Mẹ nào cũng phải thừa nhận rằng con càng lớn thì đồ dùng của bé lại nhiều thêm, nhất là đồ chơi cứ như tăng theo cấp số nhân vậy, để kín nhà mà vẫn chưa đủ. Có một thực tế là không phải gia đình nào cũng biết cách sắp xếp đồ chơi của con, có nhà thì để đồ lung tung, có nhà cho con hẳn 1 phòng để đồ chơi nhưng lúc nào cũng trong tình trạng bừa bộn.
Mới đây, chị Thanh Hà (sống tại Hải Dương) đã chia sẻ mẹo sắp xếp, bài trí các góc hoạt động để con dễ chơi, mẹ dễ dọn được rất nhiều chị em học hỏi, đồng tình. Dù nhà chỉ rộng khoảng 50m2 nhưng nhờ cách sắp xếp khéo léo, góc đồ chơi của em bé Voi cực kỳ ngăn nắp, gọn gàng khiến ai cũng ngạc nhiên.
"Nhà toàn đồ của con là có thật các bác ạ. Từ hồi Voi còn nhỏ xíu mình đã sắp xếp cho con những góc hoạt động như thế này, đồ chơi thì sẽ phân chia theo từng loại và để trên kệ.
Hồi Voi nhỏ, ít đồ chơi thì có 2 kệ thui, trong đó 1 là kệ để sách, kệ còn lại là để đồ chơi, dần dần con lớn, có nhiều đồ chơi hơn thì sẽ thêm kệ, thêm giỏ đựng.
Sắp xếp sao cho phù hợp với không gian mình có, nhưng luôn giữ nguyên tắc là "không để hỗn độn tất cả các loại đồ chơi vào cùng 1 giỏ" (đây là kiến thức mình học được trong sách Montessori).
Ví dụ: Dụng cụ nấu nướng sẽ để hết vào 1 giỏ, trái cây hoa quả để hết vào 1 giỏ, miếng ghép xếp hình vào 1 giỏ, các loại xe to vào 1 giỏ, xe nhỏ riêng 1 giỏ, tương tự lego hay các đồ chơi khác cũng vậy.
Suốt 5 năm qua mình đều sắp xếp khu vực vui chơi, hoạt động của con theo cách như vậy, và mình nhận thấy là mỗi lần con tìm đồ chơi mong muốn đều rất dễ tìm bởi vì nó có vị trí riêng đó ạ!
Thay vì con đổ hết 1 giỏ đồ chơi lẫn lộn các loại ra để tìm 1 miếng lego nhỏ xíu chẳng hạn, thì bây giờ con chỉ cần chạy lại kệ, lấy cái giỏ đựng những miếng lego nhỏ xuống, đổ ra và tìm cái con cần, thu nhỏ phạm vi tìm kiếm lại thì con sẽ đỡ bị rối và cáu, cũng không bị chán đồ chơi nữa các mẹ ạ!
Tất nhiên nhà có trẻ nhỏ thì không thể tránh khỏi việc bừa bộn rồi, nhưng sắp xếp theo cách này khi dọn đồ chơi cũng đỡ vất vả hơn cho cả mẹ cả con.
Mọi người tham khảo và áp dụng thử xem nhé. Nhà mình hiện đang ở là nhà thuê, tổng diện tích rộng 50m2 thôi", bà mẹ trẻ chia sẻ.
Nhiều bà mẹ vẫn thường xuyên tâm sự rằng con của họ dường như không thích chơi ở nhà vì chúng không cảm thấy thoải mái khi ở đâu cũng là không gian của "người khác", chúng không biết đồ chơi, sách vở cần phải bày biện ra sao mới được gọi là ngăn nắp; hay đồ chơi của con quá nhiều, đôi lúc con chỉ muốn lấy vội một chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ cho bạn gấu đang bị sốt thôi mà phải đổ hết cả thùng đồ chơi ra mà tìm thì thật dễ trôi tuột đi cảm xúc, điều đó cứ khiến con cảm thấy không thực sự hứng thú khi vui chơi ở nhà...
Thế nên một góc nhỏ dành riêng cho con với đồ chơi, sách vở được sắp xếp gọn gàng, logic là điều vô cùng quan trọng, nó có thể là nền tảng to lớn cho sự hình thành tính cách và phẩm chất của con sau này.
Trên kệ để đồ chơi thì sẽ có nhiều giỏ đựng, mỗi giỏ sẽ là 1 loại đồ chơi.
Không dồn hết các thể loại đồ chơi của con vào một thùng/sọt lớn
Vì sao? Có thể đối với nhiều phụ huynh, đây là cách thuận tiện nhất để thu dọn bãi chiến trường của con, nhưng điều này vô hình trung sẽ khiến con thiếu hụt đi sự tư duy trong sắp xếp và không xây dựng được khái niệm tôn trọng đối với những món đồ xung quanh.
Cần dành thời gian để phân loại, sắp xếp khu vực riêng của con thật khoa học
Khi con còn nhỏ, chưa hình thành tư duy về việc sắp xếp, các mẹ nên phân chia khu vực rõ ràng như không gian sách đọc, không gian vở vẽ, không gian đồ chơi bằng gỗ, không gian đồ chơi bằng pin, không gian đồ chơi trí tuệ… Qua mỗi một lần giới thiệu về không gian mới mà con dần có được khái niệm về tính logic.
Tuy vậy, dù sắp xếp ra sao, đồ chơi nhiều hay ít, phòng chơi to hay nhỏ thì điều quan trọng mà bố mẹ nên ghi nhớ đó chính là điều làm con thấy hạnh phúc không gì khác ngoài thời gian được đồng hành, được chơi cùng ba mẹ. Dành nhiều thời gian cho con để mình hiểu con, để con hiểu mình, đây là cách nhanh nhất để trở thành người đồng hành giúp con luôn hạnh phúc.