NSƯT Phạm Bằng trong mắt công chúng hôm nay là một danh hài. Có khi người ta gọi ông bằng nghệ danh "Bằng hói". Hoặc là người ta gọi ông bằng những danh từ chung theo mẫu nhân vật ông hay đóng, kiểu như "ông trưởng phòng mê gái", "ông râu quặp", "ông sợ vợ"... Toàn là những vai ông già lẫn cẫn, xộc xệch, dậm dật, lẳng lơ. Ấy thế mà ngoài đời, ông trưởng phòng mê gái sợ vợ ấy lại kiệm lời, chỉn chu và nghiêm cẩn đến mức có chút khắc kỉ. Chỉ cần bước chân ra khỏi vai diễn, lột đi lớp hóa trang ngoa dụ, Phạm Bằng lại trở về cái cốt cách của một nghệ sĩ người Hà Nội gốc, đói cho sạch rách cho thơm.
Sự chối bỏ từ đấng sinh thành
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 trong một gia đình tư sản giàu có ở phố cổ Hà Nội. Thời thanh niên, "cậu ấm" Phạm Bằng đẹp trai nức tiếng, được xếp vào nhóm "Ba chàng lính ngự lâm" đình đám đất kinh kì. Xung quanh lúc nào cũng có các cô gái liếc mắt đưa tình và bản thân Phạm Bằng cũng để ý tới... 5 cô. Nhưng cô gái ông chọn không phải người đẹp nhất, cũng không phải người thông minh, mà là người sẽ chịu đựng được tính cách của mẹ ông. Và quả nhiên, ông đã không chọn lầm người.
Nghệ sĩ Phạm Bằng và vợ thời trẻ
Cụ thân sinh của NSƯT Phạm Bằng là một người phụ nữ tài giỏi. Chồng mất khi bà mới 24 tuổi, một tay bà vừa nuôi ba người con khôn lớn vừa lo buôn bán, phát triển tiệm buôn gạo của gia đình thành tiệm buôn lớn nhất nhì Hà Nội. Phạm Bằng kể, mỗi khi mẹ ông buôn gạo từ trong Nam ra, cần đến cả một xe lửa mới vận chuyển được hết hàng. Thế rồi, cuộc cải tạo tư sản năm 1956 với những hạn chế thời cuộc đã lấy đi của bà phần lớn tài sản, chỉ trong chớp mắt từ giàu sang phú quý rơi xuống vực thẳm, cả nhà lâm vào cảnh lao đao. Những hoàn cảnh đặc biệt ấy khiến bà trở nên vô cùng gia trưởng, độc đoán và khắc nghiệt. Nhất là khi Phạm Bằng, người con trai duy nhất của bà, lại không trở thành thầy giáo như bà mong ước, mà đi theo nghề "xướng ca vô loài".
Rất nhiều năm kể từ quyết định làm trái ý mẹ mà theo đuổi sân khấu, đặt chân vào hàng ngũ những nghệ sĩ tài ba bậc nhất của nghệ thuật kịch nói phía Bắc cùng các tên tuổi lớn như Trọng Khôi, Trần Tiến, rồi làm thầy truyền nghề cho thế hệ sau, Phạm Bằng vẫn chưa một lần được mẹ mình thừa nhận. Dù trên phim trên kịch, ông được công chúng đồng nghiệp tung hô, thì bước chân vào nhà ông vẫn chỉ là "thằng hề con hát" trong mắt mẹ. Tiền bạc nghệ sĩ thì ít ỏi chẳng đáng kể công, nhưng ngay cả danh tiếng cũng không làm người đàn bà phong kiến xuống nước với con trai. Mẹ ông nói về con như một kẻ thất bại không xứng trang nam tử với bà con lối phố, nói thẳng cả trước mặt ông. Thế nên, cả đời Phạm Bằng chỉ mong mẹ thôi cay nghiệt với mình, chứ không dám mơ ước một ngày mẹ mình sẽ ra rạp hát xem mình biểu diễn. Niềm sâu kín đau buồn ấy đeo đẳng ông như một phần tì vết hằn nặng bởi nỗi "đã mang lấy nghiệp vào thân".
