Truyền thông Thái Lan cho biết 21 du khách nước ngoài đến Thái Lan đã được giám sát vì có các triệu chứng mắc Ebola. Còn tại Philippines, ngoài 7 người bị nghi nhiễm virus Ebola thì những người đến từ Tây Phi sẽ bị giám sát trong vòng một tháng.
Hồng Kông thì tuyên bố cách ly các hành khách từ Guinea, Sierra Leone và Liberia nếu có dấu hiệu mắc Ebola. Chính quyền Malaysia cũng tăng cường các biện pháp đề phòng dịch bệnh Ebola, yêu cầu các sân bay nhận diện, kiểm tra các hành khách có dấu hiệu mắc vi rút Ebola để kịp thời xử lý.
Các quốc gia Đông Nam Á đang phải tăng thêm các biện pháp đề phòng Ebola, kiểm tra sức khỏe hành khách
trong quá trình làm thủ tục lên máy bay, kiểm tra thân nhiệt các khách du lịch tại cửa khẩu.
Ngày 9/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế về phòng chống dịch Ebola. Cho đến nay, tại châu Á và Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.
Bộ Y tế đang rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch
và xây dựng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng chống
dịch bệnh khi xảy ra.
Dịch bệnh Ebola đe dọa khu vực Đông Nam Á làm nhiều người Việt hoang mang lo sợ.
Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng: Sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Trong bối cảnh chưa có biện pháp điều trị hiệu quả và chưa có vắc xin cho người, việc nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm Ebola và các biện pháp bảo vệ cá nhân là cách duy nhất để giảm nhiễm bệnh và tử vong ở người.
Hiện chưa có vắc xin nào cho bệnh Ebola. Nhiều vắc xin đang được thử nghiệm nhưng chưa có loại nào được sử dụng trên lâm sàng.
Ngày 8/8 vừa qua, chủ nhân facebook có tên Thư Đỗ đã chia sẻ các phương hướng phòng tránh các dịch bệnh nói chung và cách phòng ngừa virus Ebola nói riêng. Những chia sẻ của chị được nhiều người củng share lên facebook cá nhân để phòng tránh. Được biết, chị Thư Đỗ tên thật là Đỗ Anh Thư, 27 tuổi, hiện là giám đốc của một công ty chuyên về mỹ phẩm.
Bài viết của chị Thư Đỗ đang được cộng đồng đặc biệt quan tâm.
Chị cho biết: "Công việc của mình đòi hỏi chất lượng mỹ phẩm làm ra phải chú trọng việc khử trùng và đảm bảo vệ sinh trong quá trình sản xuất. Và mình cũng biết đôi chút về một số loại nguyên liệu có khả năng làm sạch, khử độc, nên mình viết bài này hy vọng giúp được cho mọi người vì hiện thông tin trên mạng chưa nói nhiều đến phương hướng phòng tránh."
Theo chị Thư, có thể phòng ngừa virus Ebola theo các cách sau:
"1. Cồn 90 độ
Cồn 90 độ có khả năng sát khuẩn mạnh. Chuẩn bị một chai cồn 90 độ và cho vào một chai xịt phun sương. Luôn mang cái này theo người. Xịt lên quần áo trước khi ra đường. Xịt lên bàn ghế làm việc. Xịt lại lên người khi vào những nơi đông đúc. Xịt vào các nắm đấm cửa trước khi sờ vào (cực kỳ quan trọng, nhất là các phòng vệ sinh, nhiều người không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, mà các bạn biết Ebola lây qua đường dịch tiết của người bệnh), xịt vào bệ bồn cầu công cộng. Xịt giầy và đế giầy. Lưu ý không xịt vào ổ điện hoặc lửa.
2. Nước muối sinh lý NaCl 0,9%
Khả năng sát khuẩn của nước muối sinh lý cũng rất cao. Dùng để súc miệng, xịt lên da người và rửa đồ đạc.
3. Gel rửa tay khô
Nhìn chung nó cũng có nhiều cồn ở trong đấy, nhưng tiện dùng trên da hơn cồn y tế. Mang 1 chai này và rửa tay hoặc một vùng da nào đó nếu thấy cần.
4. Giấy vệ sinh
Ở nơi ngày xưa mình thực tập ở Mỹ
có một thứ rất văn minh là có một sọt rác ở ngoài các phòng vệ sinh công
cộng. Khi bạn đi vệ sinh xong, chuẩn bị ra cửa thì rút 1 tờ paper
towel, dùng nó để mở nắm đấm cửa và vứt khi ra khỏi phòng vệ sinh. Ở VN
không có cái sọt rác nào ngoài phòng vệ sinh nhưng bạn nên chuẩn bị giấy
vệ sinh trước khi tiếp xúc với bất cứ cái gì có khả năng có nhiều người
sờ vào đấy.
