Năm 2020, chị Hòa (Hà Nội) mua được căn hộ 2 phòng ngủ giá gần 2 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng một nửa. Chị làm kế toán, hành chính nhân sự ở một công ty nhỏ về buôn bán, sửa chữa máy tính còn chồng làm nhân viên bán hàng. Dù có nhà nhưng anh chị không ở mà cho thuê giá 8,5 triệu/tháng và thuê một căn trọ nhỏ giá 4 triệu đồng để có thêm tiền trả nợ. Đợt dịch bùng phát khiến chị Hòa phải nghỉ việc ở nhà, trong khi thu nhập của chồng cũng giảm hơn một nửa.
Căn nhà cho thuê sau khi khách trả đến nay vẫn chưa tìm được người thuê mới. Số tiền trả nợ ngân hàng 18 triệu/tháng trước đây còn dễ trang trải thì nay đã trở nên rất khó xoay sở. Chị có làm đơn xin hỗ trợ cơ cấu nợ và giảm lãi suất song được biết sau thời gian cơ cấu nợ 4 tháng, số tiền gốc, lãi sẽ dồn chia đều cho những tháng sau. Như vậy số tiền phải trả hàng tháng sau thời gian cơ cấu sẽ còn nhiều hơn, trong khi thu nhập chưa biết bao giờ phục hồi.
Cùng tình cảnh, anh Thảo (TP.HCM) cũng mua căn hộ 2 phòng ngủ và vay ngân hàng 800 triệu đồng. Quán ăn nhỏ của gia đình anh phải đóng cửa hoàn toàn trong gần 3 tháng nay khiến thu nhập cả nhà giảm tới 70%. Với lãi suất 10,2%/năm, số tiền phải trả cho ngân hàng hàng tháng là 14 triệu đồng. Anh có hỏi nhân viên ngân hàng để được giãn nợ thì phía chi nhánh ngân hàng cho biết đang xử lý rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ tương tự, hiện đang xin chỉ đạo của hội sở để có quyết định cụ thể.
Người mua xe trả góp cũng lâm vào cảnh khốn khổ vì không có thu nhập để trả nợ ngân hàng. Vay mua chiếc xe giá trị hơn 600 triệu từ cuối năm 2019, anh Lâm (TP.HCM) tính dùng để vừa đi làm, vừa chở khách kiếm thêm thu nhập. Nhưng rồi dịch bệnh hơn 1 năm nay, thu nhập thất thường tháng nhiều tháng ít, và đến mấy tháng nay là gần như không có khiến anh phải vay mượn người thân để xoay sở trả nợ ngân hàng. Năm ngoái anh có làm đơn xin hỗ trợ, nhưng mãi không thấy ngân hàng phản hồi. Sau đó, anh đành rao bán xe để thoát khỏi cảnh nợ nần nhưng mãi không ai mua.
Nhiều nhà xe cũng trong tình cảnh chật vật vì lỡ vay ngân hàng. Một nhà xechạy tuyến đường dài Nghệ An - Hà Nội - Bắc Ninh cho biết có 4 chiếc xe, trong đó 3 chiếc còn đang vay nợ ngân hàng từ năm 2018. Dịch bệnh xảy ra hơn một năm nay, thu nhập của nhà xe giảm sút nghiêm trọng, ngay cả những ngày lễ tết cũng không còn nhiều khách như những năm trước. Chưa kể trong các đợt giãn cách, xe gần như nằm im một chỗ không làm ra tiền, trong khi đó nợ thì vẫn phải trả đều đặn. Chủ xe cho biết gom góp cố gắng trả nợ trong thời gian qua nhưng đến hiện tại thì đã kiệt sức, cũng tính bán bớt xe nhưng xe khách thời điểm này bị mất giá quá nhiều.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19; Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021…) thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Tuy nhiên, việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Bởi vậy, tùy vào từng ngân hàng, có nơi khách hàng được hỗ trợ nhanh chóng, có nơi phải chờ và làm rất nhiều thủ tục.
Hiện NHNN đang tiếp tục lấy ý kiến sửa Thông tư 03 theo hướng mở rộng phạm vi cơ cấu nợ. Theo đề xuất, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến 30/6/2022 thay vì 31/12/2021. Phạm vi các khoản dư nợ được miễn giảm lãi, phí mở rộng đến trước ngày 1/8/2021, thay vì 10/6/2020 như hiện nay.
Mới đây, Chính phủ cũng đã giao NHNN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như việc cơ cấu lại các khoản nợ. Ngoài ra, khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại các địa bàn có dịch đang diễn biến phức tạp, hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.