Trong kho tàng ẩm thực dân gian, thịt lợn không chỉ là nguồn thực phẩm quen thuộc mà còn ẩn chứa những nguyên liệu quý giá với nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, dạ dày lợn, một bộ phận tưởng chừng như bình thường, lại được y học cổ truyền đánh giá cao về khả năng kiện tỳ, ích vị, bổ hư nhược. 

Theo "Bản thảo cương mục", dạ dày lợn có tác dụng bồi bổ dạ dày, dưỡng khí, rất thích hợp cho người suy nhược, thể trạng yếu. Không chỉ vậy, dạ dày lợn còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là sắt, giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện chức năng tạo máu và ngăn ngừa thiếu máu. Trong tiết trời đông giá lạnh, những món ăn từ dạ dày lợn không chỉ mang đến hương vị thơm ngon, ấm bụng mà còn là phương thuốc dưỡng sinh tuyệt vời, giúp tăng cường sức đề kháng, xua tan bệnh tật.

1. Canh dạ dày củ mài

Nguyên liệu gồm 1 cái dạ dày lợn nhỏ, hành cắt khúc, gừng thái lát mỏng, 1 ít tiêu Tứ Xuyên, 2 củ mài, muối, tiêu trắng, rượu nấu ăn, một nhúm kỷ tử, giấm, bột mì.

Đầu tiên, cho bột mì vào dạ dày rồi chà xát trong vài phút. Rửa sạch, thêm một thìa giấm vào rồi chà xát thật kỹ lần nữa. Tiếp đó, cho gừng lát, tiêu Tứ Xuyên, 1 thìa rượu nấu ăn vào nồi nước lạnh, thêm dạ dày, đun sôi. Củ mài gọt sạch vỏ, cắt miếng vừa ăn.

Sau khi sôi, vớt dạ dày ra thái nhỏ miếng vừa ăn. Thêm hành, gừng phi thơm cùng chút dầu ăn trong nồi. Đổ dạ dày vào xào sơ, thêm 2 bát tô nước. Đun sôi ở nhiệt độ cao, sau đó giảm lửa hầm trong khoảng 45-60 phút. 

Khi canh dạ dày gần được, thêm củ mài đã cắt nhỏ, chút muối vào và nấu thêm trong khoảng 20 phút nữa. Sau cùng, rắc chút kỷ tử vào là được. Trước khi thưởng thức, rắc chút tiêu trắng để canh thơm hơn.

2. Canh dạ dày phù trúc

Nguyên liệu gồm 1 cái dạ dày nhỏ, 1 ít măng củ, 1 ít ngó xuân (rau tiến vua), vài cái nấm hương tươi, 1 ít phù trúc (váng đậu), 1 nhúm kỷ tử, hành, gừng, tỏi, tiêu Tứ Xuyên, tiêu trắng, muối.

Đầu tiên, dạ dày mang rửa sạch với nước rượu gừng để loại bỏ tạp chất và giúp dạ dày có mùi thơm hơn khi hầm canh. Măng và rau tiến vua đều thái nhỏ miếng vừa ăn. Nấm hương rửa sạch, cắt chân. Nếu dùng nấm hương khô thì ngâm với nước ấm có thêm chút bột mì, nấm sẽ nở nhanh hơn.

Phù trúc mang ngâm nở cho mềm. Dạ dày thái miếng nhỏ vừa ăn. Cho dạ dày vào nồi, đổ một lượng nước thích hợp, thêm hành, gừng, tỏi, một ít tiêu Tứ Xuyên, đậy nắp và đun sôi trên lửa lớn. Sau đó, chuyển sang lửa nhỏ khoảng 10 phút. Thêm phù trúc, nấm hương, măng vào đun sôi trên lửa lớn. Tiếp đó, lại để lửa nhỏ, đến khi canh chuyển sang màu trắng đục thì cho rau tiến vua vào. Nêm nếm lại cho vừa miệng với muối và tiêu. Thêm kỷ tử. Sau cùng, có thể rắc chút hành lá vào.

3. Canh dạ dày sườn 

Nguyên liệu gồm 200g dạ dày, 150g sườn, muối, gừng, tiêu trắng, tiêu Tứ Xuyên, tinh bột bắp, rượu nấu ăn.

Đầu tiên, dạ dày bóp sạch bằng rượu nấu ăn và tinh bột bắp cả hai mặt. Rửa sạch, sau đó cho vào chần trong nồi nước đun có cho tiêu Tứ Xuyên, cách này khử mùi rất tốt. Tiếp đó, thái miếng dài vừa ăn. 

Cho gừng thái lát, tiêu trắng thơm, sườn đã chần sơ vào cùng với dạ dày. Thêm lượng nước vừa phải, đun sôi ở lửa lớn, sau đó hạ lửa nhỏ hầm trong 1 đến 1h30 cho canh chuyển sang màu trắng sữa thơm ngon. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Có thể rắc chút hành lá thái nhỏ sau khi canh đã hoàn thành.

Nguyên liệu quý từ lợn có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, mang làm món dưỡng sinh mùa đông ai cũng mê - Ảnh 6.

Chúc bạn thực hiện món canh dưỡng sinh mùa đông từ dạ dày thành công!