Người Việt học ngành Y tại Mỹ: Không chỉ toàn hào quang
Từng là sinh viên có điểm số GPA thuộc top cao ở lớp nhưng anh Kỳ Nguyễn đã 'tụt dốc' với cách học của ngành y khoa tại Mỹ. Anh còn nhận được lời khuyên của giáo viên nên từ bỏ học ngành y.
Từ một học sinh có điểm xuất sắc dần "tụt dốc không phanh"
Đây là câu chuyện của thạc sĩ Kỳ Nguyễn, chuyên gia trong ngành Nursing (khoa học thông tin và tiền giải phẫu) đang làm việc tại Texas Health Mansfield. Tại buổi tọa đàm trực tuyến trong khuôn khổ sự kiện Vòng tay nước Mỹ 11 do Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức, anh Kỳ Nguyễn đã chia sẻ về hành trình học chuyên ngành y khoa đầy khó khăn ở nước Mỹ của bản thân. Theo anh Kỳ Nguyễn, trong 2 năm đầu học đại học tại Mỹ, các môn học của anh đều đạt điểm số cao (GPA 3.95/4.00), nên anh khá tự tin về năng lực và cũng có phần tự cao.
Anh Kỳ Nguyễn đã đăng ký vào chuyên ngành y tá (điều dưỡng) tại trường đại học bang JSU (Jacksonville State University). Khi bước vào học chuyên ngành y, anh Kỳ Nguyễn đã bị sốc trước cách dạy và kiểm tra phải vận dụng kỹ năng tư duy phản biện để phân tích, đánh giá những tình huống phức tạp và cho ra câu trả lời đúng nhất. Điểm GPA (điểm trung bình các môn học) của anh cũng bắt đầu "tụt dốc không phanh".
Theo anh Kỳ Nguyễn, tiếng Anh của anh khi ở Việt Nam thuộc vào loại giỏi nhưng khi thực tập tại các bệnh viện ở Mỹ, anh chỉ nghe hiểu được 60%. Bác sĩ y tá trong bệnh viện bận rộn nên họ nói cực nhanh và dùng nhiều từ chuyên môn, còn bệnh nhân thì đau ốm nói chuyện thều thào không ra chữ.
“Tôi dần dần ngại giao tiếp, né tránh giáo viên, né tránh công việc thực tập. Cuối kỳ học, giáo viên nói với tôi nên từ bỏ học ngành y tá và nên chọn một ngành khác. Trước câu nói của giáo viên tôi như bị tạt gáo nước lạnh. Tôi từng nghĩ sẽ chuyển sang học kỹ sư hay cái gì đó khác. Nhưng sau khi suy nghĩ lại, tôi nghĩ không thể nhụt chí. Thay vì bỏ cuộc thì mình lấy sự ấm ức đó để làm động lực, cố gắng chứng tỏ cho cô giáo thấy là họ sai”, anh Kỳ Nguyễn nói.
Sau 2 năm quyết tâm học tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành y khoa, cuối cùng cũng anh Kỳ Nguyễn đã tốt nghiệp cử nhân y tá, thêm một bằng thạc sĩ tại Đại học Texas (University of Texas) và có một công việc ổn định.
Qua câu chuyện của mình anh Kỳ Nguyễn mong muốn chia sẻ cho mọi người biết rằng không phải cứ sang Mỹ học là chỉ toàn hào quang. Khi lựa chọn bất cứ ngành học gì thì phải tìm hiểu thật kỹ và đã chọn học thì nên quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Từ sợ đi khám tới hành trình trở thành bác sĩ nha khoa
Bác sĩ Phạm Tô Nữ Vân Trang, chuyên nha khoa trẻ em tại Bệnh viện trẻ em Rady (Rady Children’s Hospital - Mỹ) từng rất sợ đi khám nha khoa khi còn tại Việt Nam. Những hình ảnh tại phòng cấp cứu vào năm 6 tuổi đã trở thành nỗi ám ảnh với chị Trang.
Sau này, khi sang Mỹ du học chị nhận ra ngành nha khoa ở Việt Nam còn nhiều thiếu sót khi chưa được truyền tải thông điệp quan trọng "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Mọi người thường chỉ đi khám nha khoa khi đau răng, chứ không đi kiểm tra răng định kỳ.
“Tôi đã quyết định học nha khoa vì biết mình có thể sử dụng kiến thức đó phục vụ cho cộng đồng”, chị Trang nói.
Trong thời gian Covid-19, dù lúc đó đang còn là sinh viên nhưng bác sĩ Trang đã lập nhóm facebook để giúp tư vấn cho các cha mẹ, trả lời các câu hỏi về vấn đề khẩn cấp mà các bé đang gặp phải. Chị Trang cũng đã viết, dịch các thông tin chăm sóc răng miệng đã được công nhận qua nghiên cứu của Hiệp Hội Nha khoa Hoa Kỳ nhằm truyền tải thông tin đúng đắn nhất về việc chăm sóc răng miệng cho các bé và giúp mọi người hiểu tầm quan trọng của răng sữa.
“Từ nỗi sợ đi khám nha sĩ hồi bé, tôi muốn trở thành bác sĩ nha khoa chuyên cho trẻ em, giúp quá trình đi khám răng của các con chỉ như đi chơi ngoại khóa, hay sẽ được tặng quà mỗi khi tới “thăm" bác sĩ nha khoa”, bác sĩ Trang nói.
Bác sĩ Trang mong muốn sẽ tổ chức được các chương trình tình nguyện đưa các bác sĩ nha khoa ở Mỹ tới Việt Nam để khám và chữa răng miễn phí cho các bé ở các vùng sâu vùng xa còn thiếu điều kiện.
Bạn bè nói sang Mỹ học bác sĩ nội trú là “viển vông"
Từng bị bạn bè cho rằng ước mơ sang Mỹ học bác sĩ là "viển vông", tốn tiền bạc, bác sĩ San Trần vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.
Nhờ lại quãng thời gian quyết định sang Mỹ học, bác sĩ nội trú San Trần chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh được vài năm thì anh biết tới kỳ thi USMLE (United States Medical Licensing Examination) qua một người đàn anh trong nghề.
Anh San rất hào hứng về viễn cảnh học bác sĩ nội trú trong một bệnh viện ở Mỹ. Tuy nhiên, quyết định của anh không được gia đình và bạn bè ủng hộ.
“Ai cũng nghĩ là viển vông, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vào việc học gần như chắc chắn là sẽ thất bại”, bác sĩ San Trần nói.
Với sự quyết tâm, sự tự tin của tuổi trẻ, anh San Trần đã đầu tư học một khóa tiếng Anh chất lượng cao để phục vụ cho giao tiếp.
Bằng sự nỗ lực vượt qua mọi trở ngại của bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè, anh San đã thi đỗ bác sĩ nội trú tại Mỹ. Tuy nhiên, quãng đường để trở thành một bác sĩ nội trú tại Mỹ không hề dễ dàng cho những ai không có lòng quyết tâm cao.
Qua 3 câu chuyện kể trên của các y bác sĩ đã học ngành y khoa tại Mỹ, họ mong muốn các bác sĩ trẻ hãy dám ước mơ và dám thực hiện đam mê của bản thân. Dù biết theo đuổi con đường y khoa sẽ gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng hy vọng các bác sĩ trẻ sẽ không bao giờ từ bỏ.