Đối với nhiều người, khi bắt đầu vào một môi trường làm việc nào đó, họ luôn quan tâm đến các chế độ đãi ngộ, phúc lợi trong đó có việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Bởi lẽ, BHXH là sự đảm bảo về tài chính cho người lao động khi đau ốm, bệnh tật, thai sản hoặc khi về già.
Tuy nhiên ngược lại, nhiều người sau khi tham gia BHXH một thời gian, lại quyết định rút hết một lần để kinh doanh, đầu tư,... Đáng chú ý, ngày càng có nhiều người trẻ đi rút BHXH một lần. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2016 - 2021, số lao động rút BHXH một lần liên tiếp tăng cao. Đặc biệt sau 2 năm dịch bệnh, công việc, cuộc sống ảnh hưởng, buộc những người trẻ đã tìm cho mình hướng đi mới.
Người trẻ rút hết BHXH một lần, dùng tiền đó để làm gì?
Nguyễn Đạt (28 tuổi) hiện đang làm thợ cắt tóc tại Hà Nội cho biết, anh quyết định rút BHXH sau 2 năm: “Khi tham gia BHXH, mình được công ty hỗ trợ đóng với mức thấp nhất. Mình có tìm hiểu và biết nếu tham gia đều đặn sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên trong 2 năm dịch bệnh, mình không thể đi làm nên thời điểm đó, mình quyết định rút hết BHXH để chi tiêu cá nhân. Đối với mình, đó việc cấp thiết nhất, cần phải làm luôn lúc đó nên mình cũng không nghĩ gì nhiều”.
Cũng có quyết định tương tự, Kiều Ngân (31 tuổi) chia sẻ: “Mình không có ý định làm các công việc đóng BHXH nữa. Thực sự đợi tới tuổi hưu thì cá nhân mình thấy quá lâu và mình cần số tiền này cho một số dự định cá nhân. Với số tiền này mình dùng 2/3 để đầu tư phát triển cửa hàng đồ linen và phần còn lại bỏ tiết kiệm, phòng các trường hợp cần dùng gấp cho gia đình nhỏ”.
Không đóng BHXH, đồng nghĩa rằng khi về già, nếu không tích cóp cho bản thân, họ sẽ không có một khoản dự phòng khi ốm đau, ngã bệnh. Thế nhưng với người trẻ ngày nay, họ dường như không còn quan tâm quá nhiều đến tương lai xa ấy. Họ lựa chọn lối sống đủ cho hiện tại và cũng vẫn tự tin tiết kiệm tài chính cho những chuyện bất ngờ.
Như Xuân Định (27 tuổi), bỏ phố, bỏ công việc để ra đảo sinh sống, anh vẫn tin vào khả năng xoay sở tiền bạc của mình: “Mình bỏ hết tất cả, rút BHXH bởi mình không muốn sống cuộc sống làm lụng vất vả chỉ đổi lấy một cái bệ an toàn vào cái tuổi mình chẳng còn khả năng hưởng thụ. Thay vì thế mình vừa cố gắng kiếm tiền một cách thông minh hơn và kết hợp rèn luyện sức khỏe, ăn uống lành mạnh để giảm bệnh tật”.
Xuân Định còn cho biết thêm, anh sử dụng số tiền BHXH đó để đầu tư trang thiết bị, bắt đầu một cuộc sống mới. Và cho đến hiện tại, anh không hề hối hận với quyết định này.
“Mình đã tìm hiểu kỹ luật BHXH và khi đối chiếu với dự định tương lai mình sẽ không làm những công việc đóng BHXH trong vòng ít nhất 5 năm tới nên mình không ngần ngại rút ra. Việc lỗ thì chắc chắn là không vì quyền lợi khi nghỉ hưu không đảm bảo trong nhiều tình huống như lạm phát chẳng hạn.
Số tiền mình nhận từ việc rút BHXH gấp khoảng 1,5 lần so với số tiền mình đóng. Chưa kể, mình rút thêm 3 tháng thất nghiệp nữa nên con số đó vừa đủ để mình thực hiện các kế hoạch trong tương lai”, Xuân Định thẳng thắn chia sẻ.
"Không nghĩ quá nhiều về chuyện hưu trí hoặc ốm đau khi về già"
Nhiều người không lựa chọn đi theo mô-típ truyền thống như: 25 tuổi phải làm việc trong công ty top đầu, 35 tuổi có nhà lầu, xe hơi, 50 tuổi lên sếp, ngoài 65 tận hưởng cuộc sống hưu trí. Họ cho rằng giờ mới 30 tuổi mà ngồi đợi đến 35 năm nữa để sống như cách mình muốn thì... quá lâu. Thay vì vậy, họ cầm số tiền đáng lẽ là của nhiều năm nữa để sống cho hiện tại. Còn sức khoẻ là còn có thể kiếm ra tiền!
