Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả - Ảnh 1.

Test nhanh âm tính, thậm chí là thử nhiều loại test và test lại nhiều lần nhưng vẫn âm tính, tuy nhiên khi thực hiện xét nghiệm PCR thì đã cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là hiện tượng không hiếm gặp của không ít gia đình .

Trao đổi với phóng viên VTV Sức khoẻ, chị Trần Thị Loan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kể lại: "Hai cháu nhà tôi có triệu chứng rất là giống người bệnh COVID-19 nên gia đình đi mua que test về, mới đầu là test nước bọt cho các cháu đỡ sợ thì âm tính. Sau đó tôi tiếp tục test dịch tỵ hầu nhưng kết quả vẫn âm tính. Thế nhưng khi gia đình gọi bệnh viện đến test PCR thì kết quả là dương tính.

Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả - Ảnh 2.

Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả - Ảnh 3.

Kết quả âm tính giả khi chị Loan làm test nhanh cho các con

Tương tự, chị Phạm Thị Thanh Thuỷ - quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Sau khi mắc COVID-19 khoảng 1 tuần, tôi thực hiện test nhanh thì có kết quả âm tính. Tôi đã chuẩn bị tâm thế để quay trở lại làm việc rồi. Tuy nhiên, sau khi test PCR xong thì kết quả lại vẫn đang dương tính.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhất là khi biến thể phụ BA.2 của Omicron - hay còn gọi là Omicron "tàng hình" - đang chiếm phần lớn các ca mắc. Đây là loại biến chủng mà nhiều nghiên cứu cho rằng có thể "lẩn tránh" được xét nghiệm.

Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả - Ảnh 4.

Kết quả xét nghiệm PCR hoàn toàn trái ngược với việc test nhanh của nhiều người, thay vì âm tính là dương tính với SARS-CoV-2.

TS. BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải: "Hiện tượng âm tính giả có thể liên quan đến kỹ thuật lấy mẫu. Một giả thiết nữa là lượng virus đào thải ra không nhiều. Ví dụ như người mới nhiễm hoặc sắp khỏi thì lượng virus đào thải ra không liên tục. Ngoài ra, có những trường hợp biểu hiện rầm rộ nhưng mà xét nghiệm lại âm tính, nhưng có khi sau vài ngày hết triệu chứng thì xét nghiệm lại dương tính. Những trường hợp như vậy không phải hiếm trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt khi chủng mới của Omicron lan tràn".

Trên thực tế, không phải ai cũng cảnh giác và có điều kiện làm xét nghiệm PCR để khẳng định nhiễm bệnh hay là khỏi bệnh trước khi tái hoà nhập cộng đồng giống như hai gia đình ở trên. Chính vì vậy, kể cả khi có kết quả test nhanh âm tính, không chủ quan là điều các chuyên gia khuyến cáo.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường – Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo: Nếu test nhanh cho kết quả âm tính mà người dân không theo dõi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, lắng nghe cơ thể… thì virus có thể tiếp tục nhân lên dẫn đến tình trạng tái dương tính.

TS. BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo thêm: Người dân dù test nhanh âm tính vẫn không nên chủ quan, thay vào đó vẫn nên cẩn thận, theo dõi tiếp triệu chứng, đảm bảo thực hiện tốt 5K để phòng bệnh cho những người khác. Bởi nếu nồng độ virus nếu tiếp tục tăng ở những ngày sau đó, có thể lây nhiễm tiếp cho cộng đồng. Đây chính là một nguồn lây tiềm tàng cần cảnh giác.