Đỉnh cao trong nghề diễn của Phạm Bằng là vai Lý Trưởng trong vở Hồn Trương Ba da hàng thịt của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Vai Lý Trưởng là vai hài - phản diện và chỉ có duy nhất hai màn, một màn tỉnh, một màn say. Hai màn ấy, Phạm Bằng thể hiện đắt giá đến mức cho đến mãi sau này, chưa có ai đóng Lý Trưởng vượt được Phạm Bằng. Đến mức, những vai hài trong băng đĩa hài Tết của mấy chục năm sau, các đạo diễn vẫn khai thác triệt để cái chất Lý Trưởng ấy của ông. Bên cạnh cái lẳng lơ, ỡm ờ, cái nhừa nhựa cười cợt lúc nhận của lót tay, cái xun xoe quắn quýt khi gái đẹp lại gần thì còn thêm cái sợ vợ bản năng của những ông chồng mê gái.
Sợ vợ như lão Bằng hói, người ta ví von thế. Nhưng đó chỉ là giai thoại phim ảnh. Còn ngoài đời, ông sợ mẹ chứ không sợ vợ. Có lần ông chia sẻ không hiểu sao lại sợ mẹ đến vậy. Sợ từ nhỏ đến lớn, sợ từ trẻ đến lúc già. Già rồi, càng thương mẹ bao nhiêu lại càng sợ mẹ bấy nhiêu. Nỗi sợ ấy gói gọn cả bao cô đơn hờn tủi, cả niềm khao khát được thừa nhận bởi một khán giả quay lưng duy nhất, tiếc thay lại là chính đấng sinh thành.
Vai Lý Trưởng là đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của Phạm Bằng, đến mức nó trở thành khuôn mẫu cho các bộ phim hài ông tham gia.
Quán chí mà phù, người vợ hiền hay những cứu cánh của Phạm Bằng
Những năm 70, cuộc sống bên ngoài sân khấu của một nghệ sĩ danh giá như Phạm Bằng vẫn chưa hết cảnh chật vật. Ông từng kể nửa đùa nửa thật, rằng nhiều hôm diễn xong vẫn cố nán lại nhà hát để xem có ai cần về thì... làm cuốc xe kéo. Thế rồi ngày kia, có một gia đình đến rủ vợ chồng ông cùng mở chung quán bánh trôi tàu. Nghệ sĩ Phạm Bằng có sẵn nhà mặt phố Hàng Giầy, còn vợ chồng nọ có sẵn bí quyết nấu chí mà phù. Mang tiếng làm chung nhưng vợ chồng người bạn hàng giữ nghề rất kĩ. Vợ ông phải tự mày mò cách nấu, nay thêm vị này, mai bớt vị kia, mãi mới ra đứng riêng. Cũng nhờ quán chí mà phù mà hai vợ chồng nghệ sĩ Phạm Bằng dìu nhau qua thời bao cấp gian nan với bốn người con. Quán cũng là kế sinh nhai chính của gia đình ông cho đến tận khi vợ ông mất đi còn ông thì vẫn nguyên đắm đuối với sàn diễn.
Nhiều thời điểm quán đứng trước nguy cơ đóng cửa. Lần đầu tiên là khi người nấu bếp chính đã già và không thể đảm đương công việc sớm khuya vất vả này. Nhưng may sao, bà đã lựa trong đám trẻ giúp việc một cô bé chừng 13, 14 tuổi để dạy nghề. Cô bé ấy tiếp tục làm việc cho quán bánh của gia đình Phạm Bằng suốt gần 20 năm sau. Lần thứ hai là khi vợ ông mất, ông chông chênh hụt hẫng một thời gian dài mà không muốn làm gì. Mãi mới quyết định mở lại quán như một sự "ăn mày dĩ vãng" để cần mẫn lần mò kí ức về người vợ hiền thục qua những nồi bánh nồng cay mùi gừng. Lần thứ ba là cách đây hơn 3 năm, cô bé giúp việc ngày nào chuyển sang làm thuê cho một quán khác vì không muốn cứ hè đến lại thất nghiệp khi quán chí mà phù nhà Phạm Bằng chỉ mở vào mùa đông. Quá tam ba bận, lần thứ ba cũng là lần đóng cửa hẳn. Bởi nghệ sĩ Phạm Bằng đã bắt đầu phát bệnh, vật lộn với những cơn đau khởi phát dữ dội chứng viêm túi mật ở tuổi bát thập đắc hi hỉ.
Lúc sinh thời, mỗi khi nhắc đến mẹ và vợ, nghệ sĩ Phạm Bằng luôn dành những nỗi niềm thành kính nhất. Với mẹ là ơn sinh thành, là nỗi sợ mẹ tận cùng và thương mẹ tận cùng của cậu con trai thất bại trong việc thực hiện hoài bão của mẹ. Với vợ thì vừa là ơn vừa là day dứt khôn nguôi. Người con gái có khả năng chịu được tính khí mẹ ông cũng là người khiến ông luôn dày vò tâm can vì bất lực.
