Chào bác sĩ. Em năm nay 24 tuổi và đã có gia đình. Kinh nguyệt của em không đều và thường bị đau lưng kéo dài. Tháng nào em cũng bị trễ kinh, thường bị trễ từ 1-2 tuần. Khi có kinh, em đau bụng dữ dội và không làm được gì. Chân tay bủn rủn, không ăn uống được gì và hay bị ói. Máu kinh ra rất đặc như vón cục. Dù vợ chồng em không kiêng cữ gì gần 6 tháng nay nhưng em vẫn không có con. Em đã từng đi khám lưng và bác sĩ chụp X-quang nhưng không tìm được bệnh. Liệu em có phải bị bệnh phụ khoa ko bác sĩ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Em xin cảm ơn! (Phương Hà)
Trả lời:
Bạn Phương Hà thân mến!
Qua mô tả của bạn thì có thể thấy bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt, dẫn đến kinh nguyệt không đều. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do các bệnh phụ khoa, sinh hoạt hàng ngày, ăn uống, tâm trạng không ổn định...
Đau lưng, đau bụng, buồn nôn, chân tay bủn rủn... là những triệu chứng có thể gặp trong chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên, mức độ thế nào hoặc biểu hiện ra sao thì có thể khác nhau đối với từng người.
Đau bụng kinh có nhiều mức độ, nhẹ thì chỉ là cảm giác đau bên ngoài khung xương chậu, đau âm ỉ vùng bụng dưới, lưng và các chi mỏi mệt; nặng có thể quặn đau dữ dội kèm chứng đau đầu, mất ngủ, buồn nôn…
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh mà bạn nên biết như:
- Tử cung co thắt quá mạnh khiến máu kinh lưu thông chậm, cơ tử cung phải co bóp mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài, dẫn đến đau bụng kinh.
- Ống cổ tử cung quá hẹp khiến cơ tử cung phải co bóp mạnh gây đau bụng.
- Cơ tử cung co bóp mạnh kết hợp hàm lượng prostaglandin trong máu kinh tăng lên, cơ thể nào có chất cảm thụ đặc hiệu với prostaglandin quá nhạy khiến cơn đau bụng càng dữ dội hơn.
- Sự giảm đột ngột progesteron và estrogen trong ngày đầu của chu kì kinh cũng là một yếu tố khiến đau bụng kinh.
- Do ăn uống đồ lạnh vào gần ngày kinh nguyệt, tâm lí tinh thần không thoải mái.
- Ngoài ra, các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung... hoặc yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Để giảm thiểu những khó chịu này, bạn nên chú ý uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm cũng sẽ giúp làm dịu cơn đau. Tránh vận động mạnh, giữ tâm lý thoải mái, tránh xúc động mạnh, hạn chế ăn đồ cay nóng, tránh ăn nhiều tinh bột, thay vào đó ăn nhiều rau củ quả...
Nếu các cơn đau gây khó chịu, bạn có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ để dùng thuốc giảm đau.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, tốt nhất bạn nên đi khám phụ khoa sớm để biết nguyên nhân chính xác. Những rắc rối liên quan đến kinh nguyệt đó có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn, khiến bạn khó thụ thai. Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nhé!
Chúc bạn vui khỏe!
Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:[email protected]. |