Tại Việt Nam, vào khoảng thời gian này trong năm có lẽ bạn sẽ nhìn thấy cụm từ "Black Friday" xuất hiện trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, từ các trang thương mại điện tử cho đến truyền hình. Còn tại Mỹ, sức nóng của "thứ 6 đen tối" thậm chí còn góp phần sản sinh ra một ngành nghề mà trước đó ít ai nghĩ tới, đó là nghề "xếp hàng chuyên nghiệp".
Bạn không hề nghe nhầm đâu. Ngành nghề kỳ quái này tới từ nhu cầu rất đơn giản của nhiều người trong dịp mua sắm: Xếp hàng trước sẽ mua được những đồ giảm giá "ngon" hơn. Mọi người thuê các tay xếp hàng chuyên nghiệp để thay mình "xí chỗ" tại các cửa hàng smartphone, đồ gia dụng, bán vé dịch vụ ăn uống và vô số thứ khác.
Xếp hàng nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp, có thu nhập không hề tồi
Không hề phức tạp, không phải nghĩ ngợi nhiều, những người xếp hàng chuyên nghiệp này có thể kiếm được tới 35 USD/giờ (800.000 VND) và thậm chí lập ra hẳn các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tương tự, một trong số đó có thể kể đến công ty "Skip the Line".
Jennifer Goff, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty đã chia sẻ: "Vì mọi người không có nhiều thời gian, thế nên dịch vụ này thực sự sẽ giúp họ có thể làm được những gì mà họ muốn".
Khi chỉ cần ngồi đợi mà vẫn làm ra tiền
Ý tưởng của Goff xuất phát từ giữa năm 2017, khi 1 quán bar phong cách Game of Thrones được mở ra tại Washington. Các fan của dòng phim này kéo đến rất đông và phải xếp hàng trong một thời gian dài mới có thể vào bên trong, từ đó Goff nhận ra đây chính là cơ hội kinh doanh của mình.
Trước đó, Goff cũng hay dạo quanh các sự kiện mua sắm để đề nghị cung cấp dịch vụ xếp hàng, giúp người mua có thể đi chơi, đi ăn ở đâu đó mà khi quay lại vẫn được giữ chỗ, số tiền anh kiếm được từ công việc này cũng không hề ít.
Vừa xếp hàng vừa đọc sách, lại còn có thêm tiền, tại sao không?
Một trường hợp khác là công ty "Same Ole Line Dudes" tại New York City cũng kinh doanh bằng dịch vụ tương tự. Người sáng lập ra công ty, anh Robert Samuel đã bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2012, sau khi anh bị sa thải khỏi AT&T.
Là một fan Apple, anh đã đăng tải một mẩu quảng cáo lên mạng, cho biết mình có thể xếp hàng chờ đợi để mua iPhone hộ bất kỳ ai. Khách hàng đầu tiên của anh sau đó đã cho anh "leo cây" bằng cách đặt mua iPhone online, thế nhưng Samuel sau đó đã bán được chỗ đợi của mình với giá lên tới 325 USD.
Xếp hàng thời hiện đại: Dùng cả ứng dụng để đặt lịch
Darren Hromadka cũng là một người đã tham gia vào ngành xếp hàng này kể từ khi anh học đại học tại Omaha, Nebraska, không phải với tư cách người cung cấp dịch vụ hay khách hàng, mà như một bên thứ 3 kết nối giữa những người có nhu cầu và những ai có thể xếp hàng giúp họ.
Cụ thể, Hromadka đã tạo ra một ứng dụng có tên "InLine4You" có cách dùng đơn giản: Người có nhu cầu sẽ đăng tải yêu cầu của mình lên ứng dụng, đưa ra mức giá họ sẵn sàng trả cho những ai có thể xếp hàng. Sau đó, người mua dịch vụ sẽ trả tiền cho người xếp hàng khi 2 bên gặp nhau. Hiện ứng dụng InLine4You đã có mặt trên toàn thế giới, thu hút được tới 22.000 lượt download.
Cảnh tượng thường thấy tại Mỹ mỗi mùa mua sắm
2 công ty Skip the Line và Same Ole Line Dudes cũng có cách hoạt động tương tự, nhưng họ lại đưa ra mức giá cố định, trả cho người xếp hàng từ 30 USD 1 giờ. Nếu xếp hàng trong thời tiết khắc nghiệt, trong dịp mua sắm đông đúc hay phải giao hàng tận nơi, mức giá thậm chí còn cao hơn.
Ngành nghề không dành cho những ai thiếu kiên nhẫn
Không như các dịch vụ xe ôm, taxi hay shipper thời công nghệ, công việc xếp hàng hộ đòi hỏi người làm phải có nhiều thời gian rảnh và cực kiên nhẫn, vì vậy mà nó thu hút được rất nhiều sinh viên cũng như những người đã nghỉ hưu.
Nhà sáng lập ra công ty Same Ole Line Dudes cùng các nhân viên của mình đang "tác nghiệp" tại một cửa hàng mua sắm
Còn đối với phí dịch vụ, nếu so sánh giữa mức giá mà khách hàng phải trả với những gì họ có thể tiết kiệm được khi mua được hàng giảm giá, số tiền lên tới 100 USD cho vài tiếng thuê người xếp hàng hộ là rất nhỏ. Đặc biệt với những dịp như Black Friday đang diễn ra.
Cuối cùng, nhà sáng lập ứng dụng InLine4You, anh Hromadka chia sẻ: "Chúng ta đều có thể mua sắm online, tuy nhiên vẫn có những nơi chỉ ưu đãi khi họ đến mua tại cửa hàng. Từ TV, iPhone cho tới máy tính bảng. Món đồ càng lớn, mọi người càng có nhu cầu xếp hàng để mua. Đó là lý do vì sao dịch vụ này lại trở nên hot đến vậy vào dịp Black Friday".
Tham khảo Yahoo Finance