Năm 2018, trong bản "danh sách 11 món ăn từ bún, mỳ, phở tuyệt nhất Việt Nam", The Culture Trip đã gọi tên Bún đậu mắm tôm - món ăn dân dã "ăn một lần nhớ mãi" vì mùi vị đặc biệt của mắm tôm - "bạn sẽ thích hoặc ghét nó", The Culture Trip viết.

Bún đậu mắm tôm cũng là món ăn mà nhà báo Anh Graham Holliday rất nhớ khi xa Việt Nam. Nhà báo Holliday là tác giả cuốn sách mang tên "Eating Viet Nam: Dispatches from a Blue Plastic Table" (Ăn ở Việt Nam: Câu chuyện từ chiếc bàn nhựa màu xanh), xuất bản vào năm 2015 và được vị đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain viết lời tựa.

Sau khi ông Anthony Bourdain qua đời vào năm 2018, nhà báo Graham Holliday cùng đội ngũ đã thành lập trang web Explore Parts Unknown để đăng tải những video và bài viết cũ của vị cố đầu bếp để tưởng nhớ ông.

Trang web cũng đăng tải một số bài viết của nhà báo Holliday cùng các cộng sự, và sau đây là nội dung lược dịch từ bài viết đặc biệt thể hiện tình yêu của nhà báo này đối với món Bún đậu mắm tôm giản dị của Việt Nam, với tựa đề "A Love Letter to Bún đậu Mắm tôm" (Một bức thư tình gửi Bún đậu Mắm tôm).

"Món ăn tôi rất nhớ khi rời xa Việt Nam"

Cả "căn bếp" của chị Nhung được thồ đến trên chiếc xe đạp. Hai chiếc lốp xe cao su "khò khè" dưới những chiếc chảo nấu ăn, ghế nhựa, đậu phụ, bún, rau thơm và nước nắm.

Đã gần 11 giờ, và cũng là thời điểm người Hà Nội chuẩn bị đi ăn trưa. Mặc chiếc áo bà ba, chị Nhung chủ quán bước xuống và dỡ từng món đồ, sắp xếp "căn bếp" vỉa hè của mình.

Chị Nhung là một trong hàng ngàn người bán hàng rong từ nông thôn lên thủ đô buôn bán. Mỗi buổi sáng, chị Nhung đều đi gần 65 cây số, mất 1 tiếng rưỡi trên chuyến xe buýt từ Hưng Yên lên Hà Nội. Và lịch trình của chị cứ lặp lại như thế 7 ngày trong tuần.

Giống như nhiều người bán hàng rong, hàng quán vỉa hè và chủ quán ăn ở Việt Nam, chị Nhung chỉ chuyên tâm bán đúng một món "đặc sản" duy nhất: Bún đậu mắm tôm. Đó là món ăn giản dị nhất trong số những món ăn dân dã của Việt Nam. Và đó cũng là món ăn tôi rất nhớ khi giờ đây tôi đã rời xa đất nước mà tôi đã gắn bó gần một thập kỷ.

Tiếng xèo xèo phát ra từ chiếc chảo rán trên than nóng của chị Nhung chẳng mấy chốc đã thu hút một đám đông trên phố Hàng Trống. Họ ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ xíu, gọi món và tán chuyện rôm rả khi chị Nhung chuẩn bị bữa trưa của họ.

Loại bún được sử dụng trong món bún đậu mắm tôm là bún lá, được ép lại rồi cắt ra thành những miếng bún trắng muốt. Đậu phụ phải là đậu tươi. Và mắm tôm phải có màu tím đặc trưng.

Có hai luồng ý kiến về mùi của món mắm này, nhưng mùi mắm tôm là điều rất cần thiết - nó giống như một thứ ma thuật mang lại màu sắc cho một đĩa thức ăn màu xám. Nói như vậy có nghĩa là bún đậu mắm tôm phải là một sự tổng hòa về hương vị - nếu mất đi một trong những "trụ cột" ngon lành này, toàn bộ mọi thứ sẽ sụp đổ.

