Theo Tạp chí Nhà từ thiện Trung Quốc, vào tối ngày 8/7, trận mưa rất lớn xảy ra tại thị trấn Du Đôn Nhai (Giang Tây, Trung Quốc) dẫn đến vỡ đê sông Tây Hà, gây lũ lụt, buộc hàng chục ngàn người phải sơ tán. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm người quyết cố thủ tại chỗ. Họ sống trong những ngôi nhà bị lũ lụt bao vậy, chấp nhận cuộc sống không điện không nước.

Được biết, mực nước sông Tây Hà dâng mạnh do mưa lớn từ 8:00 ngày 7/7 đến 8:00 ngày 8/7, tràn qua đê, phá hủy nhiều tuyến đường, ruộng vườn, nhà cửa của người dân địa phương, nhấn chìm nhiều ngôi làng trong vùng nước mênh mông đục ngầu.

Tháo chạy

Do địa hình cao, thôn Ngô Gia trở thành nơi ở tạm thời cho các người dân gần đó. Trong khi đó, những ngôi nhà ở thôn Trường Phong và Đồng Hưng cùng thị trấn đều bị ngâm trong nước lũ.

Trong mùa lũ, người dân Du Đôn Nhai sử dụng những chiếc thuyền cao su màu xanh làm công cụ di chuyển duy nhất. Họ đã mua thuyền với giá từ 1.000 NDT đến 3.000 NDT, để có thể thường xuyên trở về nhà kiểm tra tình hình hoặc đi tới khu vực địa hình cao để tránh nạn. Cũng có những người cao tuổi không muốn tiêu tiền. Họ sử dụng gỗ và ghép thành một chiếc bè đơn giản, rồi dùng một cây sào dài làm mái chèo để di chuyển.

  - Ảnh 1.

Người dân di chuyển bằng bè tự chế

Bà Diêu Ngân Bình cũng muốn quay trở lại để kiểm tra ngôi nhà của mình nhưng tuổi đã lớn, cũng không nỡ bỏ tiền ra mua thuyền. Hầu hết thời gian, bà đứng trên bờ, xa xăm nhìn về ngôi nhà đã đã bị ngập nước của mình, theo dõi sự thay đổi của mực nước.

Sống ở thôn Trường Phong đã 79 năm, bà Diêu chưa từng trải qua cảm giác sợ hãi như lần này. Ngay cả trong trận lụt năm 1998, phải mất 2-3 ngày, nước lũ mới thực sự dâng cao và dân làng cũng có đủ thời gian để sơ tán. Nhưng lần này thì khác, chỉ mất chưa đầy vài giờ, nước đã từ đầu gối dâng đến cổ.

Bà Diêu muốn chuyển tất cả những thứ có giá trị từ tầng một lên tầng hai, nhưng sức khỏe yếu nên bà chỉ có thể chuyển được nồi cơm điện, còn những đồ vật lớn như tủ lạnh, máy giặt vẫn bị ngâm trong nước ở tầng một. Thấy nước dâng đến đầu gối, bà vơ vội bộ quần áo trên giá, cầm cây gậy rồi tháo chạy.

Đê bị vỡ, nước sông tràn vào như thác đổ, chỉ mất chưa đầy 5 giây, ngôi nhà của hàng xóm bà Diêu đã bị nước lũ đánh sập, nghiêng một góc 45 độ.

"Tôi đã đi bộ hơn nửa giờ, chân không bước nổi về phía trước, gậy cũng không chạm đáy", bà cho biết, mực nước dâng rất nhanh từ đầu gối lên đến ngực.

"Tôi sợ lắm chứ", bà nói bà sợ nếu không tháo chạy thì sẽ bị kẹt một mình trên tầng hai và không được ai phát hiện. Bởi vài năm trước, sau khi người chồng mất, bà tự cáng đáng mọi công việc gia đình, con cái đi làm xa đến tết mới trở về. "Điều quan trọng là phải giữ được tính mạng", bà nói.

  - Ảnh 2.

Bà Diêu Ngân Bình: "Điều quan trọng là phải giữ được tính mạng"

Giữ nhà

Với những người ở lại giữ nhà, nhiệm vụ khó khăn hơn tưởng tượng rất nhiều.

Trương Kim Dương, 26 tuổi, kẹt trên tầng hai đã hơn một tuần nhưng anh vẫn quyết không rời đi sơ tán. "Tôi không thể không ở lại được", anh nói.

Ngôi nhà anh đang ở là hai ngôi nhà ba tầng nhỏ được gia đình xây dựng sau trận lụt năm 1998.

