Nam thanh niên 19 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng có cơn rét run, môi khô; vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế...
Suy hô hấp, tử vong nhanh
Bệnh nhân cho biết trước đó đã tự nặn mụn ở mép môi dưới bên má trái. Sau đó, bệnh nhân sốt 38 độ, lên cơn rét run, đã tự dùng hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus từ ổ áp xe vùng mặt - cằm trái, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát viêm phổi hoại tử 2 bên.
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu. Trong bệnh lý nhiễm khuẩn huyết thường xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỉ lệ tử vong cao. Với bệnh nhân này trước đó chỉ bị mụn trứng cá. Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực. Thế nhưng, khi nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh. Trong khi khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí tử vong.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị cho khoảng 10 trường hợp mắc bệnh uốn ván nặng. Các bệnh nhân nhập viện đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà không triệt để, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, họ mới nhập viện điều trị. Điển hình là nam bệnh nhân (66 tuổi, ở Hải Dương) bị gai đâm vào chân đã tự xử lý tại nhà nhưng không tiêm phòng uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt, bệnh nhân mới nhập viện điều trị, sau đó bệnh tiến triển co cứng cơ toàn thân, suy hô hấp, phải đặt ống và thở máy.
Một trường hợp khác cũng đang điều trị uốn ván là người đàn ông (64 tuổi, ở Thái Bình), có bệnh nền tăng huyết áp và suy tim. Khoảng 7 ngày trước khi vào viện, ông bị vết thương ở cẳng tay phải do sinh hoạt. 3 ngày sau, ông bị cứng hàm, khó nuốt và tiến triển nặng dần, khi được đưa vào bệnh viện thì đã trong tình trạng co cứng toàn thân, phải thở máy.
Là tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm phía Nam, mỗi năm, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU) Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận khoảng từ 200-300 bệnh, trong đó 70%-75% là bệnh nặng. Theo BS chuyên khoa 2 Trương Ngọc Trung, Trưởng Khoa ICU, nhiều bệnh nhân uốn ván nặng phát cơn cò gồng toàn thân, thở máy, được cho dùng thuốc, người bệnh mới qua cơn. Có bệnh nhân rất nặng bị rối loạn thần kinh thực vật, mạch và huyết áp dao động rất nhiều, tổn thương tim, nhồi máu cơ tim cấp.
Các bác sĩ cảnh báo có những vết thương người bình thường không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng, bởi sâu bên trong đó có thể đã nhiễm các vi khuẩn. Khi chúng phát triển có thể đi vào máu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết hậu quả rất nặng. Đã có nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng bàn tay do chủ quan với vết thương nhỏ trong lúc nấu ăn khiến ngón tay sưng tấy đỏ lan rộng lên bàn tay và cổ tay dẫn đến hoại tử nghiêm trọng. Dù chỉ là một vết thương, vết rách da nhẹ nhưng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể sẽ trở nên nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến sức khỏe chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.
Nhận diện và xử lý
Theo các bác sĩ, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván gây ra. Thông thường nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết vết thương hở có thể được phân thành các dạng như: Da bị trầy xước khi cọ xát vào bề mặt nhám và cứng. Vết thương dạng này thường ít chảy máu nhưng vẫn cần vệ sinh để tránh bị nhiễm trùng. Vết rách do bất cẩn khi sử dụng dao, các dụng cụ và máy móc thường xảy ra rách da. Vết thủng là vết thương thường có dạng một lỗ nhỏ gây ra bởi các vật dài, nhọn như móng tay hoặc kim. Vết thương mất da là một phần da và mô dưới da bị rách và rơi ra hẳn.
Với các vết thương hở có thể rất nhỏ từ vết xước da, vết kim đâm, đứt tay cho đến những vết thương lớn hơn như đứt da sâu, rách da mảng lớn... đều cần có cách xử lý thích hợp, tránh việc nhiễm trùng. Đối với các vết thương hở nhưng nông, vết nhỏ gọn, nhìn sạch thì có thể rửa bằng các dung dịch sát khuẩn, sau đó băng kín vết thương. "Cần rửa sạch và sát trùng, giữ vết thương sạch để tránh nhiễm trùng và nguy cơ hoại tử. Nếu giẫm phải vật nhọn như đinh, sắt, gai thì cần xử lý vết thương ngay lập tức, sau đó đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị phòng ngừa bệnh uốn ván" - bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Minh, người mắc bệnh uốn ván thường có biểu hiện ban đầu là cứng hàm và khó há miệng, sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không đi lại được. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ. Thời gian ủ bệnh uốn ván có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
"Uốn ván không ngoại trừ một ai, dịch tễ uốn ván dường như chỗ nào cũng có và nha bào uốn ván tồn tại được trong các môi trường rất khắc nghiệt (như nhiệt độ cao, ánh sáng khô...). Vì vậy, người dân cần chú ý việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở. Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Đối với người mắc uốn ván sau khi ra viện, cần tiêm nhắc lại vắc-xin sau một tháng ra viện và nhắc lại sau mỗi năm hoặc 10 năm hoặc ngay sau khi có vết thương hở nhiễm bẩn mới" - một chuyên gia nhấn mạnh.
20% không rõ ngõ vào
Theo các chuyên gia, phần lớn những trường hợp uốn ván là trong độ tuổi lao động và chưa được tiêm ngừa uốn ván. Vết thương cửa ngõ gây bệnh uốn ván thường bắt nguồn từ những vết xước, vết trầy do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đạp đinh, gai, sâu răng, tiêm chích không vô khuẩn... Khoảng 20% bệnh nhân không rõ vết thương ngõ vào.