Theo thông tin từ sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, sáng ngày 28/7/2020, chỉ số chất lượng không khí (CLKK) tại các điểm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội tăng cao, dao động từ 40 - 288. Tại một số trạm quan trắc Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT), Kim Bài có một số giờ chạm ngưỡng “Rất xấu” (màu tím – mức cảnh báo 5/6). 

Cụ thể, chỉ số CLKK tại điểm Chi cục BVMT dao động trong khoảng 201- 211 (màu tím) từ 8:00 – 10:00h, chỉ số CLKK tại điểm Kim Bài dao động trong khoảng 229 - 288 (màu tím) từ 4:00 – 07:00h.

Nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 28/7 - Ảnh 1.

Chất lượng không khí của Hà Nội xuống mức "rất xấu" trong sáng 28/7.

Nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí rất xấu?

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho rằng, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí: Phát thải cục bộ (hoạt động sản xuất, giao thông…), điều kiện khí tượng (tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm…) và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận.

"Những ngày vừa qua, điều kiện khí tượng cũng có sự thay đổi tương đối có quy luật. Đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.3 – 1.8 m/s), hướng gió không cụ thể (quẩn gió), ban ngày nắng nhẹ, nhiều mây, về đêm nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn Thành phố. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Dưới các điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao hay vận chuyển sang vùng khác mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, tích tụ trong lớp không khí này, gây ô nhiễm cục bộ", sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho hay.

Cụ thể, đối với điểm quan trắc tại Chi cục BVMT có chỉ số CLKK chạm ngưỡng rất xấu trong vài giờ sáng nay. Khu vực này có mật độ dân cư đông đúc, phát thải từ các hoạt động dân sinh kết hợp với các nguồn thải giao thông từ các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao như đường Trần Duy Hưng (cách khoảng 300m), đường Láng (cách khoảng 500m) đã phát tán một lượng lớn các chất ô nhiễm ra ngoài môi trường. Đặc biệt, đây là khu vực hạ tầng đô thị với các toà nhà cao tầng, các dãy nhà san sát nhau tạo ra nhiều “bức tường” ngăn cách, cản trở sự phân tán các chất ô nhiễm. Thêm vào đó là điều kiện bất lợi của các yếu tố khí tượng: lặng gió, nhiệt độ thấp… đã khiến CLKK tại đây chạm ngưỡng rất xấu trong vài giờ.

Nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 28/7 - Ảnh 2.

Trong sáng 28/7, không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới.

Trạm quan trắc Kim Bài, do trạm này gần Quốc lộ 21B – tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, đồng thời, còn là điểm nóng môi trường với những bãi tập kết rác thải sinh hoạt mọc lên san sát, ven đường quốc lộ này, chạy dọc từ ngã 3 Ba La (quận Hà Đông) qua Kim Bài (huyện Thanh Oai) tới thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa). Ảnh hưởng từ các nguồn phát thải từ các hoạt động dân sinh trong khu vực, từ hoạt động giao thông trên QL21B, từ các điểm nóng rác thải bị ùn ứ, các hoạt động đốt rác… cùng với ảnh hưởng bất lợi của yếu tố khí tượng chung cho cả Hà Nội, dẫn đến nồng độ chất ô nhiễm tại điểm này tăng cao, tích tụ trong nhiều ngày trước đó, CLKK chạm ngưỡng rất xấu trong vài giờ sáng nay.

Đến trưa, khi đã có nắng, nền nhiệt độ tăng thì nồng độ bụi có xu hướng giảm, không có trạm nào CLKK chạm ngưỡng rất xấu (màu tím).

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, chuyên gia môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: “Từ ngày 27/7, tình hình không khí ở Hà Nội bắt đầu ô nhiễm trở lại. Sáng 28/7, từ khoảng 4-5h sáng chất lượng không khí xuống mức rất tệ. Đây là điều khá hiếm gặp khi Hà Nội đang là giữa mùa hè. Dự đoán ban đầu là do thời tiết thay đổi (nhiệt độ, gió ...) nên bụi không khuếch tán, phát tán đi được”.

Người dân cần làm gì để bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí?

Kết quả quan trắc cho thấy, thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm vào thời gian người dân đi làm và học sinh đi học. Do đó, để có thể bảo vệ cho chính sức khỏe bản thân và gia đình, sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội khuyến cáo, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống thông qua các trang công bố CLKK để có các biện pháp phòng tránh.

Nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 28/7 - Ảnh 3.

Không riêng gì Hà Nội mà nhiều tỉnh lân cận cũng ô nhiễm ở mức nguy hại.

Trong trường hợp, AQI hiển thị ở màu đỏ và màu tím, người dân nên hạn chế thời gian ở ngoài, đặc biệt nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở bên ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài cần trang bị khẩu trang đạt chuẩn có thể chống bụi PM2.5.

Chỉ số chất lượng môi trường không khí được công bố công khai trên các trang thông tin moitruongthudo.vnairhanoi.hanoi.gov.vn.

Để cải thiện chất lượng không khí Thành phố Hà Nội cần sự chung tay của cả cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, người dân không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp (đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại trừ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố Hà Nội trước 31/12/2020); cam kết không đốt rơm rạ, không đốt các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác bừa bãi; hạn chế đốt hương, vàng mã; tích cực tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây xanh tại địa phương.

Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn không gây ô nhiễm môi trường, không chở quá tải; Tất cả các xe trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào Thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 06h sáng hôm sau.

Theo thông tin dự báo từ trung tâm KTTV quốc gia, tối và đêm 28/7, Thành phố Hà Nội có mưa rải rác. Ngoài ra, nhiệt độ ban ngày giảm, sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cũng sẽ giảm. Do đó, có thể dự báo, trong những ngày tới CLKK cũng sẽ được cải thiện./.