“Mình không suy nghĩ quá nhiều cho việc về hưu hoặc ốm đau khi về già. Quan điểm của mình còn sức khoẻ còn làm việc được thì cứ hết mình và biết chi tiêu, tiết kiệm hợp lý vẫn lo được cho cuộc sống sau này. Với từ đây cho tới tuổi về hưu là khá xa, chưa biết tương lai sẽ xảy ra những gì nên cứ nhận tiền BHXH để đầu tư, sống cuộc sống mình thấy thoải mái với những gì mình đang làm trước đã”, Kiều Ngân nói.
Còn đối với Nguyễn Đạt, anh cho hay: “Bản thân mình vẫn còn trẻ, muốn vừa trải nghiệm, vừa làm việc mà cũng vừa tận hưởng cuộc sống. Tất nhiên, mình vẫn sẽ tiết kiệm, cân đối chi tiêu đề phòng việc đột xuất. Còn nếu thời gian sau này, nếu mình thấy cần thiết, mình tiếp tục tham gia BHXH cũng chưa muộn”.
Khi được hỏi, tại sao người trẻ hiện đại không còn dành nhiều sự quan tâm đến lương hưu, Xuân Định không ngần ngại nói: “Mình nghĩ do công nghệ số phát triển, người trẻ bọn mình được tiếp nhận với nhiều văn hóa khác nhau. Hơn nữa, những khái niệm như YOLO (PV: You only live once - Bạn chỉ sống 1 lần trong đời) hay nghỉ hưu sớm dần xuất hiện, thu hút giới trẻ. Chế độ lương hưu cũng không thực sự hấp dẫn do tuổi hưu cao và mức chi trả thấp khi so với lạm phát. Ví dụ nghỉ hưu 60 tuổi nhận số tiền x thì tới 80 tuổi vẫn nhận số tiền đó tuy nhiên lạm phát đã vượt quá xa giá trị ban đầu”.
“Lương hưu hiện nay cũng không quá cao (chỉ cao với những người đóng BHXH ở mức cao và thời gian dài ), chế độ cũng không hấp dẫn để đủ thuyết phục cố gắng làm việc cho tới khi về hưu rồi nhận tiền mỗi tháng. Nói đơn giản là số tiền nhận BHXH 1 lần bây giờ so với 20-30 năm nữa nhận lương hưu mỗi tháng nó không còn giá trị như nhau”, Ngân bày tỏ quan điểm của mình.
Khi hỏi cả 3 về xu hướng nghỉ hưu sớm, Ngân - Định hay Đạt đều tỏ ra không mấy quan tâm đến xu hướng này. Việc họ rút hết tiền BHXH ra cũng không liên quan nhiều đến nghỉ hưu sớm. Đơn giản vì bây giờ đang cần tiền để thực hiện những mục đích cá nhân, họ không nghỉ hưu ở hiện tại và cũng không có ý định gì về chuyện chuẩn bị cho một tương lai làm việc ít phụ thuộc vào tiền bạc mà những người nghỉ hưu sớm hướng đến.
Ngân cho hay: “Khái niệm này hoàn toàn bình thường, nhiều bạn bè mình chia sẻ họ muốn cố gắng làm việc, tích luỹ và tiết kiệm để nghỉ công việc văn phòng hoặc nghỉ hưu sớm. Có thể là tiết kiệm đủ cho số tiền sau này hoặc có nguồn thu nhập duy trì mỗi tháng, cái này tuỳ vào tài chính của mỗi người. Còn riêng mình thì không nghĩ nhiều đến vấn đề hưu trí. Mình sống và làm việc hết sức cho cuộc sống hiện tại thôi chứ 30 năm tới xa vời quá”.
Còn Xuân Định cho rằng nhiều bạn trẻ “nghỉ hưu sớm” sau khi có nguồn thu nhập thụ động đủ chi trả cho cuộc sống và có khoản tiết kiệm cho tương lai. Tuy nhiên, theo cá nhân anh chàng, họ vẫn sẽ tạo ra giá trị cho xã hội theo nhiều hình thức khác nhau.
“Cá nhân mình rút BHXH không phải để nghỉ hưu sớm, mình cũng chưa lên kế hoạch cho việc này. Mình không nghỉ theo nghĩa là ngừng lao động hoàn toàn nhưng nếu xét theo khía cạnh dừng việc kiếm thêm tiền thì có”, Xuân Định nói.