay giục giã kiểu vô cùng hồn nhiên. "Trời ơi lấy vợ/chồng đi, tui lấy rồi nè, sướng muốn xỉu, sao không lấy đi". "Thấy tui có con vui không, sao không chịu có vợ chồng con cái như tui để cho vui nè?". "Hồi xưa bác lấy vợ xong đổi đời luôn đó, cháu suy nghĩ đắn đo gì nữa mà chưa chịu lấy đi?".
Đúng là người ta đâu có ý xấu gì, chỉ là chưa nhận ra rằng cuộc đời mỗi người mỗi khác, mỗi người theo đuổi một mục tiêu khác nhau, mỗi người lại muốn tìm kiếm những điều riêng cho mình. Có người thích ổn định, an bằng, thì cũng có người thích ngao du, khám phá đây đó. Có người đặt mục tiêu vừa phải để sớm vui vầy chồng vợ con cái, thì cũng có người còn mơ cao, mơ xa, chưa có thành tựu gì thì sẽ không dám nghĩ đến chuyện hôn nhân.
Rồi nữa, người quê chân chất, thương bạn, quý bạn mà không biết thể hiện ra sao. Bẵng đi một năm chẳng gặp nhau, chẳng có dịp hỏi han tình hình, ngày Tết gặp lại nhau biết nói gì bây giờ. Thôi thì cứ hỏi chuyện vợ con – sinh đẻ – lương thưởng thay miếng trầu bắt đầu câu chuyện vậy. Cuộc sống ở đây đơn giản, nhịp sống bình lặng quá, ngày này giống ngày khác nên người ta chờ mãi một ngày vui, mong mãi một tiệc đám linh đình, háo hức cho một chuyện gì đó đặc biệt để bàn tán, để xôn xao.
Chuyện vợ chồng con cái trở thành câu hỏi cửa miệng của nhiều người.
Là vậy đó, mọi người cũng có lý của họ khi suốt ngày hỏi chuyện vợ chồng, con cái. Không phải ngẫu nhiên mà họ gặp ai cũng tua đi tua lại một vấn đề muôn thuở mãi không chán như vậy. Xét cho cùng, họ đều là người thân quen của bạn, quan tâm đến bạn nên mới hỏi. Đừng bực dọc hay phản kháng làm gì kẻo mất vui. Bỏ qua được gì thì bỏ qua, vì dầu gì cũng là quê nhà thân thuộc, đầu năm đầu tháng ai nỡ lớn tiếng hay giận dữ gì mất cả hay.
Chẳng có ai muốn mình cô đơn mãi
Phàm là người bình thường, ai chẳng muốn cuộc sống có đôi có cặp. Nhìn gia đình khác sum vầy ríu rít, mình vẫn cô đơn lẻ bóng thì ai chẳng có chút chạnh lòng. Nhưng buồn thì buồn vậy, đâu thể vơ quàng vơ đại ai đó, để miễn sao có chồng có vợ cho đỡ bị hỏi.
Người ta có nhiều lý do để buộc phải chọn cô đơn lắm chứ.
Người ta chưa vội có hứng thú với cuộc sống đầm ấm vợ chồng con cái, chí hướng người ta còn ở những chân trời xa xôi và những nấc thang cao hơn trong cuộc sống, trong sự nghiệp.
Người ta từng yêu, từng định cưới đến nơi, rồi vì lí do gì đó mà người ta đổ vỡ, hết duyên nên đâm ra ngại, yêu thì có thể yêu chứ ớn… cưới.
Người ta nghe nhiều về những cặp đôi đổ vỡ hoặc chính người ta sinh ra trong một gia đình ba mẹ không thuận hòa. Người ta cũng chưa gặp được một người giúp họ lấy lại niềm tin về tình yêu và hôn nhân.
Người ta kén. Giống như bạn không thích mặc một cái áo không vừa vặn với bạn, người ta cũng không thể lấy một người mà người ta không yêu. Người ta chưa gật đầu vì đang tìm người phù hợp hơn. Đây là một lí do chính đáng.
Người ta thấy sống một mình vậy vui quá trời, sáng ăn vận chỉnh tề, cà phê cà pháo, tối đi tiệc tùng đến khuya, chưa muốn vướng bận chuyện nhà cửa, con cái, buồn tình xách ba lô đi du lịch, kết bạn với bốn phương… Cớ sao phải thay đổi.
Người ta cũng muốn cưới, nhưng người ta không cưới được. Chưa có người yêu biết cưới ai.
Chỉ cần "phe tra hỏi" âm thầm quan tâm, để ý hoàn cảnh của đối tượng bị xét hỏi một chút thôi, sẽ nhận ra ngay vì đâu họ chưa lấy chồng lấy vợ, khỏi mất công tra hỏi dồn dập mà không tìm được câu trả lời đúng ý.
Mà nếu bạn vẫn muốn tự mình hỏi han cho ra nhẽ, thì có đường vòng nào để đối tượng không nổi khùng, để ngày Tết không mất vui?
Đừng đề cập đến vấn đề gì cụ thể, lâu ngày gặp lại hãy hỏi chung chung: có gì mới không? Lâu nay có gì vui không? Nếu họ đang có ý định lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái, mua nhà tậu xe… họ sẽ tự khắc chia vui với bạn nếu họ thực sự muốn.
Hãy "thưởng thức" họ đi. Biết đâu vì họ chưa bận bịu vợ chồng con cái, họ mới có thời gian ngồi chơi với bạn đó. Nên hãy trân trọng sự tự do và thời gian của họ đã dành cho bạn chứ không phải một ai khác. Biết đâu khi họ đã có nơi có chốn rồi, bạn muốn tìm họ còn khó hơn gặp Thủ tướng, vì họ lúc đó đang ngụp lặn trong vòng xoay con ốm – bỉm sữa – học phí – nhà trẻ … hoặc họ chỉ muốn dành thời gian cho gia đình nhỏ của họ mà thôi, bạn không tới lượt đâu.
*Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.