Nhiều nàng dâu mang tâm lý lấy chồng là lấy cả nhà chồng, là người trong nhà nên của nả nhà chồng sẽ về tay mình cả. Nhưng cuộc đời có biết bao chuyện khó lường, nên việc người ta dè dặt với nàng dâu, chàng rể cũng là việc chẳng đáng để chạnh lòng.
01
Vợ chồng Thu Ngân cưới nhau được hơn 10 năm, đã có với nhau 2 con. Nhà chồng Ngân cũng có 2 người con. Em gái đã kết hôn và ở riêng, còn vợ chồng Ngân dù đã mua được nhà nhưng quyết định cho thuê và vẫn sống chung với bố mẹ chồng. Suốt 10 năm sống ở nhà chồng, nhìn chung là gia đình êm thuận, ông bà nội bọn trẻ rất thương quý vợ chồng Ngân.
Gần đây, ông bà đã lớn tuổi nên muốn sang tên mảnh đất đang ở cho con trai. Mảnh đất này, ông bà mua và xây nhà từ khi còn trẻ. Ông bà giao hẹn: Nếu ở ổn định đến đời cháu nội trưởng thành thì thôi, còn bán đi thì phải chia một phần tiền cho em chồng.
Chồng Ngân, trước ngày đi làm giấy tờ đã thông báo rằng, vì mảnh đất là tài sản thừa kế nên sổ đỏ sẽ ghi tên mình anh. “Nhỡ sau này em hờn dỗi mà bỏ anh đi, lại lằng nhằng chia chác” - anh vừa cười vừa nói.
Ngân vẫn cứ tưởng chồng đùa, cứ đinh ninh chồng vẫn ghi tên cô vào, cho đến ngày tận mắt nhìn thấy sổ đỏ. Cô sốc nặng khi thấy anh đứng tên mảnh đất một mình. Cô cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, đau khổ vì vẫn nghĩ, lấy nhau 10 năm, ngoài tình cảm vợ chồng còn là tình nghĩa, là tin tưởng, là gắn bó máu thịt với nhau, vậy mà lại bị “ra rìa”.
02
Cãi nhau một trận nảy lửa với chồng mà vẫn không thay đổi được gì, Ngân bực tức ôm con về quê ngoại chơi cho khuây khỏa. Cô khóc như mưa với mẹ, lên án chồng coi trọng tài sản hơn vợ, "tố cáo" nhà chồng bạc đãi, coi Ngân như kẻ “ăn nhờ ở đậu”, “khác máu tanh lòng”.
Tưởng mẹ về hùa với mình, ai ngờ, bà thủng thẳng đáp: “Cái gì không có sự góp công của mình thì không nên đòi hỏi, con ạ. Vợ chồng hạnh phúc, bố mẹ chồng thương quý thì có gì mà con phải chạnh lòng? Tài sản, tiền bạc của ông bà bên ấy, ông bà muốn cho ai thì cho. Nếu ông bà cho chồng con, thì đó là tài sản riêng của chồng con. Quan trọng cuộc sống có hạnh phúc không thôi, chứ một miếng đất, một cọc tiền thì hơn thua gì khi không có hạnh phúc”.
Ngân giãy nảy bảo mẹ không bênh mình, bảo bà quan điểm hủ lậu, trọng nam khinh nữ, bênh con rể mà không thương con ruột. Lời mẹ nói như dầu đổ vào lửa, Ngân nổi đóa dọa sẽ “đáp trả” bố mẹ chồng. Rằng sau này ông bà ốm đau thì tự chăm hoặc để chồng Ngân tự chăm, cô nhất định không động tay. Bà thở dài bảo, nếu nghe được, chắc chắn bố mẹ chồng Ngân sẽ thấy quyết định của mình thật sáng suốt.
Đợi Ngân nguôi cơn, hôm sau, mẹ cô mới gọi ra ôn tồn giảng giải. Bà nói: “Con còn nhớ khi bố mẹ cho con mảnh đất trước khi con bán để mua nhà?! Khi đó mẹ có nói với chồng con rằng mẹ cho cả 2 vợ chồng và đề nghị cả chồng con đứng tên. Nhưng chồng con đã cảm ơn và từ chối. Chồng con nói với bố mẹ rằng đó là tài sản của bố mẹ cho con thì cứ để mình tên con. Sau này con quyết thế nào nó cũng nghe theo. Hai vợ chồng yêu thương nhau thì tiền bạc hay tài sản dù có đứng tên hay không cũng không quan trọng. Và mẹ đã mừng vì con đã tìm cho mình được người chồng thấu đáo".
