Cố hết sức có thể!

Nhà tôi ở Bradenton, phía Nam TP Tampa (cách khoảng 1 tiếng chạy xe) của bang Florida.

Theo dự báo ban đầu, bão Milton đi lên hướng Bắc, vào đúng Tampa, khiến người dân ở đây lũ lượt sơ tán. Tuy nhiên, đến sáng 8-10 (giờ địa phương), bão càng lúc càng chệch xuống phía Nam (khu Venice, North Port). Nhà nhà vội vàng gắn cửa chớp chắn bão (hurricane shutter) để che cửa chính, cửa sổ.

Đến khoảng 16 giờ 30 phút chiều 9-10 (giờ địa phương), hầu hết dự báo bão của các đài truyền hình lớn như Fox News, ABC News đều "chỉ đích danh" Bradenton là nơi bão vào. 

Xem tin tức tôi biết thế là "toang" rồi, chỉ hy vọng hoàn lưu bão (thành mắt bão) không quá kinh khủng. Nhìn kết cấu của Milton có thể thấy một thành ít mưa và mỏng nhưng thành còn lại đúng là… địa ngục!

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 1.

Thông tin về bão Milton được cập nhật từng chút một

Tôi vội vàng chuẩn bị, nói chung cố hết sức! Dù biết khu nhà mình hầu như không mất nước, tôi vẫn trữ nước. 15 giờ chiều, cả nhà tắm rửa sạch sẽ, sau đó xả nước đầy 2 bồn tắm. Thêm 1 bồn ở nhà bếp nữa. 

Tôi nấu một nồi phở, một nồi cơm, một nồi thịt kho trứng và bắt ba đứa con ăn cho thật no, bởi hễ cúp điện là sẽ không mở tủ lạnh ra nữa. Nếu được đóng kín, tủ lạnh và tủ đông trụ được 24 giờ.

Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, bão đổ bộ Siesta Key, cách nhà tôi khoảng 25 phút chạy xe về phía Nam. 21 giờ 30 phút, gió dập đợt đầu tiên nhưng không tới nỗi nào do mới là bên thành mắt bão mỏng quật trúng.

Khoảng 22 giờ 30 phút, trời im gió lặng, chim kêu chí chách, ếch nhái ồm oàm. Tôi nghe mà muốn rụng tim, bởi biết rằng mắt bão tới rồi. Hơn 23 giờ một chút, vừa nghe cửa chính, cửa sổ rung bần bật, gió hú hét là ngay lập tức mất điện. 

Cả tòa nhà 3 tầng (12 căn hộ, căn hộ của tôi ở tầng trệt, nhìn ra một cái hồ) rung bần bật. Nghe bên ngoài có cái gì bị thổi bay va đập nhưng nhìn ra chỉ thấy đen như mực.

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 2.

Các khu vực ven biển của Bradenton…

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 3.

…ngổn ngang sau bão

Từ sau cơn bão Andrew vào năm 2002, bang Florida đã ban hành bộ quy chuẩn xây dựng chống bão mới. Bất cứ căn nhà nào xây sau năm 2002 đều phải nhiều lớp dây chằng để neo chặt mái nhà vào phần khung kim loại.

Tới lúc mất điện tôi mới để ý ánh đèn lóe ngoài cửa chính và phát hiện bão suýt nữa thổi tung cửa. Vợ chồng tôi vội vã lôi cái bàn ăn ra chắn cửa.

Thật ra chúng tôi không dám nhìn nhiều, vì sợ vật gì ở ngoài kia bay trúng cửa kiếng nhà mình. Ở trong nhà kéo hết rèm cửa, để lỡ cửa kiếng bị vỡ cũng không bay vào mặt.

Dù biết chắc cửa sổ kiếng là loại chống bão (có ghi trong quy tắc xây dựng của tòa nhà) nhưng tôi vẫn sợ thắt ruột vì nhà có con nhỏ. Cả nhà 5 người trốn vào phòng ngủ kín nhất, nghe gió rít bên ngoài.