Vào tháng 3 năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, Trương Kim Dương đã nắm bắt cơ hội, đi vay 1,07 triệu NDT, cộng với tiền tiết kiệm của gia đình anh trong hơn mười năm, để mở rộng quầy hàng thành một siêu thị với diện tích không nhỏ.

Vào ngày 24/6, siêu thị lớn nhất trong vòng 3 km cuối cùng đã được khai trương và dân làng đã rất vui mừng khi có thể thuận tiện mua sắm ở đây. Chỉ trong hai ngày sau khi mở cửa, doanh thu của siêu thị đạt trung bình 10.000 NDT/ngày. Thậm chí, nửa tháng trước khi lũ lụt xuất hiện, siêu thị của anh Trương đã đạt doanh thu hơn 200.000 NDT.

Không tính vốn, cửa hàng có thể kiếm được gần 2.000 NDT/ngày, nhiều hơn công việc trước đây hai vợ chồng anh làm trong một nhà máy may ở Thượng Hải. Trương tính toán rằng, nếu mọi thứ suôn sẻ, anh sẽ có thể sớm trả hết các khoản nợ và bắt đầu thu lợi nhuận.

Nhưng chỉ nửa tháng sau, nước lũ tấn công. Toàn bộ siêu thị bị ngập nước, và hơn 5.000 loại hàng hóa bị ngâm trong nước.

Trong ấn tượng của Trương Kim Dương, anh mơ hồ điều tồi tệ có thể sẽ đến khi vào sáng 8/7, cha anh - là cán bộ thôn, được bố trí đi vác bao cát để bảo vệ bờ kè sông Tây Hà. Tuy nhiên, sau đó, đê vẫn vỡ.

Tin tức về "một trận lụt lớn" lan truyền trong thôn. Người dân địa phương kể lại rằng vào khoảng 15h30' ngày 8/7, một con đê dài 45m ở thôn Trường Phong bị vỡ khiến 40 nhà dân xung quanh bị ngập.

Trương Kim Dương nhanh chóng cùng người thân đưa hàng hóa lên tầng hai.

"Nước lũ đến quá nhanh, chưa bao lâu đã dâng 4m", Trương nói. Lần chuyển đồ đầu tiên, nước mới đến bắp chân, chỉ trong 3 phút đưa đồ lên tầng trên, nước đã ngập đế ngực. Hàng chục người cũng chỉ chuyển được hai chuyến. Đêm đó, gia đình cả đêm canh giữ ngôi nhà bề bộn hàng hóa. Họ thậm chí chỉ ngủ trong chốc lát rồi lại tỉnh dậy kiểm tra mực nước.

  - Ảnh 3.

"Như trở về những năm 90"

Những người già trong làng đều đã trải qua trận lụt năm 1998. Họ dự đoán rằng thời gian nước rút có thể tương đương với thời điểm đó, "ít nhất là ba tháng". Một số người đã chọn đến các điểm tập trung an toàn và ban ngày, sẽ chèo thuyền về nhà kiểm tra mực nước.

Theo Trương Vĩ, cha của Trương Kim Dương, trong hai ngày đầu tiên khi cả gia đình chen chúc trên tầng hai, thiếu nước là khó khăn lớn nhất. Không có nước lọc để uống, không có nước sạch để sử dụng. Lũ trẻ ban ngày nô đùa, ra mồ hôi cũng không có nước để tắm.

Vào ngày 11/7, đội cứu hộ đã đưa gia đình Trương Vĩ đến nơi tập trung, rồi sau đó, vợ, con dâu và các cháu nội ông được đưa đến nhà người quen ở tạm.

Ông và con trai Trương Kim Dương quay về, bảo vệ hàng hóa. Các máy tính tiền đắt tiền và cân điện tử đều được đặt trong gian phòng trong cùng. Những thiết bị này có giá trị lên tới 60.000 NDT. Những vụ trộm thường xuyên xảy ra gần đây đã khiến dân làng lo lắng. "Nhiều cục nóng điều hòa của các gia đình đã bị đánh cắp", ông nói.

Trương Vĩ cho biết, do sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng nên số hàng hóa không kịp di chuyển, còn ngập trong nước bắt đầu bốc mùi. Mùi hôi xông thẳng từ tầng một lên tầng hai.

"Có thể chỉ gỡ gạc được hơn 300.000 NDT, tổn thất hơn 180.000 NDT", Trương Kim Dương thở dài. Trương Vĩ chỉ có thể an ủi con trai rằng: "Người còn thì đều có thể làm lại từ đầu được". Trương Kim Dương thảo luận với cha mình và dự định tiếp tục mở siêu thị bởi "ngã ở đâu thì đứng lên ở đó".

Tuy nhiên, Trương Vĩ cũng cảm thấy bối rối: "Cảm giác như cuộc sống lại trở lại những năm 90".