Nhà bà Nữ và 'những con hẻm hôn nhân' chật chội: Tình yêu sẽ chết nếu không có sự tôn trọng nhau

VV,
Chia sẻ

Khi tranh cãi, xuất phát có thể là mâu thuẫn giống nhau nhưng kết quả lại hoàn toàn khác nhau. Thành công hay thất bại nằm ở việc chúng ta có biết điểm dừng hay không mà thôi.

Nhà bà Nữ có lẽ là cái tên được rất nhiều người quan tâm thời điểm hiện tại. Bộ phim của Trấn Thành vẫn chọn khai thác đề tài gia đình với những mâu thuẫn nảy sinh từ cha mẹ, con cái, vợ chồng. Không có kịch bản đầy drama hay những cú twist bất ngờ, Nhà bà Nữ như 1 tấm gương phản chiếu hiện thực của một số gia đình. Đó là một con hẻm nhỏ chật chội, một quán ăn bình dân lộn xộn, một căn nhà có đến 3 thế hệ chung sống trong khu tập thể cũ với những tiếng quát tháo chửi bới như cơm bữa.

Một bộ phim hài có thể làm ta cười, 1 bộ phim tình yêu lãng mạn có thể khiến ta vui, một bộ phim trinh thám có thể thôi thúc ta muốn vận động trí não nhưng một bộ phim tâm lý gia đình sẽ khiến ta ám ảnh. Đó là thứ trải dài trong Nhà bà Nữ.

Tình yêu nào rồi cũng sẽ chết nếu không có sự tôn trọng nhau

Nhuận - người đàn ông không phải nam chính nhưng có lẽ gây chú ý vì sự bất hạnh và bế tắc. Anh ta ở rể trong 1 gia đình toàn nữ (bà ngoại, mẹ vợ, vợ, em gái vợ). Nhẽ ra “mì chính cánh” như anh ta sẽ được ưu ái nhưng không… Nhuận hằng ngày làm chân chạy vặt phụ mẹ vợ bán bánh canh, giao hàng cho vợ và thứ anh nhận được là câu cửa miệng “thằng ch...”, “mày hại gia đình tao”, “mày dạy hư em mày”... Anh ta trong mắt bạn bè là người “làm việc giỏi, làm chồng giỏi, kiếm đâu ra người thứ 2”. Nhưng trong mắt vợ và cả gia đình vợ Nhuận chẳng khác nào kẻ vô dụng, hèn kém.

Nhà bà Nữ và “những con hẻm hôn nhân” chật chội: Tình yêu sẽ chết nếu không có sự tôn trọng nhau - Ảnh 2.

Nhuận chưa từng 1 lần phản kháng, anh ta cũng chưa bao giờ nhận được 1 tiếng gọi anh hay chồng ơi từ vợ mình. Nhuận biết nhìn nhận vấn đề nhưng anh ta lên tiếng 1 cách yếu ớt. Anh ta chọn chịu đựng và giải sầu bằng cách đi nhậu cùng bạn chỉ vì “Trong lúc xỉn mình thấy mình không bị coi thường”.

Cuối cùng Nhuận đã ngoại tình, thậm chí người tình còn kém xa vợ anh ta. Anh ta không mảy may cãi lại hay bao biện khi bị đánh ghen. Anh ta vẫn “hèn” như thế, để vợ thỏa sức đánh chửi và mếu máo: “Má với bà ngoại cho con ly dị được không con cũng mệt rồi. Cho con dừng đi con không muốn sống thế này nữa”.

Nhuận cương quyết ra đi như con giun xéo mãi cũng quằn. Anh đã hét vào mặt vợ: “Anh không cần em bênh, anh cần em tôn trọng”.

Xuất phát điểm của vợ chồng Nhuận và Như có lẽ là cuộc tình đẹp. Họ bị bà Nữ ngăn cản nhưng vẫn bất chấp tất cả để đến với nhau, vậy mà không hiểu do môi trường sống toàn sự chua ngoa hay cơm áo gạo tiền đã khiến Như trở thành bản sao của bà Nữ.

