Nhập viện sau khi ăn tiết canh

Trong một tháng gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị liên cầu lợn do ăn tiết canh.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân L.X.Đ (59 tuổi, tại Thái Bình) được chẩn đoán viêm màng não mủ và có lạm dụng rượu (mỗi ngày uống khoảng 500ml). Trước khi vào viện 6 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn và lòng lợn tiết canh là món khoái khẩu của bệnh nhân này.

Khoảng 3-4 ngày sau ăn tiết canh lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt gai rét. Tại nhà, bệnh nhân có đi tiêm một loại thuốc không rõ tên vào bắp tay và đi làm bình thường.

Trước vào viện 1 ngày, bệnh nhân mệt, sốt, ăn kém, ý thức chậm dần, đại tiểu tiện không tự chủ. Gia đình đưa bệnh nhân tới bệnh viện huyện và được chuyển viện tới bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhân có chụp CT có kết quả viêm màng não và được chuyển tới Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Cấy dịch não tủy có kết quả liên cầu lợn, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, ông Đ. cho biết mùa hè nắng nóng nên ông mua tiết canh ngoài chợ về 'ăn cho mát ruột'. Ông không ngờ phải nằm viện vì ăn tiết canh.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

Bác sĩ Cường còn gặp một số trường hợp vào viện do ăn tiết canh ngan, vịt, dê nhưng xét nghiệm thì có vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. Nguyên nhân là do người bán có pha tiết canh lợn.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Dấu hiệu bệnh liên cầu khuẩn lợn

Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.

Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho hay bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sẽ có bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Người nhiễm liên cầu lợn cần phải tới viện điều trị sớm vì bệnh có thể diễn biến dẫn tới tử vong nếu không được điều trị sớm.

Bác sĩ Cường khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn vì có nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh lợn, giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

Trường hợp người thích ăn tiết canh mà có các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, nổi đám xuất huyết… thì nên đi viện sớm để được kịp thời điều trị.