Thiệt hại kinh hoàng

Tin tức đưa Milton lúc tràn qua nhà tôi có sức gió 190 km/giờ, bão đi nhanh với vận tốc 24 km/giờ. Milton gây ra rất nhiều lốc xoáy, tấn công một loạt khu vực phía trong như Lakeland, Fort Pierce, Clewiston, West Palm Beach…

Mưa lớn khủng khiếp, có nơi tới khoảng 470 mm chỉ trong vài giờ. Có những khu gần Tampa được dự báo là an toàn nên người già, người khuyết tật được đưa tới trú. Ai ngờ sau đó nước dâng tới 1,2 m, không phải nước biển mà là nước mưa. Nhiều người ngâm nước cả đêm vì họ không di chuyển được.

Bão Milton xé toạc mái vòm sân vận động, quật đổ cần cẩu khổng lồ

Ngoài mưa, gió còn có một vấn đề khác là nước biển dâng do bão, tức là gió bão cuốn nước biển từ bên ngoài mang sâu vào đất liền thông qua hệ thống sông rạch, kênh đào… 

Dù nằm sâu trong đất liền nhưng nếu khu vực nào có một trong các loại dẫn nước đó vẫn có nguy cơ bị ngập. Thêm nữa là tuyến đường liên bang 75 (I-75) bắc ngang sông Manatee, khi nước biển dâng là có nguy cơ sập luôn cả cầu.

Phía sau nhà tôi gần 5 km là sông Manatee, con sông lớn nhất dẫn nước từ vịnh Tampa vào cho hệ thống kênh rạch bên trong. Do đó, nhà tôi thuộc khu nguy cơ ngập A (mức độ nguy cơ xếp từ A-F, càng về sau nguy cơ càng giảm).

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 4.

Một căn nhà ở Anna Maria trước…

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 5.

…và sau bão

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 6.

Thùng xe rác bay lên mái nhà ở TP West Palm Beach

Cho đến hôm nay, nhiều khu vực bị bão ảnh hưởng vẫn đang dọn dẹp. Trẻ em ở hạt Manatee nghỉ học từ ngày 7-10 đến hết 15-10 và có nguy cơ nghỉ thêm vì 33 trường của hạt được tận dụng làm nơi trú ẩn.

Khắc phục điện nhanh chóng

Chưa tới 24 giờ từ lúc bão đổ bộ, nhà tôi đã có điện lại. Có lẽ nhà chức trách lường trước tình hình và huy động sẵn nhân lực, bão vừa tan là sửa điện ngay.

Nhớ hồi bão Irma năm 2017, điện cúp gần 1 tuần. Không ai nghĩ lại mất điện lâu đến thế nên thức ăn trong tủ lạnh hư hỏng hết. Lúc đó tháng 8, trời Florida nóng 33-35 độ C, nhà không điện, không nước, trời không gió, còn nhà bếp bốc mùi hôi kinh hoàng, một tháng sau vẫn chưa hết mùi hẳn.

Lần này, tới khoảng 19 giờ 30 tối 10-10 (giờ địa phương), khoảng 1 ngày sau bão, điện có trở lại. Mở tủ lạnh tôi thấy ngăn dưới vẫn mát và đá trên ngăn đông chưa tan.

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 7.

Cảnh sát đi giải cứu người gặp nạn ở hạt Hillsborough

Bão Milton đổ bộ: Gió cuồn cuộn, nước dâng cao

Đảo "hy sinh"

Anna Maria là một trong các đảo chắn bão của Florida. Nơi này được dùng để "cản chân" bão cho các khu vực trong đất liền có cơ hội sơ tán và giảm bớt thiệt hại. Do đó, tại đây không khuyến khích xây dựng hay sinh sống. Anna Maria bị bão Helene "dập" tơi tả hồi cuối tháng 9, chưa kịp tu sửa thì bão Milton đã tràn qua.

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 8.

Cầu cảng trên đảo Anna Maria trước…

Người Việt trong bão Milton: Nấu vội nồi thịt kho trứng, xả nước đầy bồn tắm- Ảnh 9.

…và sau bão