Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 28/11, 34/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm đã được thực hiện, trong đó 2.828.743 liều mũi 1 và 684.131 liều mũi 2.

Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt trên 60% tổng số đối tượng 12 - 17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3 %) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó 2 học sinh tử vong.

Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 học sinh này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4/1 triệu liều vaccine sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ II.

Trao đổi với báo chí sáng nay,Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là sự cố tai biến không mong muốn. Thời gian qua, Hà Nội thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm chủng, theo dõi sức khỏe của người dân, đặc biệt trẻ em từ 12-18 tuổi.

Với trường hợp nữ sinh lớp 9 tử vong, theo bà Hà, Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn, xin ý kiến chuyên gia, đặc biệt chuyên gia tuyến Trung ương để nhìn nhận toàn bộ quy tình tiêm chủng cũng như tìm nguyên nhân.

"Hiện chúng tôi đang đợi đánh giá của Hội đồng chuyên môn để có nhận định, làm sao có giải pháp tốt nhất trong quá trình thực hiện tiêm chủng", bà Hà nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã tiêm cho rất nhiều trẻ và toàn bộ quy trình được giám sát chặt chẽ. Khi tiêm cho trẻ em, thành phố đã tập huấn cho cán bộ y tế, chuẩn bị kíp cấp cứu hỗ trợ những phản ứng không mong muốn. Nhân viên y tế cũng hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh 7 ngày liên tục sau tiêm.

"Sở đã thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tiêm chủng tại tuyến y tế cơ sở để thực hiện nghiêm túc quy trình này, mục tiêu cao nhất là an toàn cho học sinh", bà Hà cho biết.

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Chiến dịch được thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Việc tiêm chủng cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Song song với tổ chức Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các 4 địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 và bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh.

Ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội xác nhận một nữ sinh lớp 9 trên địa bàn vừa tử vong sau một ngày tiêm vaccine Covid-19.

Theo đó, nữ sinh tiêm vaccine Covid-19 sáng 27/11, đến 10h sáng 28/11 thì tử vong. Hôm đi tiêm về, em sốt nhẹ, đến tối lên 39 độ. Sáng hôm sau, em được người thân đưa đến Bệnh viện Thường Tín cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Các cơ quan ban ngành cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình.

Trước đó, chiều 28/11, một học sinh tại Bắc Giang cũng tử vong sau 3 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai do sốc phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19.