Làm lễ là để tâm an
Ngày 22/2, chúng tôi đến chùa Phúc Khánh để tìm hiểu về việc, chùa tiếp nhận ra sao sau khi có Công văn của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo giáo hội gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân.
Theo ghi nhận, lượng người đến chùa Phúc Khánh hôm nay khá ít. Chính vì vậy mà khách đến đây lễ có cơ hội được vãn cảnh chùa, chụp ảnh lưu niệm thuận tiện hơn, không còn cảnh chen chúc, nghi ngút khói hương như những ngày vừa qua.
Không khí thanh tịnh của chùa Phúc Khánh ngày 22/2, khác hẳn với cảnh chen lấn xô đẩy mấy ngày trước Rằm Tháng Giêng
Tại gian tiếp đón có 3 người làm công tác ghi sổ làm lễ dâng sao giải hạn. Bên ngoài có 2 bàn ghi công đức. Người phụ nữ xuất hiện trong bài báo “Bị từ chối giải hạn vì “thiếu lễ” 50 nghìn đồng” gây xôn xao hôm 11 Tết vẫn ngồi ở đúng vị trí hôm đó. Hỏi về công văn, bà cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được Công văn nào cả”. Thậm chí, bà còn hiểu nhầm là chúng tôi đến xin Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhưng có lẽ do đã bị lên báo mấy hôm trước nên hôm nay, bà khá cẩn trọng khi trò chuyện với chúng tôi.
Một người phụ nữ ngồi gần đó cho biết, bà là người nằm trong ban chi khách nhiều năm nay. Mỗi tuần, bà đến đây vào thứ 2 và thứ 4 để giúp nhà chùa các công tác tổ chức. Bà cũng không biết về công văn mà chúng tôi nhắc đến.
Bản tra sao xấu vẫn được dán ở khu tiếp đón
Vừa lúc đó, có một phụ nữ bước vào xin đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, bà cũng cho biết đã làm lễ ở một chùa khác nên muốn làm thêm. Thế nhưng, các phật tử ở đây khuyên chỉ nên làm một nơi, không nên làm ở chùa Phúc Khánh nữa. Người phụ nữ này nghe lời và ra về.
Phật tử làm trong ban tiếp đón tiếp tục câu chuyện đang nói dở với chúng tôi: “Việc làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn cho các phật tử đã được chùa Phúc Khánh làm mấy chục năm nay rồi. Đầu tiên rất vắng, quyển sổ chỉ vài chục người đăng ký làm lễ thôi. Nhưng tiếng lành đồn xa chứ thầy không kêu gọi. Mà người ta đến thì mình phải làm, đó là tín ngưỡng rồi, không nên cấm. Tuy nhiên, trong nhiều bài giảng, thầy Quyết cũng nói, làm lễ ở đây chủ yếu là để tâm an và giảm bớt đi thôi chứ không phải ai cũng được giảm. Ví dụ, đáng lẽ rơi vào đầu thì rơi vào chân mình cho nhẹ nhàng đi”.
"Thầy Quyết lấy rất rẻ"
Liên quan đến số tiền 150 nghìn đồng/người làm lễ dâng sao giải hạn đang được dư luận và báo chí phê phán, người phụ nữ này giải thích: “Thầy Quyết lấy rất rẻ. 150 nghìn/người cho 12 tháng. Trước chỉ thu có mấy chục thôi. Như vậy là 12 lá sớ cho cả năm. Thầy bố thí làm phúc thôi. Bảo 150 nghìn cho một lần là không phải, mà là cho 12 tháng, có năm là 13 tháng. Xong lại còn được lộc mang về, một quả chuối, một cái oản…”.
