Nhân vật mà chúng ta nhắc đến trong bài báo này là một người phụ nữ mang tên Brenda C.Barnes, người từng gây rúng động giới kinh doanh năm 1998 khi từ bỏ vị trí giám đốc khu vực Bắc Mỹ của tập đoàn Pepsi Cola để tập trung … chăm sóc gia đình, và bảy năm sau quay trở lại thương trường với vị trí CEO của tập đoàn Sara Lee.

Ngày nay bà là một trong những nữ CEO được trả lương cao nhất ở Mỹ, viết tiếp những trang rực rỡ của một câu chuyện cuộc đời đầy màu sắc, màu sắc nào cũng để lại dư vị khó quên cho những người từng biết và làm việc cùng bà.

Bản CV ấn tượng

Nếu nhìn vào CV của Brenda, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên vì số lượng và khối lượng những trải nghiệm bà từng có trong cuộc đời.

Trong vòng 22 năm từ 1976 tới 1998, bà gắn bó với tập đoàn sản xuất nước giải khát PepsiCo, trong đó hai năm cuối bà là chủ tịch kiêm CEO của Chi nhánh Pepsi khu vực Bắc Mỹ, đồng thời là thành viên ban lãnh đạo của Trung tâm Kellogg, một trung tâm dành riêng cho những nữ lãnh đạo trên thế giới. Cho tới thời điểm đó, không quá khi nói rằng Barnes là người phụ nữ quyền lực nhất trong ngành công nghiệp sản xuất đồ uống. 

Quyết định của người mẹ

Bất ngờ Brenda tuyên bố sẽ tạm dừng công việc CEO để tập trung chăm sóc gia đình nhỏ với ba cô con gái của mình. Quyết định của bà gây sửng sốt giới tài chính kinh doanh ở Mỹ, vì trước bà và sau bà ít có ai đưa ra một lựa chọn quyết liệt như vậy. Tâm sự về bước ngoặt này, Brenda C.Barnes kể bà đã hàng ngàn lần ngồi vắt óc suy nghĩ và rồi đổi ý trước khi quyết định chắc chắn về điều đó.

“Tôi yêu công việc, yêu tập đoàn Pepsico”- Bà nói: “Nhưng rồi sau nhiều năm lăn lộn tôi nhận thấy công việc lấy đi của tôi quá nhiều thời gian và sức lực. Khi tôi nhìn lại thì con gái đầu lòng của tôi đã lên 10 tuổi, 10 năm trôi qua và tôi chưa kịp dành nhiều thời gian cho con. Rồi tôi đi đến quyết tâm rằng nếu tôi không làm gì đó ngay lập tức, tôi sẽ mãi mãi mất đi cơ hội chứng kiến các con trưởng thành”

Sự trở lại ngoạn mục của hào quang

Nhưng bản lĩnh kinh doanh không dễ ngủ yên trong tâm trí người phụ nữ nhiều hoài bão này, thôi thúc bà trở về với nơi mà bà cảm thấy có thể thỏa sức vẫy vùng và chứng tỏ bản lĩnh. Chỉ ba năm sau khi lui về hậu trường, bà lại nắm vị trí chủ tịch lâm thời của Starwood Hotels & Resorts, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia khác. 

Bước ngoặt thực sự đến với Brenda vào năm 2004, khi bà gia nhập tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nổi tiếng thế giới Sara Lee. Thời điểm đó, tình hình tài chính của Sara Lee là một mớ hỗn độn với vô số thua lỗ và khó khăn. Giới quan sát không ngừng nghi ngại về khả năng Brenda có thể vực dậy được một “ca khó” như vậy sau 7 năm rời xa chiếc ghế lãnh đạo.

Người từ bỏ chức giám đốc khu vực để chăm sóc gia đình 1
Chân dung Brenda C.Barnes- người vực dậy hoạt động kinh doanh của Sara Lee.

