Tại kho lưu trữ tài liệu học thuật trên thế giới (Google Scholar), từ khóa “Status overthinking of young” (tình trạng suy nghĩ quá mức của giới trẻ) đã hiển thị khoảng 14 nghìn kết quả, bài báo nghiên cứu trực tiếp và gián tiếp trên các khía cạnh khác nhau về vấn đề này đến từ các nhà xã hội học, tâm lý học. Điều này cho thấy, đây là một chủ đề thu hút sự bàn luận, nghiên cứu để góp phần giảm thiểu những hệ quả mà hội chứng overthinking đang “chiếm sóng” trong tâm trí của giới trẻ hiện đại.
“Đánh vật” quá khứ, tương lai trong tâm trí
Chia sẻ với PV Tiền Phong , bạn Phạm Trần Hiệp (23 tuổi, làm tự do (freelancer) tại Hà Nội), ví overthinking giống như một kiểu độc thoại nội tâm xuất hiện thường trực trong tâm trí anh.
Hiệp thường trải qua 2 hình thái suy nghĩ, bao gồm việc ôn lại quá khứ như: lẽ ra tôi không nên đưa ra nhận xét đó trong cuộc họp tuần trước, lẽ ra tôi không nên… (cái gì đó). Kiểu suy nghĩ này gắn liền với sự hối tiếc và cảm giác tội lỗi trong quá khứ.
Đôi khi, Hiệp lại lo lắng và liên tục đưa ra những dự đoán tiêu cực, thảm khốc về tương lai, như sẽ thất bại trong mọi tình huống công việc; lo lắng về việc mất đi những người thân yêu hoặc mất đi mọi thứ quan trọng trong cuộc sống; tập trung vào các tình huống tiêu cực và không mong muốn mà mình sẽ phải đối mặt trong tương lai; tự đánh giá thấp bản thân và tưởng tượng ra rằng sẽ thất bại hoặc không đủ tốt để đối phó với những thách thức tương lai.
“Mình đã overthinking khá lâu, trong nhiều năm nay. Đặc biệt, khi làm freelancer, mình buộc phải dự đoán cái được và mất nhiều hơn một công việc ổn định”, Hiệp nói.
Luôn hoài nghi bản thân, thiếu sự hài lòng
Ở trường học, trong ánh mắt của bạn bè, Thu Hương (22 tuổi, quê ở Hải Dương) là cô gái cầu toàn, ít khi hài lòng về một kết quả học tập và lúc nào cũng nhăn mặt. Hương tự đặt ra hàng loạt các câu hỏi trong đầu như: “Tôi đã làm đủ tốt chưa?”; “Liệu có thể làm tốt hơn không?”; “Người khác sẽ đánh giá tôi thế nào nếu có một sai lầm nho nhỏ?”... Hương đã tiêu tốn nhiều thời gian suy nghĩ về những khả năng tiêu cực và những tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong quá trình học tập của mình.
“Chính vì luôn hoài nghi bản thân nên mình thiếu sự tự tin trong giao tiếp xã hội . Mỗi khi gặp một chuyện nhỏ như trục trặc ở nơi thực tập, mình liền truy vấn bản thân và tự tưởng tượng ra nhiều lý do, hậu quả của nó. Mặc dù chỉ vài tuần sau, vấn đề đó được giải quyết một cách nhẹ nhàng, không như giả định trước đó mà mình suy nghĩ”, Hương thừa nhận.
Nữ sinh kể thêm, có lần, cô đã khiến bạn bè phát cáu chỉ vì than thở một vấn đề quá nhỏ trong vài lần liên tiếp. Đối với bạn bè Hương, đó là vấn đề rất dễ giải quyết, nhưng cô lại đưa ra mọi lý luận để nâng cao quan điểm và khiến nó trở nên nghiêm trọng.
“Cần kiểm tra lại những suy nghĩ của mình xem thực tế đến đâu, khả năng xảy ra lớn đến mức độ nào và nhìn nó theo cách khách quan hơn. Đặc biệt, hãy kiểm chứng các giả thiết trong quá trình suy nghĩ và tập trung vào những điểm tích cực”.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai
Và đôi khi, Hương không có đủ thông tin hoặc kiến thức để đưa ra quyết định giải quyết một vấn đề nên bắt đầu overthinking.
Hãy dừng lại việc suy nghĩ quá nhiều
Chia sẻ về chủ đề này, Thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai khẳng định, hội chứng overthinking là một phản ứng tự nhiên của mỗi con người khi đối diện với một tình huống khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, hội chứng này lại càng phổ biến hơn ở giới trẻ hiện đại bởi cuộc sống càng trở nên thiếu chắc chắn hơn trước, đơn cử như công việc.
Theo chị Mai, bằng cấp không còn là yếu tố đảm bảo để các bạn có công việc nuôi sống bản thân, làm bao lâu để mua được nhà. Hay sự phát triển mạnh của công nghệ có thể dẫn đến nguy cơ thất nghiệp cho một số ngành nghề khác.
“Đặc biệt, tiêu chuẩn về mọi thứ của giới trẻ đều cao hơn. Nhất là khi dành nhiều thời gian cho mạng xã hội , họ có thể quan sát về cuộc đời tốt đẹp của người khác để áp đặt, nâng cao kỳ vọng của bản thân”, chị Mai nói.
Theo chuyên gia tâm lý, overthinking như một cơ chế giúp con người đối diện với khó khăn hiện tại. Đôi khi họ phải hình dung về tình huống sẽ xảy ra để có giải pháp. Nhưng nếu xảy ra quá thường xuyên, overthinking sẽ gây cản trở các hoạt động khác như không ngủ được, không dám hành động, bế tắc, tuyệt vọng, tư duy chạy vòng tròn, không tìm được lối thoát.
“Không phải lúc nào suy nghĩ quá mức cũng là suy diễn. Trong nhiều trường hợp, con người có cơ sở thực tế để bắt đầu overthinking. Nhưng thay vì đi theo định hướng tư duy để giải quyết vấn đề, thì họ hay chạy theo hướng hình dung về những điều tồi tệ nhất”, chị Mai cho hay.
Khuyến nghị các bạn trẻ về hội chứng trên, Thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai cho rằng, người trẻ cần nhận diện thời điểm khi nào bị overthinking. Nếu tư duy của mình khiến vấn đề trầm trọng hơn thì hãy dừng lại việc suy nghĩ.