"Tôi thấy hơi mệt mỏi, 26 tuổi đã gánh trên vai món nợ hàng tỷ đồng, 1 tháng hơn 30 triệu cứ thế không cánh mà bay", một thanh niên mua nhà tại Bắc Kinh, Trung Quốc nói với trang Chinanews.
Những người trẻ ở các thành phố hạng nhất "sở hữu" món nợ nhà cửa lên tới hàng tỷ đồng, đó là phiền não ngọt ngào hay là áp lực bị thúc ép?
"Tiền mua nhà cộng với tiền thuê nhà, vài tháng tới, có thể sống đủ ăn thôi đã là may mắn lắm rồi"
Dương, năm nay 26 tuổi, anh làm việc tại Bắc Kinh đã được vài năm, năm nay anh kết hôn. Vì muốn mua nhà ở Bắc Kinh để cả hai vợ chồng yên tâm lập nghiệp, anh đã vay ngân hàng để mua nhà, mỗi tháng cần trả hơn 30 triệu, nó chiếm khoảng 60% mức lương mà anh đang sở hữu. "Tôi và vợ cùng nhau trả nợ, nếu không ngân hàng đã không cho vay nhiều tới như vậy, dẫu sao thì lương của một người cũng chẳng thấm tháp vào đâu, của cả hai người thậm chí cũng chưa thấm vào đâu."
Dương nói với tờ Chinanews rằng bố mẹ cũng giúp đỡ hai vợ chồng rất nhiều, bao nhiêu tiền tiết kiệm đều đưa hết cho anh mua nhà. Nhưng dù có cả sự giúp đỡ của bố mẹ, kinh tế của hai vợ chồng cũng vẫn khá eo hẹp. "Ai rủ tôi đi ăn đi chơi ở đâu tôi cũng nói là không có tiền, tôi thực sự chưa bao giờ phải trải qua những tháng ngày như vậy…"
"Đáng sợ hơn là nhà mua rồi nhưng vẫn chưa sửa sang xong, giờ hai đứa vẫn đang ở thuê. Tiền mua nhà cộng với tiền thuê nhà, vài tháng tới, có thể sống đủ ăn thôi đã là may mắn lắm rồi", Dương nói, nếu tính cả tiền thuê nhà, 60% lương là chưa đủ, ít cũng phải 80%, tình trạng này chắc phải kéo dài khoảng nửa năm.
Cũng cảm thấy áp lực như Dương là Triết (tên nhân vật đã được thay đổi) đến từ Thượng Hải. Thanh niên 31 tuổi này đã mua một ngôi nhà nằm ở vùng ngoại ô của Thượng Hải vào tháng 6 năm 2018, "Tiền hàng tháng phải trả là gần 70 triệu", anh nói.
Triết nói rằng anh có một khoản thu nhập khá, khi chưa mua nhà, anh tiêu dùng rất thoải mái. "Tôi hiếm khi nhìn vào giá cả khi mua quần áo. Quần áo về cơ bản đều từ 10 triệu đổ lên, giày dép cũng vậy."
Hiện tại, Triết phải thắt chặt chi tiêu của mình, các đợt giảm giá trở thành thời điểm quen thuộc để mua sắm, quần áo mặc đến khi sờn rồi mới dám vứt đi, giày da cũng chỉ dám đi loại bình thường. "Việc ăn uống cũng đã thay đổi từ việc ăn ở ngoài hàng ngày hay gọi đồ ăn mang về thành tự nấu", anh nói.
Bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng để tính toán chi tiêu hàng tháng, xem có thể tiết kiệm tiền ở khoản nào, so sánh giá cả các loại đồ dùng, thực phẩm trong siêu thị - những điều này dần trở thành thói quen mới của Triết. "Vì sau này còn có con cái nên tôi cũng đang nghĩ tới việc đổi sang một căn nhà khác ở gần trường học hơn, chi tiêu cho con cái sau này chắc chắn không phải chuyện nhỏ, tôi cảm giác mình phải nỗ lực làm việc hơn nữa, không tăng lương quả thực không thể trụ được", Triết tâm sự.
Ở thành phố hay ở quê, tất cả đều cùng có chung một nỗi lo có tên "nhà cửa"
Rất nhiều người cho rằng những bạn trẻ ở thành phố thì sẽ chẳng phải lo lắng chuyện nhà cửa. Người Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Họ cho rằng tất cả những người trẻ ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu hay Thâm Quyến, sinh ra đã ở vạch đích, bởi ít nhất, họ hơn những người xuất thân nông thôn ôm khát khao lên thành phố lập nghiệp ở khoản không phải lo lắng tiền nhà, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Lâm năm nay vừa tròn 30 tuổi, tất cả đồng nghiệp ở công ty đều cho rằng anh ấy không cần phải lo lắng chuyện nhà cửa, tài chính rất dư dả, nhưng, "Mọi người ai cũng đều nghĩ như vậy cả, nhưng không phải ai ở Bắc Kinh cũng đều giàu có, người ngoài còn có thể lựa chọn về quê làm việc, còn tôi thì nào có cơ hội lựa chọn, có đắt đỏ đến mấy cũng vẫn phải trụ thôi", Lâm nói.
Căn nhà ở cùng ba mẹ vốn khá nhỏ bé, vì nghĩ tới gia đình sau này, Lâm nghĩ rằng mình phải mua một căn nhà riêng. Do tình hình tài chính không tốt, cha mẹ không thể giúp Lâm gom tiền mua nhà, vì vậy anh đã chọn mua một căn nhà ở khu vực ngoại ô thành phố Bắc Kinh. "Hóa ra đó là một quyết định sai lầm, mua nhà ở đây, bản thân vừa không muốn sống, cho thuê cũng khó. Thật vô dụng!", Lâm nói rằng trong khoảng thời gian dịch bệnh hoành hành, giá nhà các nơi đều giảm, anh cũng có ý định bán căn nhà đó đi, nhưng đăng trên mạng lâu như vậy rồi cũng chẳng có ai dòm ngó…
Không ít những người trẻ, dù là sinh ra và lớn lên ở đâu cũng đang gánh vác rất nhiều trách nhiệm trên vai, trong đó, chuyện nhà cửa dường như là một câu hỏi lớn nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần phải đi tìm đáp án cho bằng được. Một số người bị choáng ngợp, nhưng cũng vẫn có những người lấy đó làm động lực để phấn đấu, có rất nhiều phiên bản. Còn bạn, bạn có phải là thành viên của hội "nỗ lực mua nhà" hay không, nếu có thì bạn đang sống ở phiên bản nào của cuộc sống?
Theo Chinanews