Nguy cơ gặp chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm biến thể Omicron - Ảnh 1.

Người phụ nữ đi ngang qua bức tranh COVID-19 trên một con phố ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, nhiều tuần sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, một số bệnh nhân đã được chẩn đoán gặp chứng COVID-19 kéo dài. Chuyên gia Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các tác động của hội chứng này thường xuất hiện khoảng 90 ngày sau khi các triệu chứng của bệnh COVID-19 biến mất.

Bà Kerkhove cho biết bà chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra tỉ lệ người gặp chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm Omicron thay đổi so với các biến thể trước đó. Tiến sĩ Linda Geng tại Đại học Stanford, người đồng chỉ đạo một trong nhiều phòng khám chuyên điều trị chứng COVID-19 kéo dài, nói rằng mặc dù bà không thể chắc chắn, nhưng rất có thể sẽ có một làn sóng bệnh nhân mới liên quan đến hội chứng này. “Chúng ta cần phải thận trọng và chuẩn bị cho tình huống đó”, bà nói.

Nhìn chung, một số ước tính cho thấy trên 1/3 số người sống sót sau COVID-19 sẽ phát triển một số triệu chứng COVID-19 kéo dài. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở, lo lắng và nhiều vấn đề khác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng COVID-19 kéo dài có nhiều nguy cơ xảy ra đối với những người phải nhập viện sau khi nhiễm bệnh, nhưng một số nhà khoa học cho biết tình trạng này cũng có thể xảy ra ngay cả ở người chỉ mắc bệnh nhẹ.

Omicron đã giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành biến thể thống trị toàn cầu, chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện ở phía nam châu Phi vào cuối năm ngoái. Dù biến thể này gây ra bệnh nhẹ hơn so với chủng Delta, nhưng nó vẫn khiến nhiều bệnh viện chịu áp lực vì quá tải.

Trong khi đó, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra nguyên nhân đằng sau tình trạng bí ẩn này.  Một số giả thuyết cho rằng COVID-19 kéo dài có thể là tình trạng rối loạn tự miễn dịch sau khi mắc bệnh. Các nhà khoa học khác cho rằng có lẽ các virus tiềm ẩn trong cơ thể đã được kích hoạt trở lại sau khi người nhiễm virus SARS-CoV-2 khỏi bệnh.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu liệu vaccine có thể giải quyết tình trạng này hay không. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Yale đang nghiên cứu xem tiêm chủng có thể làm giảm các triệu chứng COVID-19 kéo dài hay không. Hai nghiên cứu khác đã đưa ra bằng chứng ban đầu rằng việc tiêm vaccine trước khi nhiễm virus có thể giúp ngăn ngừa chứng COVID-19 kéo dài hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.