Cô Cici (27 tuổi) là một trong những người trẻ điển hình ở Trung Quốc không muốn sinh con cho đến khi ít nhất 35 tuổi. Mẹ của Cici lại không nghĩ vậy và liên tục gây áp lực buộc cô phải kết hôn nhằm “có một cuộc sống ổn định”.

Tuy nhiên công việc của Cici không cho phép cô lập gia đình quá sớm – nhất là trong ngành công nghệ cạnh tranh đầy khốc liệt ở Trung Quốc. Bên cạnh đó Cici phải hoàn thành bằng thạc sĩ luật.

Câu chuyện của Cici không phải là trường hợp duy nhất ở Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới. Phụ nữ trẻ đang trì hoãn việc kết hôn và sinh con lâu hơn mẹ của họ. Dù vậy vấn đề này ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn vẻ bề ngoài của nó.

Theo thống kê của cơ quan dân số Trung Quốc, dân số nước này đã giảm 850.000 người so với năm 2021. Đây là mức giảm đầu tiên sau hơn 50 năm ở quốc gia này khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Người Trung Quốc chưa kịp giàu đã già - Ảnh 1.

Áp lực kinh tế khiến người trẻ Trung Quốc không muốn lập gia đình sớm điều này càng đẩy tỷ lệ sinh xuống thấp. (Ảnh: AP)

Khi dân số giảm, cấu trúc xã hội của Trung Quốc cũng thay đổi dẫn đến những rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Những khó khăn của Cici có thể quen thuộc với giới trẻ ở nhiều quốc gia có thu nhập cao ở phương Tây, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể được coi là một phần của nhóm này.

Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa quốc gia có thu nhập cao là quốc gia có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trên 13.845 USD. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng vọt trong thế kỷ 21 nhưng đến năm 2022 nhưng chỉ dừng lại ở mức 12.850 USD.

Nhiều nhà kinh tế hiện nay lo ngại rằng người Trung Quốc sẽ già đi trước khi giàu có.

Đất nước già đi, tỷ lệ sinh giảm

Người ta đang so sánh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cả hai đều bước vào thời kỳ kinh tế ảm đạm vào đầu những năm 1990. Nguyên nhân dẫn đến cái được gọi là “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, nhưng vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi tỷ lệ dân số già ở Nhật Bản tăng mạnh khoảng 22,9% theo thống kê năm 2022.

Khoảng 14% dân số Trung Quốc hiện đã trên 65 tuổi, ngưỡng mà Nhật Bản đã vượt qua vào năm 1993. Nhưng trong khi Nhật Bản phải mất gần một thập kỷ để đạt được mức đó từ mức 10% thì Trung Quốc vượt qua con số này chỉ trong sáu năm. Trong hai thập kỷ tới, Trung Quốc đang trên đà tăng thêm số người trên 65 tuổi vào dân số, thậm chí nhiều hơn cả dân số của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc nhận thức rõ về những vấn đề này nên vào năm 2016 nước này đã từ bỏ chính sách một con đã tồn tại hàng thập kỷ, thay thế bằng chính sách hiện nay là giới hạn ba con.

Người Trung Quốc chưa kịp giàu đã già - Ảnh 2.

Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc và Nhật Bản. (Ảnh: Datwrapper)

Một số tỉnh đã bãi bỏ hoàn toàn các hạn chế về quy mô gia đình, một trong những biện pháp nhằm khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Các chính sách khác bao gồm tối đa 30 ngày nghỉ có lương cho các cặp vợ chồng mới cưới, giảm giá Thụ tinh ống nghiệm (IVF) và trợ cấp tiền mặt cho em bé thứ hai và thứ ba.

Những ưu đãi này đã tạo ra rất ít sự khác biệt. Trung Quốc hiện có một thế hệ phụ nữ trẻ như Cici, có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ họ và không sẵn sàng tuân thủ các chuẩn mực truyền thống về kế hoạch hóa gia đình, bất chấp những lời khuyến khích.

Gánh nặng tài chính của giới trẻ

Cici cho biết cô chỉ muốn đạt được “sự ổn định trong sự nghiệp” trước khi lập gia đình. Theo một nhà cung cấp dữ liệu, cô và bạn trai cần tiết kiệm tới 2 triệu nhân dân tệ (270.000 USD) để mua bất động sản ở Bắc Kinh, nơi giá trung bình trong tháng 7 là 70.740 nhân dân tệ (9.500 USD) một mét vuông.

Chừng nào những người trẻ như Cici còn cảm thấy ngân sách của họ không tăng thêm nhờ việc sinh con, lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc sẽ tiếp tục co lại. Từ năm 2019 đến năm 2022, số người trong độ tuổi lao động giảm hơn 40 triệu người, khiến việc hỗ trợ tầng lớp người cao tuổi ngày càng khó khăn.

Năm 2019, Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã cảnh báo rằng quỹ hưu trí chính của nước này có thể cạn tiền vào năm 2035. Điều này chịu tác động từ tình trạng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc nghiêm trọng vài năm qua. Như một biện pháp cứu trợ khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các công ty tạm dừng đóng góp quỹ an sinh xã hội trong tối đa sáu tháng. Điều này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tiết kiệm được 1,54 nghìn tỷ nhân dân tệ, nhưng cũng làm giảm 13% doanh thu của các quỹ hưu trí, khiến hệ thống này lần đầu tiên rơi vào tình trạng thâm hụt.

Người Trung Quốc chưa kịp giàu đã già - Ảnh 3.

Trẻ em Trung Quốc chơi đùa trong sân trường ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô. (Ảnh: AFP)

Zoe Zongyuan Liu, một thành viên tại Hội đồng quan hệ đối ngoại cho biết, thâm hụt lương hưu có thể là một vấn đề tạm thời nhưng với dân số trẻ ngày càng thu hẹp, việc tăng cơ sở lương hưu trở nên rất khó khăn do đó Bắc Kinh phải dùng quỹ hưu trí để đầu tư nhằm tăng quỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã và đang phát triển các chương trình khác nhau để cho phép các quỹ hưu trí đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau nhằm tăng lợi nhuận đầu tư… nhưng điều đó thực sự phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.

Việc Trung Quốc là một trong những quốc gia độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới không giúp ích được gì. Đàn ông có thể nghỉ hưu ở tuổi 60, trong khi đối với phụ nữ là 55, hoặc 50. Những đề xuất tăng tuổi hưu trước đó vấp phải phản đối từ dư luận.

Đầu năm 2023 truyền thông Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang thúc đẩy kế hoạch nâng độ tuổi này mà không nêu rõ khi nào điều này sẽ xảy ra.

(Nguồn: The Guardian)