“Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), tăng huyết áp (THA) đã trẻ hóa rất nhiều nhưng nhiều bệnh nhân tuổi trẻ, trung niên không chấp nhận và thừa nhận mình bị bệnh”, TS. BS Nguyễn Trung Anh, GĐ BV Lão khoa Trung ương nói.
Hai 'kẻ giết người thầm lặng'
TS. BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương cho biết, THA, ĐTĐ là bệnh mãn tính không lây truyền ngày càng nhiều người mắc hơn trong cộng đồng nói chung và trong nhóm bệnh nhân cao tuổi nói riêng.
Theo ước tính của liên đoàn ĐTĐ thế giới, năm 2017, VN có trên 3,7 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, con số này tương đương với 6% dân số trưởng thành. Nhưng theo TS. BS Trung Anh, với người cao tuổi tỷ lệ đó cao hơn lên tới trên 10%. Trong khi đó, bệnh nhân THA có khoảng trên 25% người trưởng thành mắc.
“THA, ĐTĐ sau một thời gian diễn tiến thầm lặng. Người ta gọi hai bệnh này là “kẻ giết người thầm lặng” bởi vì ngay từ ban đầu có thể không xảy ra biến chứng nếu chúng ta không theo sát chăm sóc, quản lý và điều trị tích cực”, TS. BS Trung Anh nhấn mạnh.
Do đó,TS. BS Trung Anh, ngay ngày đầu tiên bệnh nhân phát hiện mắc THA, ĐTĐ cần được trang bị những kiến thức cần thiết để họ có thể phối hợp với đội ngũ y tế và tự mình theo dõi sức khỏe tình trạng THA, ĐTĐ của mình để phối hợp có hướng điều trị tốt nhất.
Bởi THA, ĐTĐ diễn tiến trong vòng nhiều năm, thầm lặng nhưng hậu quả nặng nề có thể gây tàn phế hoặc tử vong cho bệnh nhân. Với THA biến chứng ở nhiều cơ quan như tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim) trong khi ĐTĐ lại gây tổn thương nhỏ ở mạch máu, mắt, thận, dẫn tới suy thận ở nhiều mức độ, tổn thương mắt dẫn tới mù loà đặc biệt các biến chứng về thần kinh dẫn tới tổn thương ở bàn chân gây loét hoại tử nhiễm trùng, thậm chí cắt cụt chi…
Tuy nhiên qua thực tế tại bệnh viện, TS. BS Trung Anh nhận thấy người dân vẫn còn nhiều sai lầm trong điều trị THA, ĐTĐ.
Người bệnh vẫn chủ quan
Theo đó, người bệnh còn có tâm lý chủ quan khi mới phát hiện bệnh. Vì ở giai đoạn đầu họ không cảm nhận rõ sự thay đổi đặc biệt đối với cơ thể và sức khỏe.
“Đặc biệt thời gian gần đây ĐTĐ, THA đã trẻ hóa rất nhiều thế nhưng nhiều bệnh nhân tuổi trẻ, trung niên không chấp nhận và thừa nhận mình bị bệnh. Vì thế họ không có ý thức phòng chống bệnh ngay từ ngày đầu tiên biết mình mắc.
Hơn nữa, THA, ĐTĐ là căn bệnh mãn tính đòi hỏi nhiều biện pháp và điều trị lâu dài cho nên sự kiên trì đeo bám để được điều trị ở bệnh nhân và người nhà người bệnh đôi khi không được như mong muốn. Chính vì thế dẫn đến tình trạng ban đầu điều trị tốt, về sau lại chểnh mảng hoặc bệnh nhân bỏ điều trị, uống thuốc không đủ liều lượng hoặc không kiểm tra không kỹ lưỡng. Điều này khiến cho các biến chứng vẫn xuất hiện”, TS. BS Trung Anh nhấn mạnh.
Theo Giám đốc BV Lão khoa Trung ương, thuốc không phải là biện pháp duy nhất điều trị THA, ĐTĐ. Để đạt hiệu quả cao nhất cần phối hợp nhiều biện pháp.
Bởi theo TS. BS Trung Anh, cơ thể khỏe mạnh là thoải mái cả về thể chất, tinh thần, do đó nhiều năm nay, BV này chủ động triển khai điều trị thêm nhiều hướng, đa mô thức...Song song với việc dùng thuốc, bệnh viện duy trì nhiều CLB như: yoga, dưỡng sinh…cho bệnh nhân.
Chia sẻ thêm, BSNT. Nguyễn Ngọc Tâm, Khoa Nội tiết – Cơ xương khớp, BV Lão khoa TW cho biết, bệnh nhân đái tháo đường nên lựa chọn một số phương pháp tập luyện. Đầu tiên phải kể đến là đi bộ, bài tập này cực kỳ đơn giản và tiện lợi, gần như bệnh nhân có thể tập ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào.
Thái Cực quyền, bài tập này bao gồm những chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng giúp bệnh nhân thư giãn đầu óc và cơ thể tốt hơn. Ngoài ra, tập Yoga, nhảy múa, khiêu vũ, bơi lội cũng là phương pháp tốt đối với bệnh nhân ĐTĐ.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lưu ý người bệnh nên tham khảo bác sĩ căn cứ vào tình hình bệnh tật, giai đoạn mắc bệnh để có phương án điều trị, tập luyện, ăn uống phù hợp.