Để làm dịu cái gắt của mắm tôm, hãy vắt một hoặc hai trái quất, thêm một chút đường và dùng đũa khuấy đều. Hãy ngắt một vài lá húng quế, húng bạc hà, cùng miếng dưa chuột thái lát trên khay và bắt đầu thưởng thức những miếng bún trắng muốt cùng những miếng đậu vàng ngoài giòn - trong mềm. Đừng quên gọi cả chả cốm nữa nhé.

Nhà báo Anh nhớ da diết Bún đậu mắm tôm: Nỗi nhớ đến từ thứ 'gia vị' quan trọng của Hà Nội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thứ "gia vị" quan trọng của Hà Nội

Một suất bún đậu mắm tôm khá rẻ, chỉ khoảng 1 USD (ND: tính theo thời điểm tác giả thưởng thức món ăn này ở Việt Nam). Giờ đây, khi đã rời xa Việt Nam, tôi sẽ chẳng phiền lòng nếu như phải bỏ ra nhiều tiền hơn thế để ăn thêm một suất bún đậu của chị Nhung.

Thực tế, niềm khao khát và nhớ nhung của tôi không chỉ vì món bún đậu mắm tôm của chị Nhung. Món ăn chỉ chiếm một nửa nỗi nhớ của tôi mà thôi.

Ngồi ở quán bún của chị Nhung, xung quanh bạn là rất người đang xì xụp, tán gẫu, thưởng thức đồ ăn. Phía sau lưng là hai đứa trẻ đang đá quả bóng vào một con hẻm ẩm mốc, và ở phía trên là tiếng chó sủa. Xa hơn nữa là một thiếu niên đang nắm chặt chiếc microphone gắn vào loa karaoke, và một người đàn ông đi dép tông nhựa đang "mổ xẻ" hộp điện.

Không khí xung quanh thoang thoảng mùi khói thuốc, mùi thịt lợn nướng và ngô nước. Một ông già mặc áo vest châm một điếu Vinataba và biến mất trên một lối đi đầy bụi rậm. Một chiếc xe máy chở lợn vụt qua. Chị Nhung sẽ đặt đĩa bún đậu mắm tôm của bạn lên chiếc ghế nhựa và nói với bạn rằng: "Ăn đi".

Chính những thước phim không có kịch bản này đã thêm gia vị cho món ăn đường phố của Hà Nội. Đó không phải là thứ bạn có thể đóng chai hoặc tìm thấy ở nơi nào bên ngoài thủ đô, nhưng thứ gia vị ấy thực sự rất quan trọng mà tôi cũng nhung nhớ như món bún đậu mắm tôm.

Có lẽ tôi nhớ bún đậu mắm tôm hơn một số món ăn Việt Nam khác, vì món ăn này "rất đường phố". Những người bán chở theo cả "căn bếp" của họ trên phố, và nấu ăn ngay trên đường phố, và chúng ta cũng phải xuống đường phố để ăn bún đậu mắm tôm. Thậm chí có những "quán" bún đậu mắm tôm còn chẳng có bàn, chỉ có những chiếc ghế cao 12cm.

Ngày nay, bún đậu mắm tôm đã có mặt ở hầu như khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Nhưng than ôi, tôi không còn ở Việt Nam nữa. Khi tôi cố gắng làm món bún đậu mắm tôm cho gia đình mình ở nơi cách xa Việt Nam 8 múi giờ, thì điều tôi vô cùng nhung nhớ chính là "căn bếp" di động kỳ diệu của chị Nhung và rạp chiếu phim trên đường phố Hà Nội.

Nhà báo Anh nhớ da diết Bún đậu mắm tôm: Nỗi nhớ đến từ thứ 'gia vị' quan trọng của Hà Nội - Ảnh 2.

Về tác giả

Theo đài NPR, nhà báo Anh Graham Holliday đã có một quyết định lớn thay đổi cuộc đời khi chuyển đến châu Á. Nơi dừng chân đầu tiên của anh là Hàn Quốc, và sau đó là Việt Nam - "ngôi nhà" của anh trong suốt 9 năm.

Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, nhà báo Holliday đã thể hiện niềm say mê đối với văn hóa và đặc biệt là ẩm thực Việt Nam. Anh đã ghi lại hành trình của mình trên trang blog Noodle Pie và cuốn sách Eating Vietnam: Dispatches from a Blue Plastic Table được cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain viết lời tựa.

Tham khảo: Explore Parts Unknown, NPR, The Culture Trip