Ngày 22/4 mới đây, một nam bác sĩ 31 tuổi công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đột nhiên ngã quỵ khi đang đá bóng. Dù được cấp cứu ngay lúc đó, nhưng bác sĩ này đã hôn mê, ngừng tuần hoàn và tử vong sau khi đi vào bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết đây là một trường hợp đáng tiếc khi diễn biến quá nặng, không thể cứu chữa.
Nắng nóng có phải nguyên nhân tử vong?
PGS Chi cho biết kết quả chiếu chụp cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện và tử vong. Trả lời về việc có phải nắng nóng là nguyên nhân khiến nam bác sĩ tử vong, PGS Chi cho biết bệnh nhân có sẵn bệnh lý bất thường mạch máu não. Đây mới chính là nguyên nhân dẫn tới việc đột quỵ.
Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng là yếu tố kết hợp dẫn tới tình trạng trên. Trận đá bóng đó dưới thời tiết nắng nóng dù không phải là nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ cho bệnh nhân, song thời điểm xảy ra vỡ mạch máu gây xuất huyết não trong thời tiết nóng hay gắng sức chơi thể thao có thể là yếu tố tăng nguy cơ", PGS Chi cho biết.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết đây là một trường hợp đáng tiếc khi diễn biến quá nặng, không thể cứu chữa.
Ai dễ bị đột quỵ?
PGS Chi cho biết hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho khoảng 30-40 bệnh nhân đột quỵ - lớn nhất miền Bắc. Số bệnh nhân tăng được xem là có liên quan tới việc nắng nóng.
Đột quỵ xảy ra khi có các yếu tố nguy cơ và các điều kiện. Cụ thể, bệnh nhân có nền cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa hoặc có các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu,…
Những bệnh nhân có nguy cơ, khi gặp nắng nóng dễ bị đột quỵ bởi đây là yếu tố thuận lợi tác động để bệnh nhân phát bệnh.
Chuyên gia phân tích thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc điều kiện khắc nghiệt khác làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám..., dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mãn tính khác, gia tăng trong thời tiết nắng nóng.
Để đối phó thời tiết nắng nóng của mùa hè, người dân cần lưu ý tránh thời gian cao điểm 12-16h, đồng thời chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ khi ra ngoài hoặc làm việc.
Đặc biệt, hiện nay mô hình bệnh tật ở nước ta khá giống các nước phát triển, khi bệnh nhiễm trùng giảm, không nhiễm trùng tăng lên. Những người trẻ cũng mang các yếu tố nguy cơ không khác người lớn tuổi. Do đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng tương tự.
Theo PGS Chi, môi trường, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Để đối phó thời tiết nắng nóng của mùa hè, người dân cần lưu ý tránh thời gian cao điểm 12-16h, đồng thời chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ khi ra ngoài hoặc làm việc.
Những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… cách duy nhất để tránh đột quỵ là duy trì uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh. Đột quỵ cần cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian 6 giờ đầu. Khi chậm chễ, bệnh nhân diễn biến nặng, dễ tử vong.
Bác sĩ này cũng lưu ý trong môi trường nắng nóng, nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như trường hợp nam bác sĩ trên.