Vợ ông xuất thân trong gia đình gia giáo ở phố cổ. Về nhà chồng, mẹ chồng gia trưởng đến mức luôn xem con dâu là người hầu trong nhà, ăn cơm phải ăn mâm dưới, chịu đủ sự mắng nhiếc sai khiến hà khắc và vô cớ của mẹ. Nhưng vợ ông vẫn cố gắng nhẫn nhịn chịu đựng. Phạm Bằng thấy hết, hiểu hết, nhưng không dám hé răng nửa lời để bênh vực vợ. Đêm đến chỉ dám ôm vợ khóc thầm. Ngày mẹ ông mất, người cụ gặp mặt lần cuối không phải con trai mà chính là con dâu. Nghệ sĩ Phạm Bằng kể lại, lúc đó người phụ nữ phong kiến hà khắc cả đời kiêu hãnh đã phải buông một câu đầy thương cảm với con dâu rằng: "sống chẳng được nhờ, chết phải khói hương", nói rồi nấc lên một tiếng và ra đi.
Phạm Bằng bảo nếu không có người vợ vì mình mà nhẫn nhịn, vì mình mà chăm sóc hầu hạ mẹ mình, lại cũng vì mình mà hết lòng ủng hộ sự nghiệp diễn xuất của mình, thì ông không biết tựa lưng vào đâu mỗi lúc mỏi mệt, cô đơn. Thế nên, khi vợ ông ra đi năm 2003, Phạm Bằng chòng chành như nón không quai, chới va chới với vì mất đi một người bạn đồng hành, một bàn tay cần mẫn thu xếp cho cái gia đình nhỏ không bị quây đặc bởi sự thiếu đồng điệu, thiếu niềm sẻ chia, an ủi di sản lại từ thời mẹ ông.
Nghệ sĩ Phạm Bằng: "Tôi thường trở về nhà với nỗi cô đơn"
Mất đi cứu cánh, Phạm Bằng lại bám víu vào nghệ thuật. Ông đi diễn nhiều hơn, chạy sô nhiều hơn. Người không biết tưởng ông ham tiền. Kẻ biết thì xót xa khi người nghệ sĩ già phải lấy vai diễn để khỏa lấp đi nỗi trống trải cô đơn. "Tôi thường trở về nhà với nỗi cô đơn" - lời chia sẻ của Phạm Bằng nhiều năm trước khiến công chúng không khỏi chạnh lòng.
Không cúi lưng quỳ gối trước tiền tài danh vọng
Phạm Bằng đóng vai phản diện nhiều, nhưng lại chưa từng đóng vai ác. Có lẽ, ánh mắt của ông không thể ác nổi. Ánh mắt ấy có thể làm ra vẻ nỡm, vẻ "rửng mỡ", vẻ xoắt xuýt xun xoe chứ không thể làm ra vẻ máu lạnh được. Còn khi trút bỏ lớp diễn xuất, Phạm Bằng lại trở về với vẻ cương nghị nghiêm cẩn quen thuộc.
Được đóng "cảnh nóng" với toàn những nữ nghệ sĩ xinh đẹp quyến rũ, cỡ như Hoàng Cúc, Minh Hằng thời xuân sắc nhất đến những Kim Oanh, Vân Dung hiện tại, Phạm Bằng chưa từng gây nỗi phiền muộn, ghen tuông nào cho người yêu hay chồng của bạn diễn.
Dù đóng những vai "lẳng lơ" bên những nữ diễn viên xinh đẹp, Phạm Bằng vẫn nổi tiếng với lối sống chỉn chu, nghiêm cẩn
Thời đóng Chuyện thường ngày ở huyện của đạo diễn Trọng Liên, Phạm Bằng vào vai ông chồng Tây của Hoàng Cúc. Trong phim có nhiều cảnh nắm tay bịn rịn ôm ấp hôn hít mà Hoàng Cúc lúc này là diễn viên trẻ mới vào nghề, bạn trai luôn kè kè ở trường quay. Sợ bạn trai Hoàng Cúc ghen, ông bảo đạo diễn yêu cầu chàng trai phải đi chỗ khác mỗi khi diễn cảnh hôn. Nhưng hóa ra chàng trai kia không ghen chút nào vì một mực tin rằng Phạm Bằng là người nghiêm túc.
