Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu - Ảnh 1.

Người tiêu dùng hạn chế mua sắm, chỉ mua những mặt hàng thực sự thiết yếu. Ảnh: Quang Vinh.

Áp lực chi tiêu

Chị Thanh Hà (khu đô thị Văn Khê, Hà Nội) cho biết, gia đình có 4 thành viên, 2 bố mẹ và 2 con nhỏ nên chi phí sinh hoạt tập trung vào lương thực, thực phẩm, sữa... Theo chia sẻ của chị Hà, những mặt hàng này hiện nay đều tăng giá, nên để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày, gia đình chị thường chọn mua các sản phẩm có khuyến mãi, đặc biệt là sữa.

Nhiều người tiêu dùng cũng cho biết, trước bối cảnh giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng, họ phải tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu vào những mặt hàng không thiết yếu, chỉ mua sắm đồ thực sự cần thiết. Mỗi lần cầm tiền đi chợ cảm thấy áp lực phải cân đong đo đếm sao cho đủ dùng cả tháng.

Khảo sát thực tế cho thấy, giá nhiều loại mặt hàng có xu hướng tăng. Đơn cử như nước giặt Surf loại 3,5 lít đã tăng từ 110.000 đồng lên 120.000 đồng. Nước mắm nam ngư cốt cá cơm chai nhựa 500ml cũng tăng từ 42.000 đồng lên 45.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Dung (chủ một ki ốt tạp hoá ở chợ Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, giá tăng do chính sách của nhà sản xuất. “Nhà sản xuất báo tăng thì chúng tôi nhập hàng về, bán ra giá cũng phải tăng. Bản thân người bán hàng cũng không thích giá tăng bởi tăng giá thì sức mua sẽ giảm, hàng tồn lại gia tăng”.

Sau khi giá điện tăng hồi tháng đầu tháng 5 vừa qua, nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt. “Hai hôm nữa mới đến kỳ thanh toán tiền điện tháng 5, chắc chắn toát mồ hôi lần nữa. Giá điện tăng đúng vào mùa nắng nóng, nhà nhà dùng điều hòa, máy làm mát nên lo ngay ngáy về hóa đơn tiền điện” – anh Hoàng Trần Long ( Minh Khai – Hà Nội) nói.

Không những điện tăng giá, trong kỳ điều chỉnh gần đây giá xăng cũng đã bắt đầu nhích nhẹ. Giá điện, giá xăng, giá hàng hoá cùng nhích tăng khiến cho những người nội trợ cảm nhận rõ nét áp lực chi tiêu.

Doanh nghiệp chịu khó khăn kép

Tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống. Trong bối cảnh này, rất cần nhà quản lý có sự điều tiết giá cả hợp lý, linh hoạt các mặt hàng để người dân bớt khó khăn.

Anh Trần Anh Tuấn, chủ cửa hàng sửa xe máy và kinh doanh các thiết bị xe máy Mix – up ở phố Cao Bá Quát – Hà Nội cho hay, hơn 3 ngày nay tôi đến cửa hàng mà không có khách, khách thưa hẳn so với trước, điều đó cho thấy người dân đang thắt chặt chi tiêu, hạn chế những khoản không cần thiết.

Là một đầu mối bán buôn hoa quả nhập khẩu online, anh Hoàng Anh (Đồng Tiến, Long Biên, Hà Nội) cũng than thở: “Hàng rất ế, đăng bán hàng lên mạng xã hội nhưng lượng tương tác ít, khách mua giảm rất nhiều”. Theo anh Hoàng Anh, sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến thu nhập của người lao động giảm sút. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm đã tăng trong những tháng qua, khiến chi tiêu của nhiều người dân càng eo hẹp.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh đánh giá, hiện tại người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà cũng tiết kiệm trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày. Điều này đã tác động làm suy giảm sức mua trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đối mặt với tác động kép, đầu vào cho sản xuất như nguyên vật liệu, chi phí... tăng theo cơ chế thị trường nhưng sức mua thấp nên việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ cũng không phải là bài toán đơn giản. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không có đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động.

Chị Nguyễn Thu Hường - công nhân một công ty may tại Hà Nội cho biết: Nhiều tháng nay, công nhân chúng tôi chỉ làm đến 17h là được về, nghỉ 2 ngày cuối tuần. Trước đó, đơn hàng nhiều, tuần chỉ được nghỉ 1 ngày, buổi tối có thể tăng ca. Hiện tại nhiều người cũng đã nghỉ công ty, về tự kinh doanh hoặc tìm công việc khác. Theo chị Hường, vì công việc giảm sút nên thu nhập của chị giảm. Từ mức lương trung bình gần 9 triệu đồng/tháng, chị Hường hiện chỉ còn lĩnh hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, mà nhu cầu mua sắm của gia đình chị Hường phải tiết giảm hẳn, chi tiêu phải thắt chặt.

Một số liệu thống kê cũng cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 dù có tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 4,8%. Cũng theo cơ quan thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, số vốn đăng ký thành lập mới cho doanh nghiệp thấp hơn giai đoạn trước dịch. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao.