6 ngày sau thảm hoạ động đất kép với tâm chấn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thành phố vẫn đang chìm trong đống đổ nát. Lực lượng chức năng địa phương cùng lực lượng cứu nạn nhân đạo trên toàn thế giới hiện tại đang phối hợp tìm kiếm người mất tích sau thảm hoạ, người chết khắp nơi với con số lên đến ít nhất 20.000 người, người may mắn sống sót ngoài chịu cơn khủng hoảng tinh thần từ bên trong còn phải chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt ở nhiệt độ âm.

Và ngay thời điểm này, cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng nhau chung tay quyên góp cứu trợ người dân vùng bị thiên tai.

Khi quê hương thứ 2 gặp nạn

"Vẫn còn rất nhiều toà nhà đang chờ được giải cứu, cứu hộ và dọn dẹp đống đổ nát. Sự ảnh hưởng của đợt thảm hoạ này là quá lớn, bán kính đến 500km nên cho đến thời điểm này còn rất nhiều nơi. Tôi nghe một phóng viên nói rằng: 'Ở trong thành phố bắt đầu có mùi-khó-chịu, vì thế các công việc giải cứu cần phải được tiến hành nhanh hơn nữa', tôi thấy tim mình đau nhói", anh Dương Nam Phương (33 tuổi) một người Việt sống tại Thổ Nhĩ Kỳ nói với chúng tôi. 

Anh Phương đã liên lạc với những người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tập hợp thành một nhóm nhỏ, cả nhóm đã cùng nhau kêu gọi quyên góp quần áo chống rét, nhu yếu phẩm gửi đến người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn động đất. 

Sống ở Thổ Nhĩ Kỳ 14 năm và xem nơi đây như quê hương thứ 2 của mình, đây là lần đầu tiên anh Dương Nam Phương (33 tuổi) chứng kiến một cơn thảm hoạ tàn khốc như vậy ập xuống Thổ Nhĩ Kỳ. 

"Khoảng 11h sáng ngày 6/2, tôi nhận được điện thoại từ Đại Sứ Quán chỉ đạo rằng 'Thông báo lên trang Cộng Đồng về thông tin động đất xảy ra để xem có ai bị ảnh hưởng từ động đất hay không?' để kịp thời liên lạc và hỗ trợ. Ngay sau khi tôi bắt đầu thông tin trên Trang Cộng Đồng Người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cơn rung chấn thứ 2 mạnh 7.5 độ richter xảy ra tại thành phố Kahramanmaras", anh Phương kể lại.

Tối ngày 6/2, sau cơn động đất, để kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ người dân, anh Phương đã viết một bài viết đăng tải trên trang cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ trong đó bao gồm thông tin: Các cơn động đất, sơ đồ các cơn động đất trên thế giới, cần làm gì và như thế nào khi động đất xảy ra,... Thông tin nhanh chóng được đông đảo người Việt đón nhận. 

Ngày 7/2, một ngày sau cơn động đất thảm hoạ, anh Phương cũng là người Việt đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng kêu gọi quyên góp, ủng hộ bằng hiện vật bao gồm nhu yếu phẩm, quần áo tránh rét cho người dân vùng bị thiên tai.

"Tôi nghĩ về truyền thống của người Việt Nam mỗi mùa lũ miền Trung"

"Ngày đầu tiên sau thảm hoạ xảy ra, tôi cùng những người sống ở Thổ Nhĩ Kỳ rất buồn nhưng chẳng biết phải làm gì để có thể chung tay giúp đỡ bởi địa điểm thảm hoạ quá xa và không ai có đủ điều kiện đi đến đấy. Ngay thời điểm này, tôi nghĩ về truyền thống hỗ trợ đồng bào miền Trung mỗi đợt lũ ở miền Trung, và sau đó các kế hoạch kêu gọi ủng hộ cho đồng bào Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành", anh Phương bộc bạch.

Sau khi đăng tải thông tin lên trang Cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Phương nhận được hàng chục cuộc gọi với các đề xuất mở một đoàn cứu trợ của người Việt để có thể dễ dàng chia việc cùng nhau gom góp đồ cứu trợ để gửi đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, nhiều công ty Việt Nam cũng đã không ngần ngại gửi các kiện hàng với mong muốn có thể hỗ trợ được người dân vùng chịu ảnh hưởng động đất. 

Vận động được 4 thùng quần áo với hơn 700 bộ quần áo chủ yếu quần áo mùa đông của trẻ con và một số áo phông dài tay cho nam giới, nhóm của anh Phương tiếp tục công tác đóng gói, vận chuyển và bàn giao cho Cơ Quan Quản Lý Tình Trạng Khẩn Cấp của Thổ Nhĩ Kỳ ( AFAD). 

"Khi nhận 4 thùng hàng và lập biên bản ký nhận, họ rất ngỡ ngàng khi tôi nói tiếng Thổ tốt và tôi bộc lộ rằng : 'Người Việt Nam chúng tôi cũng có truyền thống tương thân tương ái dân tộc, hơn nữa tôi coi Thổ Nhĩ Kỳ và người dân là quê hương – dân tộc thứ hai của tôi vì vợ tôi là người Thổ'. Khi nghe xong, đội nhận ủng hộ đã ôm tôi và muốn chụp ảnh cùng anh chị em người Việt đi cùng ra ủng hộ đồng thời cảm ơn tấm lòng của người Việt", anh Phương kể lại. 

Người Việt chung tay quyên góp ủng hộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ

Theo anh Phương, hiện tại nhóm của anh đang tiếp tục gom quần áo cứu trợ từ các xưởng sản xuất và chờ đồ cứu trợ từ Việt Nam sang điểm tập kết. Ngay sau khi nhóm của anh Phương đến trung tâm nhận ủng hộ của chính quyền địa phương, hàng trăm người Thổ Nhĩ Kỳ có mặt làm tình nguyện viên tiếp nhận.

"Cũng có người Việt mình mất liên lạc sau động đất, nhưng may là mọi người vẫn an toàn. Đến giờ lại cùng nhau đi hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ", anh Phương nói.

Các kiện hàng cứu trợ của người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ được đóng gói và bàn giao cho Cơ Quan Quản Lý Tình Trạng Khẩn Cấp của Thổ Nhĩ Kỳ ( AFAD).

Người Việt ở khắp châu Âu đang tìm cách ủng hộ

Anh Phương cho biết ngoài nhiều cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu cũng muốn tham gia quyên góp cứu trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm hoạ. Nhiều người trực tiếp liên hệ đến anh.

Theo anh Phương, người dân nếu muốn ủng hộ hãy liên hệ với Đại sứ quán. Về đồ cứu trợ, anh phương nói được chia thành các nhóm với các mức độ cần thiết khác nhau. Đầu tiên người dân tại vùng ảnh hưởng do thiên tai cần quần áo chống rét bao gồm quần áo, găng tay, sau đó mặt hàng cần thiết thứ 2 là nhu yếu phẩm chống đói, tiếp đến là chăn ga gối đệm, thiết bị sưởi ấm, thiết bị điện, giấy vệ sinh, nước uống,...

"Về mặt cá nhân, tôi không muốn trực tiếp nhận tiền ủng hộ của mọi người, bởi nó sẽ gây ra rất nhiều sự hiểu lầm. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong quán trình cứu trợ người dân ở Thổ Nhĩ kỳ, mọi người nên chờ thông tin chính thức từ các cơ quan, đoàn thể từ nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ", anh Phương nhấn mạnh. 

Theo số liệu cập nhật từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại hai nước hiện đã vượt qua con số 28.000 người. 

Ngày 12/2, thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, trong những ngày qua, cả hai Đại sứ quán vẫn tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt Nam tại địa phương để tìm hiểu thông tin về khả năng có người Việt bị thương vong trong trận động đất và chuẩn bị kế hoạch để triển khai nhanh chóng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.

Theo hai Đại sứ quán, khu vực xảy ra động đất không có nhiều người Việt Nam sinh sống và đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong sự kiện này.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã ghi nhận 6 công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi động đất, hiện đang rất khó khăn và thiếu thốn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tài chính và vật dụng để khắc phục phần nào khó khăn trong cuộc sống. Hiện tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ duy trì 5 cán bộ, trong đó Đại sứ trực tiếp có mặt tại địa điểm xảy ra động đất để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đại sứ quán Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại nhanh chóng giải quyết các thủ tục phát sinh, đón và đưa đoàn công tác Việt Nam gồm 24 chiến sĩ công an tới địa điểm cứu hộ trong chiều 10/2 và chuẩn bị đón 76 cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng sẽ tới trong vài ngày tới.