Chồng bà Nữ và Nhuận đều từng là những người đàn ông tử tế và yêu thương vợ. Thế nhưng chính sự cay nghiệt của những người phụ nữ đã làm tổn thương họ, giết chết tình yêu trong họ và đẩy họ ra xa.

Có lẽ đoạn phim ám ảnh nhất là 3 khoảnh khắc song song: Nhuận vùng vằng bỏ Như đi, John cũng nhất quyết bỏ Nhi đi, quá khứ dội về gương mặt cục cằn của chồng bà Nữ lúc bỏ bà đi. 3 mẹ con họ đều bị đàn ông rời bỏ hay yêu thương không đúng cách mà vô tình đẩy những người chồng của mình đi xa?

3 sự thất bại ấy đều có 1 điểm chung: Những người phụ nữ chưa từng biết tôn trọng bạn đời.

Nhà bà Nữ và “những con hẻm hôn nhân” chật chội: Tình yêu sẽ chết nếu không có sự tôn trọng nhau - Ảnh 3.

Nếu lời xin lỗi quá khó nói ra, hãy cho nhau một cơ hội để thương lượng

“Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân”, câu nói này của Nhuận được share khá nhiều trên MXH. Bước ra khỏi phim, trong những cuộc hôn nhân đời thực có bao nhiêu người tự nhận thấy mình có lỗi trong 1 cuộc cãi vã?

Trong cơn nóng giận chúng ta tự cho mình cái quyền tha hồ chửi bới, làm tổn thương đối phương như 1 thói quen, thấy bản thân mình thiệt thòi mà quên đi những tử tế cần dành cho nhau.

Khi tranh cãi, xuất phát có thể là mâu thuẫn giống nhau nhưng kết quả lại hoàn toàn khác nhau. Thành công hay thất bại nằm ở việc chúng ta có biết điểm dừng hay không mà thôi.

Người ta nói những gì đã là bản tính thường khó thay đổi nhưng chúng ta có thể thay đổi góc nhìn đối với mỗi vấn đề.

Chúng ta thường nghĩ mình chiến thắng khi thỏa mãn cơn giận bằng cách gào thét, làm tổn thương đối phương nhưng cái chúng ta nhận về là sự cô độc. Họ im lặng không có nghĩa là họ thua cuộc, sự im lặng ấy càng tích tụ hôn nhân sẽ càng dễ đổ vỡ.

Nhà bà Nữ và “những con hẻm hôn nhân” chật chội: Tình yêu sẽ chết nếu không có sự tôn trọng nhau - Ảnh 4.

Nếu quá khó để nói ra 1 lời xin lỗi, nếu bạn không biết mình đúng hay sai, nếu còn tình yêu, còn muốn người ta ở lại hãy cho nhau 1 cơ hội để thương lượng. Bà Nữ luôn đóng vai nạn nhân trong những biến cố. Đã quá lâu bà không xin lỗi 1 ai, không thừa nhận mình sai lầm, không thấy được nỗi khổ của chồng con. Bà hận đàn ông mà không biết chính bà là nguyên nhân khiến cuộc sống của bà và các con cứ lặp lại những bức bối, bế tắc.

Nhà bà Nữ có 1 cái kết không chiều lòng người nhưng đó lại là hiện thực xã hội. Chưa chắc Hoàng tử đã quay lại với Lọ Lem sau những sóng gió, vấp ngã. Chưa chắc bất chấp chọn 1 người mình yêu thương thì họ sẽ đồng hành cùng mình đến cuối đời. Và cũng chưa chắc những người phụ nữ chua ngoa sẽ không được ai yêu thương, bao dung đón nhận.

Cuộc đời sẽ còn nhiều bát chè đậu xanh nha đam mát lành như ông Liêm nấu làm dịu nhẹ trái tim người phụ nữ có quá nhiều chấp niệm và buồn đau. Mọi thứ sẽ tốt đẹp theo cách bạn muốn nếu bạn chịu nhìn nhận, sửa sai và sống tích cực.

Chia sẻ