Bà phân tích, mảnh đất, ngôi nhà mà Ngân đang ở là mồ hôi xương máu cả đời, là bao nhiêu cực khổ chắt chiu của ông bà nội bọn trẻ, nên việc họ muốn bảo toàn về sau này là điều dễ hiểu. Đặt cương vị là mình, bà cũng sẽ làm vậy, không phải vì không tin tưởng, không yêu thương con dâu, mà chỉ đơn giản con người ta ai cũng thường tính toán cho bước đề phòng rủi ro có thể xảy đến.
“Cứ tưởng tượng là con mua được nhà riêng rồi, con có sẵn lòng để bố mẹ chồng đứng tên không? Hoặc con có vui vẻ không suy nghĩ khi chia một nửa gia tài của mình cho vợ của con con sau này không? Nếu không có chút lăn tăn nào, con hãy trách cứ ông bà bên ấy”.
Nói đoạn, mẹ Ngân gọi điện rủ con rể xuống nhà ăn cơm, tiện thể đón mẹ con Ngân về nội.
03
Có nhiều nàng dâu mang theo tiêu chuẩn kép như Ngân: Tiền của chồng, tài sản của gia đình chồng thì nghiễm nhiên coi như của mình, còn tiền của mình thì cũng là… của mình. Họ đề phòng chồng phản bội, lập “quỹ đen” để cho mình bước chuẩn bị nếu nhỡ có sự cố xảy ra, nhưng lại không chịu nổi việc đối phương có sự đề phòng tương tự.
Hôn nhân, cũng như mọi sự trên đời, vốn chẳng có gì là chắc chắn cả. Vợ chồng nói khăng khít thì cũng khăng khít mà được ví von như như áo quần ngoài thân, cũ cũng có thể thay, rách có thể bỏ đi cũng chẳng sai. Thực tế đã chứng minh người ta yêu vợ, yêu chồng, nhưng lòng có thể tơ tưởng người khác, có thể vì mâu thuẫn nào đó mà rời xa nhau.
Khi chung sống, khi bước bên nhau trong chặng buồn vui sướng khổ, cùng chia vinh sẻ nhục thì cũng chẳng cần phân định quá rạch ròi chuyện tiền nong, vì cả hai vợ chồng cùng có trách nhiệm xây dựng gia đình, gánh vác kinh tế. Còn khi đã tan đàn xẻ nghé, người còn chẳng tiếc, tiếc gì tài sản, nhất là tài sản ấy không phải do mình làm ra, cũng không do mình bồi đắp?
Cũng có những người lấy câu “con dâu, rể khách” để chứng minh rằng, họ cần có sự đảm bảo về tài chính ở nhà chồng. Rồi họ kể công “đẻ con nối dõi”, “hy sinh thanh xuân” cho nhà chồng. Ô kìa lạ chưa, lấy chồng, sinh con là quyết định của mình, để mưu cầu hạnh phúc cho mình trước nhất, chứ có phải là một cuộc đổi chác đâu?
Nếu lấy cớ vì đẻ con, vì rời bỏ nhà mình đến ở nhà chồng, lơ là bố mẹ mình để chăm sóc bố mẹ chồng thì phải được tài sản, chẳng phải chính ta đã hạ thấp bản thân, tự cho mình là người đẻ thuê có hôn thú, là osin lương cao đấy ư?
Bản thân chị em còn giữ tư tưởng “ông bà không cho tôi tài sản, không tử tế với tôi, sau này già đừng gọi tôi chăm sóc”, nghĩa là còn toan tính, còn nhăm nhe “đổi” tài sản nhà chồng lấy tình thương, sao lại mong bố mẹ chồng cởi lòng cởi dạ với mình?
Phụ nữ văn minh cũng nên bỏ ngay tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào tài sản thừa kế của cha mẹ đi là vừa. Cái gì của hai vợ chồng chung tay làm ra thì hưởng, còn không thì cũng đừng tham lam, kẻo lại há miệng mắc quai.