5. Than hoạt tính
Nó dùng để khử độc (dùng cho khẩu trang, lọc nước, khử độc và mùi hôi của phòng, tủ lạnh) và hút ẩm. Bạn nên mua than hoạt tính loại cục to để trong các phòng ở nhà, ở cơ quan. Với than hoạt tính dạng viên dùng để khử độc phòng, vài ngày bạn nên phơi nắng một lần.
6. Dầu tràm
Không phải ngẫu nhiên mà nó được coi là "thuốc trị bách bệnh" của dân mình ngày xưa. Nó có khả năng diệt khuẩn, sát trùng vết thương, giảm đau, tránh cảm giải cảm... Ngày nào cũng chấm dầu tràm khắp người cho con, ngâm chân với dầu tràm và muối. Dầu tràm và tinh dầu tràm trà (tea tree essential oil) có họ gần với nhau.
7. Một số loại tinh dầu
Tinh dầu oải hương - lavender - có nguồn gốc tên tuổi của nó là một từ latinh nào đó liên quan đến "làm sạch". Từ tiếng pháp "laver" nghĩa là "rửa". Nó có khả năng diệt khuẩn, tại chỗ mình, vào 8h sáng hằng ngày luôn có 1 nghi lễ đốt tinh dầu oải hương trong phòng kỹ thuật trong các bước làm sạch phòng. Bạn cũng có thể đốt những gì có khả năng làm sạch và bay hơi (như các loại tinh dầu khác, dầu tràm, nhưng đừng nghĩ đến việc đốt cồn vì nó có thể gây cháy và nó dễ làm bạn bị say).
Tinh dầu khuynh diệp là một thứ có thể bạn rất ghét mùi (nó là dầu gió ý) nhưng khả năng diệt khuẩn của nó vào hạng nhất.
Tinh dầu tràm trà (tea tree essential oil) ngoài việc mình nói ở trên
thì cũng được cho rằng sẽ làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể nếu sử
dụng hàng ngày. Bạn có thể mua một sản phẩm dưỡng da có tinh dầu tràm
trà (nhưng cần chắc chắn hãng đó dùng tinh dầu, không phải hương liệu.
Nếu là tinh dầu thì thành phần nó ghi là Melaleuca Alternifolia (Tea
Tree) Leaf Oil, nếu là hương liệu thì sẽ được ghi trong thành phần là
Fragrance, hoặc Perfume. Đừng tin người bán hàng vì nhiều người bán hàng
ko biết sản phẩm mình có gì đâu). Sử dụng các sản phẩm dưỡng có tinh
dầu tea tree là một cách để bảo vệ sức khỏe đường dài và lười biếng. Dầu
tràm là một người anh em của tinh dầu tea tree, cũng được dùng vào mục
đích tăng khả năng đề kháng (mà thật ra thì dầu gió cũng vậy)
8. Khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang y tế, và găng tay y tế
Khẩu trang than hoạt tính là một thứ cực kỳ cần thiết. Đừng tiếc mấy chục nghìn. Khẩu trang y tế là cái để bạn dùng nếu thấy cái khẩu trang than hoạt tính là ngột ngạt. Găng tay y tế thì nên phòng 1 - 2 đôi trong cặp. Sẽ không bao giờ bạn lường được các vấn đề. Ví dụ có tai nạn giữa đường với máu me be bét và bạn muốn giúp đỡ chẳng hạn. Trong dịch tiết của người có thể có đủ thứ: Ebola, HIV..."
Hơn 500 lượt like và gần 900 lượt chia sẻ thông tin bài viết này. Có thể nói, cộng đồng đang rất cần những giải pháp cụ thể về việc phòng chống căn bệnh đại dịch thế kỷ này.
Chị Thư cũng cho biết, đây chỉ là những cách mà chị sẽ làm theo để trấn an tinh thần trước tiên vì bản thân chị cũng nghi ngờ về tính khả thi. "Nhưng mà đôi khi mình nghĩ cứ dùng những biện pháp truyền thống nhất và cơ bản nhất lại là lời giải cho những diễn biến bất thường, dĩ bất biến ứng vạn biến."
Sơ đồ dịch Ebola qua các thời kỳ. Thế giới đang trải qua đợt dịch Ebola lớn nhất trong vòng 4 thập kỷ vừa qua. Đã có 200 cán bộ y tế bị lây nhiễm căn bệnh này.