Theo New York Times, dữ liệu từ hộp đen mới được Indonesia công khai cho thấy, các phi công đã đấu tranh để cứu lấy chiếc máy bay ngay từ khi nó cất cánh. Nhưng do lỗi cảm biến, mũi chiếc máy bay Boeing 737 không ngừng chếch xuống.
Mô phỏng bên trong buồng lái máy bay Boeing 737 (Ảnh: NY Times)
Cụ thể, cảm biến từ thân máy bay đã gửi dữ liệu sai đến 1 bộ phận gọi là MCAS. Bộ phận này để làm gì? Khi phi công chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay (không phải chế độ tự động), MCAS sẽ phát huy vai trò của nó là ngăn không cho mũi máy bay bị kéo lên quá mức, giữ cho máy bay thăng bằng. Tuy vậy hệ thống MCAS trên máy bay số hiệu JT610 đã gặp lỗi và phản tác dụng.
Dựa trên một phần dữ liệu bay từ hộp đen được Indonesia công bố tuần này, có thể thấy MCAS đã gặp lỗi như sau. Hệ thống này nhầm lẫn máy bay đang chếch lên và tự động hạ mũi máy bay xuống. Phi công phản ứng bằng cách đẩy mũi máy bay lên để bù trừ. Nhưng điều này chỉ khiến hệ thống MCAS tiếp tục kéo mũi máy bay xuống một lần nữa.
Cơ chế hoạt động của MCAS: nâng bộ phận ở đuôi máy bay lên để chúc mũi máy bay xuống. Thế nhưng MCAS đã mắc lỗi chí tử. (Ảnh: NY Times)
Mũi tên màu xanh: phi công kéo mũi máy bay lên. Mũi tên màu đỏ: hệ thống MCAS tự động kéo xuống. (Ảnh: NY Times)
Cuối cùng, trang The Register cho rằng: "Đó là một cuộc vật lộn giữa phi công với phần cứng và phần mềm của chiếc máy bay - những hệ thống đã cố gắng giết họ trong vô thức".
Chuyên gia giàu kinh nghiệm về hàng không, Peter Lemme cũng đánh giá rằng, phi công đã phải đấu tranh với hệ thống MCAS, cố gắng đưa mũi máy bay chếch lên 26 lần cho đến khi mất kiểm soát, khiến chiếc Boeing 737 lao xuống biển Java với vận tốc 231 m/s, 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Điều này có lẽ đã giải thích những bí ẩn xoay quanh máy bay gặp nạn: Vì sao nó liên tục thay đổi độ cao đột ngột? Vì sao phi công xin quay về ngay khi cất cánh, trạm kiểm soát không lưu đã cho phép nhưng không có phản hồi? Vì sao máy bay lại lao xuống biển với tốc độ rất nhanh?
Máy bay thay đổi độ cao liên tục do phi công đấu tranh để điều khiển nó sau lỗi hệ thống (Ảnh: NY Times)
Nói tóm lại, cảm biến bị lỗi đã gửi thông tin sai đến cho hệ thống MCAS, khiến máy bay trục trặc kĩ thuật, phi công cố gắng khắc phục suốt 11 phút nhưng không thành công.
Chuyên gia Lemme còn phỏng đoán thêm tình huống cụ thể khi phi hành đoàn cố gắng khắc phục lỗi. "Dường như khi cơ phó điều khiển, hệ thống MCAS đã mắc lỗi trong 2 chu kỳ mà không được phát hiện, khiến mũi máy bay chếch xuống.
Cuối cùng, có lẽ cơ trưởng lấy lại quyền kiểm soát, máy bay thăng bằng được ít lâu nhưng rồi lại chúc xuống. Cơ trưởng tắt MCAS nhưng sau đó không có bước xử lý hiệu quả để máy bay hướng lên và giữ được thăng bằng".
Cơ trưởng Bhavye Suneja của chuyến bay xấu số (Ảnh: Facebook)
Trong bản báo cáo nguyên nhân Lion Air rơi được giới chức Indonesia công bố vào tuần trước, đại diện tổ điều tra Nurcahyo Utomo cũng cho biết nguyên nhân là do lỗi hệ thống MCAS.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Umoto rằng: "Hệ thống MCAS - một chế độ sửa đổi tự động mới được lắp đặt trên mẫu máy bay Boeing 737 Max - đã trực tiếp kéo mũi máy bay xuống. Các phi công phản ứng thành công một đôi lần trước khi máy bay lao xuống lần cuối cùng".
Boeing vẫn khẳng định các máy bay 737-Max của hãng an toàn cho việc vận hành. "Chúng tôi tự tin về vấn đề an toàn của 737-Max. Yếu tố an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu, là giá trị cốt lõi của Boeing", đại diện hãng thông báo vào cuối tuần trước.
Người thân đau đớn nhận phần thi thể nạn nhân máy bay Lion Air
Xung quanh vấn đề báo cáo của Indonesia về máy bay rơi và mức độ an toàn của những chiếc Boeing mới vẫn đang tiếp tục thảo luận. Giới chức Indonesia nỗ lực tìm kiếm thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái để hé lộ toàn bộ nguyên nhân. Tuy nhiên nỗ lực này đang gặp khó khi vào tuần trước, tín hiệu "ping" từ thiết bị đã không còn được phát hiện nữa.
(Theo NY Times, Reuters, The Register)