Người đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn vẫn diễn ra nhưng chỉ còn rất ít
Bà cũng phân trần về thông tin thiếu tiền bị từ chối làm lễ: “Nếu là các bà già thì chúng tôi sẽ bù, nếu không, cứ ai thiếu thì các cô lấy ở đâu ra mà bù? Về nguyên tắc không được, rồi bảo các bà bịa ra để bỏ túi à? Còn đã là kinh tế là phải sòng phẳng. Các cô phải làm đúng. 150 nghìn, nhiều người còn bảo rẻ quá đưa thêm nhưng chúng tôi cũng không nhận mà cho vào công đức”.
Nói đến đây, bất ngờ một phụ nữ lớn tuổi đang ở bàn ghi công đức ngoài sân, chạy vào phân trần với chúng tôi. Bà có vẻ bức xúc về bài báo ghi hình hôm 11 Tết về việc nhà chùa từ chối làm lễ vì thiếu 50 nghìn đồng nhưng nay mới có dịp được phản hồi. “Ở đây có một âm mưu. Không ai rút hết tiền ra để rồi thiếu 50 nghìn cả. Đó là tự dựng để quay. Cô biết có những người giàu có, họ đưa 20 triệu một khóa giải sao tại nhà. Sở dĩ vấn đề này “nóng” là vì có sự cạnh tranh. Chùa không làm sai, giải sao là thầy bố thí pháp. Một cái sớ, một quả chuối, một cái oản mà 12 tháng, thầy lỗ chổng vó. Nhưng vì thầy đi tu nên thầy bố thí pháp. Cho nên những người nói láo sẽ âm dương, nhân quả đến. Người “dựng vở” ở đây sẽ chết, chết rất nhiều rồi”.
Nghe đến đây, người phụ nữ trong ban chi khách vội ngắt lời: “Không được quở người ta thế”.
Khi được hỏi về việc, sau khi bị lên hình, trụ trì chùa có đưa ra chấn chỉnh nào không trong việc làm lễ dâng sao giải hạn? Người phụ nữ này nói: “Chả chỉ đạo gì, có gặp thầy đâu! Mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Khi người ta tin thì bảo không đến họ vẫn đến”.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết, việc dâng sao giải hạn cũng chỉ tấp nập đến sau rằm Tháng Giêng là hết. Sau đó chỉ lác đác người đến thôi. “Bận rộn nhất là sau rằm tháng 11, chúng tôi trả lời đau hết cả mồm vì toàn người hỏi và đăng ký”.
Khi chúng tôi hỏi, thay vì đưa ra số tiền cụ thể, sao không để Phật tử phát tâm? Bà nói: “Không được vì như thế là không đủ. Cháu tính, 150 nghìn thì lấy gì để sắm lễ, làm giá sớ. Rồi sinh viên trường Khoa học Xã hội&Nhân văn đến giúp nhà chùa viết sớ, cũng phải làm cơm phát tâm chứ? Còn thu tiền thì thầy cũng dùng để xây chùa, xây rất nhiều nơi và thiếu rất nhiều chứ không phải chỉ trông chờ vào chuyện sao giăng này đâu. Như ở Yên Tử, Bắc Cạn các kiểu, rồi Viện Phật giáo đang xây, vẫn đang thiếu rất nhiều tiền”.
Vừa lúc này, có sư thầy tới, người phụ nữ này nhanh nhảu giới thiệu là đang tiếp nhà báo hỏi về dâng sao giải hạn. Sư thầy còn rất trẻ, nhanh chóng vào phòng rồi đóng cửa lại. Chúng tôi hỏi pháp danh của thầy thì được cho biết là Minh Đức.
Khi chúng tôi gõ cửa xin phỏng vấn sư thầy Minh Đức về dâng sao giải hạn, sư thầy nói: “Cái này thì tôi không phải là người trả lời”. Chúng tôi xin được giới thiệu người tiếp thì sư thầy nói: “Cụ đang đi vắng, ở Yên Tử”. Sau đó, thầy gọi tên người có hẹn từ trước đang chờ gặp. Được biết là nhờ thầy làm lễ cầu siêu.