Thực trạng này vừa được Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VNASTAS) đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” vừa được tổ chức tại Đắk Lắk.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VNASTAS, thống kê trong 10 năm qua lực lượng QLTT đã xử lý trên 102.000 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ; Hải quan xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả, vi phạm SHTT; cảnh sát kinh tế xử lý hình sự hơn 460 vụ, khởi tố 550 đối tượng.
Ông Hùng cũng chỉ ra 6 vấn đề va chạm đến quyền lợi người tiêu dùng như: bớt xén trong đo lường; vấn đề an toàn VSTP không đảm bảo dẫn đến hàng nghìn vụ ngộ độc thực phẩm, hàng trăm người tử vong; tệ nạn hàng giả; tính mạng người tiêu dùng đang bị thách thức bởi những rủi ro trong sử dụng hàng hóa, dịch vụ (cháy nổ xe máy); các lĩnh vực dịch vụ còn nhiều bất cập, trong đó dịch vụ ngân hàng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không bảo đảm quyền lợi cho người gửi trước lạm phát; người tiêu dùng chưa được thông tin đầy đủ về hàng hóa, sản phẩm.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, mặc dù hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ nhưng công tác quản lý bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn nhiều bất cập. Người tiêu dùng mua sản phẩm thường chưa mấy quan tâm việc lấy hóa đơn chứng từ, khi mua phải hàng kém chất lượng thì không đủ cơ sở để khiếu kiện.
Theo ông Nam, công việc của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ công thương thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Tổ chức mạnh các lớp tập huấn cho các địa phương, các đối tượng.