Tiểu An là cô bé 15 tuổi, khỏe mạnh và có cuộc sống hoàn toàn bình thường như bao bạn gái khác. Thế nhưng vào thời gian phải thi cử, Tiểu An luôn cảm thấy khó chịu trong bụng, nhất là sau mỗi khi ăn. Ngày nào cũng vậy, cứ ăn xong là Tiểu An lại cảm thấy đau bụng và phải chạy vào nhà vệ sinh để đi tiêu. Mỗi ngày Tiểu An chạy vào nhà vệ sinh như vậy từ 5-6 lần.
Tình trạng này khiến cả gia đình Tiểu An rất lo lắng bởi trước đó cô bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Khi Tiểu An đến khám tại bệnh viện Linkou Chang Gung Memorial Hospital, bác sĩ Triệu Thuấn Khanh chẩn đoán cô bé mắc hội chứng ruột kích thích.
Bác sĩ Triệu Thuấn Khanh cho biết: Hội chứng ruột kích thích chia làm 3 loại, tiêu chảy, táo bón hoặc hỗn hợp cả hai.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa xác định, thông thường cho rằng do cơ quan nội tạng nhạy cảm và nhu động ruột bất thường, có thể do vi khuẩn ở đường ruột mất cân bằng, áp lực hoặc liên quan đến ăn uống.
Tỉ lệ người trưởng thành mắc hội chứng ruột kích thích từ 10 đến 20%, những năm gần đây, do áp lực học hành nên lứa tuổi thanh thiếu niên mắc hội chứng ruột kích thích ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Triệu Thuấn Khanh nhắc nhở: Người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích nếu mỗi ngày sử dụng 8-12 tỉ lợi khuẩn, sau 4 tuần khoảng 70% bệnh nhân mắc triệu chứng đau bụng sẽ cải thiện tình trạng khoảng 50%, sau 12 tuần tình trạng sẽ được cải thiện khoảng 85%.
Hội chứng ruột kích thích là một loại bệnh tâm sinh lý ảnh hưởng bởi xã hội, phương pháp điều trị chỉ có thể làm giảm triệu chứng chứ không thể điều trị dứt điểm.
Bác sĩ Triệu Thuấn Khanh nhắn nhủ: Mọi người nên cải thiện chế độ ăn uống bằng cách nạp nhiều thực phẩm như rau xanh, chất xơ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, quá ngọt, lactose cao, đặc biệt những người không thể dung nạp lactose trong sữa nên hạn chế ăn các sản phẩm từ sữa sẽ giúp giảm tần suất vào nhà vệ sinh.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng rối loạn ở ruột già có thể gây đau bụng kèm táo bón hoặc tiêu chảy.
Thức ăn trong đường tiêu hóa đi từ ruột non đến ruột già. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước và đẩy phân ra nhờ các nhu động ruột. Ở những người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột do cơ co thắt sẽ diễn ra bất thường. Cơ co thắt quá mức sẽ gây tiêu chảy. Ngược lại, cơ co thắt chậm hoặc ít sẽ dẫn đến táo bón. Nhu động ruột không liên tục và bất thường có thể gây đau bụng hoặc cảm giác muốn đi ngoài ngay lập tức.
Hội chứng ruột kích thích thường khởi phát ở lứa tuổi vị thành niên trở lên nhưng không loại trừ khả năng đến khi già, bệnh mới xuất hiện triệu chứng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích?
Những dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột kích thích bao gồm: Đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc xuất hiện cả hai. Trong đó triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc khó chịu ở bụng. Cơn đau có thể khiến bệnh nhân có cảm giác giống như bị chuột rút, và kèm theo những dấu hiệu sau:
- Cơn đau cải thiện sau khi đi đại tiện.
- Tần suất đi đại tiện có sự thay đổi.
- Phân không giống lúc trước.
Những triệu chứng khác có thể có bao gồm: cảm giác muốn đi ngoài khẩn cấp, hoặc đi ngoài không hết phân. Những triệu chứng này tái đi tái lại hàng ngày, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.
Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích là một chứng rối loạn mãn tính, có nghĩa là nó sẽ kéo dài khá lâu, thường là nhiều năm. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể đến và đi. Bạn có thể đã mắc hội chứng ruột kích thích nếu:
- Bạn đã có triệu chứng ít nhất ba lần một tháng trong 3 tháng qua.
- Các triệu chứng đầu tiên bắt đầu trong vòng 6 tháng gần đây.
Mặc dù có nhiều người mắc chứng bệnh này nhưng lại ít người đến gặp bác sĩ. Nếu bạn có những triệu chứng như trên thì nên gặp bác sĩ vì các triệu chứng trên cũng có thể gặp phải ở các bệnh thực thể nghiêm trọng tại ruột như ung thư
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích là gì?
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn không xác định rõ, nhưng các chuyên gia sức khỏe tin rằng sự tương tác sai lệch giữa não và đường tiêu hóa là nguyên nhân gây ra triệu chứng co cơ bất thường gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích do có ruột non nhạy cảm một cách bất thường.
Nhìn chung, các triệu chứng gây ra do một trong những yếu tố sau:
- Thực phẩm: Mặc dù sự liên quan giữa dị ứng thực phẩm hoặc chứng không dung nạp lactose và hội chứng ruột kích thích chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng ở một số người, khi ăn một số thực phẩm nhât định có thể gây ra những triệu chứng ruột kích thích nghiêm trọng.
- Căng thẳng hoặc vấn đề tâm lý như ức chế tinh thần.
- Thay đổi hormone, chẳng hạn như do chu kỳ kinh nguyệt.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như khuẩn salmonella.
- Tác dụng phụ từ thuốc kháng sinh.
- Di truyền.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)?
- Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao nếu:
- Độ tuổi: Hội chứng ruột kích thích thường phát bệnh với đối tượng dưới 45 tuổi.
- Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới.
- Gia đình có người bị hội chứng ruột kích thích.
- Có vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách hoặc bị lạm dụng tình dục tuổi vị thành niên.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng ruột kích thích (IBS)?
Để hạn chế diễn tiến của bệnh này, bạn nên duy trì những hoạt động sau:
- Tìm hiểu những loại thức ăn làm cho triệu chứng trầm trọng hơn và hạn chế ăn những loại thức ăn đó.
- Duy trì một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, ngũ cốc và rau quả.
- Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhiều chất xơ.
- Hãy uống nhiều nước để giúp ruột già hoạt động tốt.
- Hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Hãy tập thể dục vừa phải khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Hãy cố tránh bị stress.
Nguồn: Ettoday