TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2023, bệnh dại tăng ở một số tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ, bệnh tay chân miệng gia tăng ca mắc, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra 10 tỉnh thành và chưa có dấu hiệu chững lại. Ngoài ra, cúm gia cầm và các tác nhân gây bệnh hô hấp có thể gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh giao thương toàn cầu phát triển sau đại dịch COVID-19.

Trong đó, bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) đang có những diễn biến khó lường. Theo thống kê của Viện Pasteur, khu vực phía Nam đã ghi nhận 117 trường hợp mắc, trong đó có 6 người tử vong. Các bệnh nhân Mpox đều đồng nhiễm HIV nhưng không điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) hoặc mới bắt đầu quá trình điều trị.

Nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm mới nổi - Ảnh 1.

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi luôn tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Vân Sơn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, cả nước đang ghi nhận sự gia tăng của bệnh tay chân miệng với số mắc tăng 2,7 lần, số tử vong tăng 25 ca và týp vi rút EV71 chiếm ưu thế; bệnh mới nổi Mpox chưa có dấu hiệu chững lại.

“Dự báo năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Riêng tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục ghi nhận týp vi rút EV71 gây bệnh cảnh nặng, do chu kỳ dịch kéo dài 2 năm liền kề”, bà Hương dự báo.

Theo bà Hương, ở khu vực phía Nam trong năm 2024, bệnh lây truyền qua động vật vẫn có nguy cơ cao, có thể xuất hiện trở lại bất cứ khi nào, do nơi đây thường xuyên phát hiện ổ dịch trên động vật như ổ dại trên chó, ổ dịch cúm A/H5, A/H7 trên gia cầm.

Ngoài ra, bệnh COVID-19 vẫn còn yếu tố khó lường, chưa mang tính chất ổn định về xu hướng và tác nhân vi rút. Bên cạnh đó, các tác nhân gây viêm đường hô hấp cũng có xu hướng khó dự đoán như trong thời gian qua. Ngoài Mpox tiếp tục có ca mắc mới trên nhóm nguy cơ cao, HIV có xu hướng gia tăng trong khi đó sốt xuất huyết có nguy cơ bùng dịch.

Tuy nhiên, theo Viện Pasteur, hiện nay kinh phí đầu tư, giải ngân cho hoạt động giám sát, điều tra đáp ứng dịch, xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị còn gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, còn tâm lý e dè của các địa phương trong mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc điều trị đặc hiệu khiến các hoạt động phòng, chống dịch thường xuyên bị ngưng trệ.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cơ quan y tế các địa phương cần chủ động tham mưu, trình HĐND, UBND các cấp để ban hành các chính sách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng vấn đề kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng, chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương.

Về việc cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ngày 22/12 cho biết, đầu năm 2024, Bộ Y tế sẽ phân bổ 500.000 liều vắc xin 5 trong 1 cho tất cả các địa phương trên cả nước. Ngay trong quý đầu năm mới, chiến dịch tiêm chủng sẽ đồng loạt được triển khai cho trẻ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát trở lại các loại bệnh đã có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.