Da nứt nẻ là hiện tượng khá phổ biến trong mùa hè và hầu hết mọi người đã từng gặp phải. Thời tiết nắng nóng kết hợp với không khí khô tạo điều kiện cho các bệnh về da xuất hiện. Nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn tới hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh eczema, vẩy nến hoặc viêm da tiếp xúc, một vấn đề sức khỏe do tác động từ môi trường gây nên.

Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn. Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường có thể nhận thấy da bàn chân nứt nẻ. Dưới đây là tổng hợp một số nguyên nhân phổ biến gây nứt nẻ da và các biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả:

Thế nào là da bị nứt nẻ?

Nguyên nhân và phương pháp khắc phục tình trạng nứt nẻ da ở tay và chân - Ảnh 1.

Những người sở hữu làn da khô, nứt nẻ dễ mắc nhiễm trùng do hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ.

Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), các vết nứt hoặc vết bong tróc, thô ráp thường xuất hiện trên da do da khô hoặc chịu kích thích từ bên ngoài. Da khô và nứt nẻ có thể gây ngứa, đóng vảy và chảy máu. Một số người sở hữu làn da nhạy cảm dễ bị kích ứng khi dùng các sản phẩm chăm sóc da.

Hơn nữa, da của họ cũng nhạy cảm hơn với nhiệt độ nước và chất tẩy rửa gia dụng. Da nứt nẻ có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, đặc biệt là những khu vực thường tiếp xúc với môi trường bên ngoài như bàn tay, chân.

Nguyên nhân nào gây nứt nẻ da?

Theo AAD, nứt nẻ da ở tay, chân và môi có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là khô da. Nhiệt độ môi trường tăng cao kết hợp với thời tiết oi bức dễ gây kích ứng da. Khi độ ẩm trong không khí giảm, da có thể bị khô và nứt nẻ. Thường xuyên chà xát, chạm vào khu vực da bong tróc cũng góp phần khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

Hơn nữa, da rất dễ bị lão hóa và bong tróc khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Tia cực tím (UV) không chỉ gây tổn thương da, tạo nên những vết tàn nhang mà còn hút ẩm và khiến da trở nên khô hơn. Theo thống kê của Trường Y Harvard, khi tiếp xúc với tia UV, bạn có tới 80% khả năng gặp phải các dấu hiệu lão hóa có thể nhìn thấy bằng mắt thường như khô da, bong tróc da, xuất hiện nếp nhăn và suy giảm sắc tố da.

Hơn nữa, thói quen sử dụng điều hòa nhiệt độ cũng góp phần dẫn tới tình trạng này. Michelle Pelle, bác sĩ da liễu kiêm giám đốc điều hành Tổ chức MedDerm ở San Diego giải thích, thay đổi đột ngột như di chuyển từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng dễ khiến bề mặt da chịu tổn thương do chưa kịp thích ứng với nhiệt độ. Da nứt nẻ là một trong các dấu hiệu cho thấy bạn cần bổ sung nước để giữ ẩm.

Nguyên nhân và phương pháp khắc phục tình trạng nứt nẻ da ở tay và chân - Ảnh 2.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng cũng có thể gây khô, ngứa hoặc nứt nẻ da tay.

Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe như viêm da tiếp xúc, eczema và vảy nến có thể là nguyên nhân đằng sau hiện tượng da bong tróc. Các triệu chứng đặc trưng của viêm da tiếp xúc bao gồm phát ban và khô da. Tình trạng này thường xuất hiện do người mắc bị dị ứng hoặc tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng, độc hại. Trên thực tế có không ít người bị viêm da tiếp xúc khi đeo găng tay cao su.

Những người mắc bệnh eczema hoặc viêm da dị ứng thường sở hữu làn da khô và dễ bị ngứa. Hơn nữa, gãi sẽ gây đỏ da, khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Bệnh eczema xuất hiện khi hàng rào bảo vệ trên da mất nước. Việc thiếu độ ẩm khiến da khô và dễ gây nứt nẻ hơn.

Khác với viêm da tiếp xúc và eczema, vảy nến là một bệnh tự miễn có khả năng tác động tới da. Những người mắc bệnh này thường bị khô da, xuất hiện những mảng da cực kỳ khô ở mọi nơi trên cơ thể, đặc biệt là xung quanh các khớp.

Làm thế nào để trị nứt nẻ da?

Nguyên nhân và phương pháp khắc phục tình trạng nứt nẻ da ở tay và chân - Ảnh 3.

Nếu thường xuyên dưỡng ẩm da và tránh các tác nhân gây khô da không đem lại hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí của vùng da nứt nẻ. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời tiết nóng hoặc do rửa tay thường xuyên, bạn cần cố gắng giữ ẩm da. 

Vì những sản phẩm khử trùng tay chứa cồn có khả năng gây khô da, các bác sĩ da liễu khuyên mọi người nên thoa kem dưỡng ẩm sau khi làm sạch tay. 

 Người mắc bệnh eczema và vẩy nến cũng cần dưỡng ẩm da thường xuyên để ngăn ngừa phát ban bùng phát và bảo vệ da. Nếu da bị nhiễm trùng, họ có thể dùng thuốc bôi và kháng sinh. 

Dưới đây là những biện pháp có thể thực hiện tại nhà để ngăn ngừa tình trạng nứt nẻ da trong mùa hè:

- Sử dụng nước lạnh, thay vì nước ấm, nóng.

- Không tắm quá 10 phút.

- Tránh chà xát da.

- Thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm.

- Đeo găng tay khi sử dụng hóa chất tẩy rửa.

- Dùng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong nhà khô.

- Mặc quần áo làm bằng các loại vải mịn, thoáng khí như cotton.

Theo Medicalnewstoday