Hoàn cảnh ngặt nghèo đó hóa ra đã trở thành một bệ phóng hoàn hảo để năng lực của Barnes được tỏa sáng. Với một loạt biện pháp mạnh tay theo tiêu chí kinh doanh đã làm nên thương hiệu của bà -“Cắt giảm và củng cố danh mục đầu tư”, bà đã từng bước đưa Sara Lee lấy lại hào quang đã mất, đồng thời còn nâng thương hiệu này lên những tầm cao mới, được đông đảo người tiêu dùng yêu thích.

Từ đó đến nay, khi đã ngừng tham gia hoạt động kinh doanh vì lý do sức khỏe, bà vẫn liên tục được tạp chí Forbes đánh giá là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Làm sao để cân bằng công việc và gia đình?

Thành công của Brenda gây ấn tượng sâu sắc với bất cứ ai từng biết và tiếp xúc với bà, nhưng điều khiến cho cuộc đời và sự nghiệp của bà có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ tới đông đảo người dân trên thế giới chính là cách bà coi trọng giá trị của gia đình, tới mức sẵn sàng rời bỏ công việc hàng ngàn người mơ ước để trở về làm một bà nội trợ giản dị, và sau đó khi trở lại thương trường vẫn cân bằng rất tài tình giữa công việc và gia đình. Brenda từng cởi mở chia sẻ với giới truyền thông những bí quyết và suy nghĩ của bà về vấn đề này:

Bà có điều gì để nhắn nhủ đối với những người phụ nữ muốn nghỉ việc một thời gian để tập trung cho gia đình?

Lời khuyên của tôi là hãy giữ những mối liên kết với công việc kinh doanh của mình, với những biến động thị trường, đừng nghĩ rằng nghỉ việc ở nhà nghĩa là bạn không còn để tâm chút nào đến những việc diễn ra bên ngoài ô cửa sổ nhà bạn nữa. Đồng thời, bạn phải thường xuyên tập luyện để những kỹ năng công việc của mình, nhất là kỹ năng lãnh đạo, không bị mai một đi. Đây là kinh nghiệm mà cá nhân tôi rút ra được trong khoảng thời gian 7 năm loanh quanh ở nhà.

Một số người mẹ khi trở lại công việc nhận thấy mình không được tôn trọng đúng mực hoặc không có gì để giới thiệu về bản thân. Theo bà cần xử lý tình trạng này như thế nào ?

Tôi cho rằng đây là điều mà hầu hết những người từng trải qua một khoảng thời gian trống trong sự nghiệp đều gặp phải. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ rằng công việc không phải là thứ duy nhất nói lên bạn là ai. Cá nhân tôi cảm thấy rất tự do khi trở lại với một công việc hoàn toàn khác, trong một doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan đến tập đoàn PepsiCo và lĩnh vực mà tôi từng gắn bó 22 năm. Tôi coi đó là một chương của cuộc đời, và trong mỗi chương như thế tôi tô vẽ vào đó rất nhiều mảng màu khác nhau.

Bà đã thu hoạch được gì trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ở nhà ?

Phải nói rằng nếu được phép quyết định lại, tôi sẽ vẫn trung thành với quyết định của mình. Tôi đã có trọn vẹn khoảng thời gian rất quý báu bên các con, cùng sự hài lòng và hạnh phúc khi được ngắm nhìn chúng trưởng thành mỗi ngày. Muốn lượng hóa điều đó thì thật là khó, nhưng đó là những trải nghiệm tuyệt vời, cho nên tôi không bao giờ hối tiếc. 

Đứng từ góc độ của một người đi làm, tôi cho rằng nghỉ việc ở PepsiCo giống như một lần tốt nghiệp vậy. Tôi đã gắn bó với tập đoàn rất lâu, và đã đến lúc tôi bước ra khỏi môi trường làm việc quen thuộc của mình để khám phá những lĩnh vực mới, với những thách thức hoàn toàn khác trước.