Nghiêm túc trong lối sống, nghiêm túc cả trong nghề nghiệp. Nghệ sĩ Phạm Bằng từng chia sẻ: "Cả cuộc đời làm nghệ thuật, tôi không có gì bon chen, không cúi lưng, mòn gối hay cong xương sống. Nghề mình cứ mình đi thôi, ngoài ra không có tham gì chức tước địa vị. Có thời kì tôi được đề bạt làm phó cho một đoàn, tôi bảo không, anh cho tôi làm diễn viên thôi, cái kia tôi không làm được." Ngay cả việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho Phạm Bằng cũng khó khăn vì ông kiên quyết không làm đơn xin. Ông bảo phong tặng kia mà, nó phải là một sự tôn vinh chứ sao lại phải đi xin. Mãi về sau, vì nể Trọng Khôi lúc đó là Giám đốc Nhà hát Kịch nên Phạm Bằng đành viết cho bạn vui lòng. Nhưng chỉ lần duy nhất đó. Đến khi người ta lại đề nghị ông làm hồ sơ xin xét Nghệ sĩ Nhân dân thì ông từ chối hẳn dù điều kiện thì ông có thừa. Phạm Bằng bảo: "Cái nghệ sĩ nhân dân ấy nhân dân họ có quan tâm đâu, chỉ mấy ông nghệ sĩ mới đi hỏi nhau thôi".
Ở tuổi thất thập rồi sang bát thập, lịch diễn của Phạm Bằng thậm chí còn dày đặc hơn thời hoàng kim. Các đạo diễn thích mời ông còn vì ông giữ đúng lối ứng xử xưa cũ của người Hà Nội, động đến tiền là ngại, không bao giờ hét giá đòi catse. Thậm chí có vai diễn thích quá, ông còn bảo "cho tôi vai này không cần tiền nong gì". Làm kịch, làm phim nhiều năm, ông thấm thía cái cực của nghề. Ông biết nhà sản xuất cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới mong thu lời được từ một băng đĩa hài. Nên ông luôn tâm niệm phải diễn tốt nhất có thể, tránh cho người ta bị lỗ vốn vì mình, chứ chẳng chờ đợi được trả thù lao bao nhiêu.
Nhận lời đóng phim nào, ông cũng yêu cầu đạo diễn phải đưa kịch bản cho trước ít nhất một tuần để ông đọc và ngẫm ngợi. Đấy là với những kịch bản tiểu phẩm 5-7 trang đánh máy. Chứ kịch bản phim thì cứ số trang như thế mà nhân lên. Không phải ông khó tính kén chọn gì. Ông bảo có đưa kịch bản cho ông trước 24 giờ thì ông cũng diễn được thôi, nhưng sẽ không sâu không hay được. Làm phim hài bây giờ dễ dãi quá, nhiều nghệ sĩ trẻ coi hài là chỗ kiếm tiền, chỗ trốn thất nghiệp, kiểu như không đóng được phim thì đi đóng tiểu phẩm hài. Còn ông, dù từ sân khấu lớn bước sang địa hạt tiểu phẩm hài, thì ông cũng trau chuốt tỉ mẩn từng chút một. Đóng vài phút cũng phải để cho người ta nhớ mình là ai. Như thế vài phút ấy mới quý giá. Cũng nhờ vài phút mà biết tài năng của mình đến đâu.
Nghệ sĩ Phạm Bằng tuổi 83 bên các diễn viên trẻ của đoàn phim
Đi qua nhưng giông bão cuộc đời vẫn bám trụ với nghề diễn, nghệ sĩ Phạm Bằng có lẽ thấm thía hơn ai về chữ "nghiệp". Không tuyên ngôn sống chết, Phạm Bằng làm nghề bởi đơn giản đó là hơi thở của ông: "Tôi làm nghề như một điều tự nhiên. “Đã mang cái nghiệp vào thân. Cũng đừng trách trời gần trời xa". Cứ yên tâm mà theo nghề của mình thôi." Yên tâm theo nghề, nên cho đến ngày cuối cuộc đời, ông vẫn tin rằng mình còn thở thì mình vẫn còn cơ hội diễn. Vẫn còn vai diễn đang chờ mình phía trước.
Nhưng, vào một buổi tối đầu đông Hà Nội, Phạm Bằng và vai diễn cuối cùng đã mãi mãi lỡ hẹn với nhau!